Chuyện tình vượt ngăn cách của đô cử Lê Văn Công
Kể từ khi quen biết nhau, Lê Văn Công chưa bao giờ tặng cho vợ một bó hoa nào. Nhưng sự giản dị, nghị lực phi thường của anh là món quà vô giá mà chị Chu Thị Tám đã nhận được.
Nghị lực và niềm tin giúp vợ chồng Lê Văn Công sống trong hạnh phúc, bất chấp những khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Ảnh: Facbook nhân vật
Trò chuyện với phóng viên Zing.vn, vợ của nhà vô địch Paralympics vẫn còn run run vì quá hạnh phúc. Giọng của chị như lạc đi vì phải nghe điện thoại chúc mừng từ bạn bè, người thân cũng như trả lời truyền thông. Tấm HCV lịch sử mà Lê Văn Công đạt được ở Paralympics 2016 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ, nghị lực phi thường của đô cử này.
Niềm tin vượt qua nghịch cảnh
Lê Văn Công sinh ra không lành lặn, với đôi chân bị teo tóp, hậu quả từ việc mẹ anh bị sốt xuất huyết trong lúc mang thai. Những ngày nằm trên lưng cha đến trường cùng với những ánh mặt nghi ngại của người đời đã hun đúc cho anh một quyết tâm sắt đá để vươn lên.
Năm 2005, anh từ Hà Tĩnh vào TP HCM để lập nghiệp với khát khao chiến thắng số phận. Lúc đầu, anh làm thêm ở một xưởng gỗ tư nhân với thu nhập bấp bênh. Phải mất một thời gian chật vật xin việc khắp nơi, Lê Văn Công mới tìm được công việc phù hợp với chuyên nghành công nghệ điện tử.
Thời gian này anh vừa làm việc vừa tham gia sinh hoạt ở CLB hướng nghiệp của quận Tân Bình. Một HLV người khuyết tật tình cờ nhìn thấy anh và khuyên anh chuyển qua tập môn cử tạ. Lời khuyên này đã mở ra bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Lê Văn Công.
Trong một dịp tình cờ, Lê Văn Công đến chơi ở nhà một người bạn và gặp chị Chu Thị Tám khi đó mới 17 tuổi. Quen biết một thời gian, hai người nảy sinh tình cảm. Nhưng vì mặc cảm bản thân, mãi đến một hôm Lê Văn Công mới thổ lộ tấm lòng cho người mình yêu.
Lúc này, gia đình của chị Tám biết chuyện ra sức phản đối. Chị bị bố mẹ bắt về quê để không còn gặp mặt anh. Điều này đã khiến anh suy sụp suốt một thời gian. Suốt một thời gian dài, hai người không liên lạc với nhau thì bất ngờ đến gần Tết Nguyên đán 2008, chị Tám gọi lại báo tin mừng: “Bố mẹ kêu anh về ra mắt”.
Bà Nguyễn Thị Quảng có niềm tin vào con gái khi chị quyết định se duyên cùng Lê Văn Công. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Quá bất ngờ, VĐV cử tạ ngay lập tức bắt xe để di chuyển từ thị xã Hà Tĩnh ra huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để ra mắt nhà người yêu. Nghị lực, niềm tin của anh cùng sự cương quyết của con gái khiến bố mẹ chị Tám đồng ý cho đôi lứa nên duyên. Sau cột mốc đó, hai người cùng chung tay xây dựng tổ ấm.
Nhớ lại câu chuyện năm xưa, bà Nguyễn Thị Quảng, mẹ của chị Chu Thị Tám cho biết: “Lúc hai đứa nói chuyện cưới xin, tôi không hỏi gì nhiều bởi con cái đã muốn như thế thì mình phải theo. Tôi biết tính con mình, đã làm cái gì là làm cho bằng được”. Khi biết cậu con rể thi đấu ở Brazil, bà Tám cùng con gái thức đến tận gần sáng để xem anh thi đấu.
Ba năm vun đắp nghĩa tình
Chỉ sau 2 năm tập cử tạ, Lê Văn Công đã đoạt HCV châu Á 2007, rồi HCB châu Á. Hai năm sau, anh tiếp tục đứng trên bục cao nhất của ASEAN Para Games. Đang có thành tích tốt, anh bất ngờ bị tai nạn xe máy, chấn thương ở khớp vai, buộc phải nghỉ thi đấu 3 năm. Đây là nguyên nhân chính khiến anh không có cơ hội dự Paralympics 2012.
