Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chuyện những người đưa phạm nhân đi trả án

Thêm một đêm không ngủ, Đại tá Mai Nam Thái, Trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ tư pháp (PC81) Công an tỉnh Lào Cai và đồng đội tỷ mỷ nghiên cứu kế hoạch bảo vệ phiên tòa. Sự lo lắng hiện hữu trên gương mặt người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm...

"Bảo vệ phiên tòa vốn là công việc thường nhật của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, nhưng phiên tòa này đối với họ lại có nhiều điểm đặc biệt. Sự đặc biệt không chỉ bởi tính chất của vụ án; nhân thân đặc biệt của đối tượng mà còn ở thời điểm diễn ra vụ xét xử....

Vị trưởng phòng nhấn mạnh, trên gương mặt bộc lộ rõ sự âu lo. Đây là vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng, từng gây xôn xao dư luận; đối tượng phạm tội là người dân tộc thiểu số, hành vi gây án cực kỳ tàn ác, cùng lúc cướp đi mạng sống của 4 người thân trong gia đình. Không kể đoạn đường dài hơn 50 km, đi qua 4 xã biên giới và một thị trấn, thời điểm xét xử vào đúng ngày chợ phiên, thường là thời điểm tập trung đông người. Bên cạnh đó, do phong tục tập quán, đàn ông thường có thói quen uống rượu cũng là điều khiến anh em không khỏi lo lắng.

Trước khi kế hoạch bảo vệ phiên tòa được xây dựng và trình duyệt, Trưởng phòng Mai Nam Thái cùng các cán bộ đơn vị đã có những chuyến băng rừng, vượt suối vào thị sát tình hình. Vụ án xét xử lưu động tại điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trịnh Tường (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát), vào đúng ngày chợ phiên, là thời điểm người dân từ các xã đổ về, khiến anh em bồn chồn, lo lắng không yên.

Đại tá Mai Nam Thái nhớ lại: Từ trung tâm huyện Bát Xát vào đến vị trí xét xử, có thể di chuyển được bằng ô tô nhưng việc đi lại cực kỳ khó khăn. Chỉ những lái xe có bề dày kinh nghiệm, đã quen với các chuyến đi rừng mới có thể điều khiển được những con "chiến mã" băng qua những khúc cua rợn tóc gáy.

Chỉ đi một mình đã chật vật, bên cạnh còn có có một đối tượng mang trọng tội, biết rõ mức án phải đối mặt thì lại càng không đơn giản chút nào. Ngoài các tình huống được tỷ mỷ xây dựng đến từng chi tiết, đảm bảo không để xảy ra dù chỉ là một sai sót nhỏ, điều quan trọng nhất vẫn là công tác tư tưởng đối với bị cáo...

Cán bộ Phòng PC81 Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bảo vệ thành công phiên tòa xét xử Tẩn Láo Lở.

Trước và sau thời điểm trích xuất, cùng với cán bộ quản giáo, Đại tá Mai Nam Thái và các cộng sự đã chủ động gặp gỡ; đả thông tư tưởng cho bị cáo Tẩn Ông Nải (SN 1992, trú tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), còn có tên gọi khác là Tẩn Láo Lở...

Sau 4 giờ xét xử căng thẳng, kẻ gây ra vụ thảm sát khiến 4 người thân trong một gia đình tử vong đã bị tuyên án tử hình. Khi công tác xét xử hoàn tất, lại là một chặng đường trở ngược lại trại giam. Đây là thời điểm vô cùng căng thẳng bởi Tẩn Láo Lở đã biết mức án được tuyên...

Ngoài việc bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự tại các phiên xét xử; quản lý các đối tượng cải tạo tại xã phường; giúp các phạm nhân mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng; bắt giữ các đối tượng thi hành án hình sự còn có một công việc mà ít người biết đến đó là việc tiễn đưa những người có án tử hình, trả nợ án.

Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó đội trưởng Đội hỗ trợ tư pháp, Phòng PC 81 Công an tỉnh Lào Cai nhớ lại: Năm 2014, Nghị định 82 về thi hành án tử hình được triển khai, tại Lào Cai, việc thi hành án được thực hiện tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La. Đoạn đường này dài hơn 300km, chủ yếu là đường đèo núi hiểm trở, qua 3 tỉnh...

Trước khi thực hiện, cán bộ trong đơn vị đã tiến hành khảo sát ở 4 cung đường sang Sơn La để chọn tuyến đường thuận tiện, an toàn nhất; các phương án dự phòng, chuyển tuyến trong trường hợp mưa lũ, phải đi đường khác.

Trong quá trình khảo sát, các cán bộ được giao nhiệm vụ gặp gỡ những đơn vị trên các cung đường, ở những tuyến, địa bàn có thể ngang qua. Những sự cố như thiên tai, bão lũ cũng được tính đến. Rồi kế đó là việc phải đi qua những địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, trong trường hợp các đối tượng tổ chức đánh, cướp phạm nhân. Vị trí bệnh xá, bệnh viện gần nhất, đề phòng trường hợp sức khỏe của các bị án tử hình có diễn biến phức tạp.

Những chuyến đi đầu tiên, anh em không dám nghỉ lại đọc đường, toàn bộ thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu khác được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cho một chuyến công tác gian nan. Từ suốt đêm hôm trước, chỉ huy cùng cán bộ đơn vị đã có mặt ở đơn vị, chuẩn bị công tác hậu cần. Thời gian được tính toán chính xác đến từng phút, đảm bảo việc thi hành án được đúng giờ.

Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ Phòng PC81 bộc bạch: Phàm đã là con người, ai cũng mong được sống, ngay cả những kẻ từng phạm những tội ác tày trời. Trong khi đó, đối tượng giam giữ không phải một sớm, một chiều, có những trường hợp bị giam từ 2-3 năm nên có diễn biến tâm lý bất thường. Bởi vậy, khi phải đối mặt với cái chết, không ít đối tượng suy sụp...

Với cán bộ Phòng PC 81 Công an tỉnh Lào Cai, vất vả nhất có lẽ là làm công tác tư tưởng đối với các tử tù. Có đối tượng ý thức được hành vi phạm tội đã gây ra, song cũng có những trường hợp chống đối quyết liệt, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Cho đến bây giờ, cán bộ Phòng PC81 Công an tỉnh Lào Cai vẫn không quên trường hợp thi hành án tử hình tử tù THT (trú tại Lào Cai), đối tượng từng gây ra vụ giết người gây xôn xao dư luận. Trước khi là phụ bếp của một bệnh viện tại TP Lào Cai, THT từng có một quá khứ tội lỗi, nghiện ma túy, có một tiền án về tội trộm cắp tài sản.

Trong quá trình làm việc, giữa THT với một người đồng nghiệp nữ tên là Y đã nảy sinh mâu thuẫn. Ngày 9-5-2009, THT sau khi uống rượu say đã nảy sinh ý định cướp đi mạng sống của nạn nhân Y... Sau khi gây án, THT bỏ trốn khỏi hiện trường. Trong quá trình trốn chạy, đối tượng tiếp tục sát hại người phụ nữ Dao tên là Triệu Thị Mắm (ở Lào Cai) nhằm che giấu tung tích.

Trong suốt chặng đường dẫn giải từ Lào Cai đến Sơn La, tử tù THT không có biểu hiện gì của sự chống đối. Nhưng khi chuẩn bị thi hành án thì đối tượng bất ngờ đòi được tắm rửa. Sau khi yêu cầu này được đáp ứng, tử tù lại có nguyện vọng xin cầm tay một cán bộ đơn vị...

Trong tình huống ấy, cán bộ Phòng PC81 phải làm công tác tư tưởng.Sau khi được phân tích, tâm trạng của THT dần ổn định.Đối tượng đã đồng ý chấp hành án.Đó là những tình huống xảy ra ngoài dự phòng, không thể kiểm soát được.

Phải làm một công việc bất đắc dĩ - đó là tiễn đưa những linh hồn từng có một thời lầm lỡ trả giá pháp luật, cán bộ chiến sỹ Phòng PC81 ít nhiều cũng có tâm trạng. Nhưng khi đã bắt tay vào việc, họ toàn tâm, toàn ý với nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình ấy, họ cũng phải đối mặt với không ít gian khó, thậm chí là nguy hiểm khi đối tượng phạm tội đều là những kẻ đã gây ra những tội ác tày trời; đã bị tước đi quyền được sống. Đối tượng có thể là những kẻ giết người; cũng có khi là những kẻ mua bán trái phép chất ma túy hay những kẻ mang trong người căn bệnh thế kỷ, chẳng còn gì để mất....

Có đối tượng thì kêu khóc vật vã; một số trường hợp còn "hành hạ" cán bộ khi liên tục đòi đi vệ sinh. Có những yêu cầu của tử tù đúng pháp luật nhưng cũng có khi trái với quy định của ngành như đòi được gặp người nhà; khi viết thư về cho gia đình thì lại tìm cách kéo dài thời gian. Một số đối tượng còn đòi được ghi âm giọng nói để chuyển về cho người nhà, số khác yêu cầu không bịt mặt rồi hỏi tên của cán bộ trước lúc nhắm mắt xuôi tay...

Và còn muôn vàn các chiêu thức khác.Với những kẻ chuẩn bị ra pháp trường, những đối tượng thuộc diện chẳng còn gì để mất ấy thì việc áp dụng luật một cách cứng nhắc sẽ ít có hiệu quả. Một cán bộ Phòng PC 81 Công an tỉnh Lào Cai kể lại với chúng tôi trường hợp của tử tù Q, bị bắt về tội giết người, cướp tài sản.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Q gửi lại lời nhắn mong các cán bộ gửi lại cho gia đình. Người con tội lỗi ấy cảm thấy có lỗi với dòng họ tổ tiên. Q mong mỏi những đứa cháu trai học giỏi, cống hiến cho xã hội... Đây là một trong những trường hợp đã được đả thông về tư tưởng.

Trong năm 2016, Phòng PC81 Công an tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và cải tạo phạm nhân. Với họ niềm vui là khi các đối tượng từng có một thời lầm lỡ, các trường hợp đang cải tạo tại xã phường, sau trở khi lại với cuộc sống hoàn lương, trở thành những người có ích cho xã hội.

CATP Hà Tĩnh