Không thể thi đấu đồng nghĩa với việc không thể giành huy chương để kiếm thu nhập, gánh nặng mưu sinh đề nặng lên đôi vai của cặp vợ chồng trẻ. “Lúc này, tôi làm thợ may, còn anh sửa chữa đồ điện tử ở nhà. Thu nhập của hai người chỉ chừng 5-6 triệu đồng/tháng. Khó khăn là thế nhưng anh Công quyết tâm lắm, luôn đi tập để chờ ngày trở lại”, chị Tám nhớ lại.
Thời điểm nghỉ thi đấu, hai vợ chồng nhà vô địch Paralympics vừa sinh đứa con trai đầu lòng Lê Tuấn Anh. Họ sống ở một căn phòng trọ nhỏ rộng chừng 10 m2 ở Tân Bình (TP HCM). Suốt 3 năm đó, họ động viên nhau để vượt qua những nhọc nhằn mưu sinh với niềm tin về một ngày mai tốt đẹp hơn.
Lê Văn Công có nghề phụ là sữa chữa đồ điện tử nhưng hiện tại anh chỉ làm ở tiệm chứ không mang về nhà. Ảnh: Facebook nhân vật |
“Suốt thời gian quen nhau rồi cưới nhau, anh Công chẳng tặng tôi hoa hay quà gì, chỉ lâu lâu chở nhau đi chơi. Nhưng tôi lại thích điều đó, chứ “hoa hòe” quá, tôi lại sợ. Anh Công là người trầm tính, rất ít khi thổ lộ về những khó khăn mà mình phải chịu. Nhưng bù lại, nghị lực của anh rất lớn, đã nói là phải làm cho bằng được”, chị Tám nhớ lại.
Sau khi hồi phục chấn thương, Lê Văn Công trở lại đầy mạnh mẽ khi liên tục phá kỷ lục ở những giải đấu tham dự. Năm 2014, anh đoạt HCV ASEAN Para Games 2014, HCB thế giới. Tiền thưởng từ những giải đấu này cùng với khoản tích cóp tích trước, nhà vô địch quyết định mua miếng đất 100 m2 ở huyện Đức Hòa, Long An để xây dựng tổ ấm.
Đến nay, họ đã dọn về tổ ấm mới được hơn 2 năm. Dù nơi ở cách chỗ tập khá xa nhưng chốn bình yên đó luôn rộn rã tiếng cười. Cách đây hơn 6 tháng, vợ chồng nhà vô địch đã đón thêm cô con gái Lê Trâm Anh. Để chăm sóc cho gia đình, chị Tám nghỉ hẳn làm công nhân, thu nhập của gia đình dồn cả vào đô cử này..
Phía trước nhà vô địch Paralympics vẫn còn không ít nhọc nhằn bởi mơ ước của họ là một ngày nào đó chuyển về ở gần TP HCM hơn. Chị Tám không muốn nghĩ đến việc đó nhiều bởi lúc này chị và hai con con đang mang ngóng từng ngày Lê Văn Công trở về.
Hạnh phúc với họ đơn giản là phút giây sum vầy!
Lê Văn Công (32 tuổi) sinh ra tại Hà Tĩnh, bị chứng tóp teo chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết trong thời gian mang thai. Năm 2005, anh vào TP HCM lập nghiệp và gia nhập CLB hướng nghiệp dành cho người khuyết tật. Sau đó anh gắn bó với thể thao bắt đầu từ điền kinh rồi chuyển sang cử tạ.
Chỉ sau 2 năm tập luyện, Lê Văn Công đã giành HCV hạng cân 48 kg tại ASEAN Para Games 2007 với thành tích 152,2 kg. Sau khi mất 2 năm để điều trị chấn thương từ năm 2011 đến 2013, VĐV này đã liên tục gặt hái thành công khi 3 lần phá kỷ lục thế giới và đoạt HCV tại ASEAN Para Games 2014 (180 kg và 181,5kg), giải vô địch châu Á 2015 (182kg).
CATP Hà Tĩnh