Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chuyện về người Việt Nam nuôi giấu Chủ tịch Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản

Con đường từ trung tâm huyện Yên Châu vào bản Lao Khô của tỉnh Sơn La khoảng hơn 50km nhưng toàn đèo dốc rất khó đi. Đưa chúng tôi đi là Trung tá Vàng Lao Sử, Đội phó Đội xây dựng phong trào Công an phụ trách xã về an ninh, trật tự - Công an huyện Yên Châu. Mất hơn hai tiếng vật vã trên xe, cuối cùng chúng tôi mới tới được bản Lao Khô.

Đó là một bản nhỏ nằm trọn trong thung lũng, giáp biên giới với Lào. Chỉ dãy núi đá cao ngất trước mặt, Trung tá Lử bảo bên kia núi là đất của huyện Xiềng Khọ (tỉnh Sầm Nưa - Lào). Có đến tận nơi, mới thấy gần 70 năm trước, ông Cay-xỏn chọn nơi này làm căn cứ địa là quá... hợp lý.

Đứng từ dưới con đường đất chạy dọc bản, chỉ tay lên ngôi nhà gỗ thấp thoáng trên đỉnh quả đồi xa xa, Trưởng Công an xã Phiêng Khoài Vì Văn Khoa bảo: "Nhà cụ Lử ở đấy". Nhìn thì gần thế nhưng cũng phải đi hết "mấy con dao quăng" leo bộ trên những con dốc đứng, hai bên là cỏ mọc ngút ngàn, khi đã mệt đến mức "thở ra bằng mồm" chúng tôi mới đặt chân đến được nhà già làng Tráng Lao Lử.

Ông Tráng Lao Lử kể lại chuyện gia đình mình nuôi giấu ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Ngôi nhà gỗ của gia đình ông Tráng Lao Lử bên ngoài cũng giống như những ngôi nhà của người Mông khác ở bản Lao Khô, nhưng bên trong như một nhà lưu niệm thu nhỏ, bởi giữa phòng khách ngoài treo di ảnh của ông Tráng Lao Khô còn có ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và rất nhiều ảnh được đóng khung treo khắp bốn bức tường.

2. Năm nay bước sang tuổi 75, ông Tráng Lao Lử vẫn còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và nói chuyện rất hấp dẫn. Hóa ra ông đã có mấy chục năm làm cán bộ, từ Chủ nhiệm hợp tác xã, rồi lên làm Chủ tịch Ủy ban xã, nhưng lâu nhất là làm ở Ban Dân vận Huyện ủy Yên Châu, cho tới tận bây giờ, đã nghỉ hưu gần chục năm rồi, nhưng ông vẫn đang "phải làm cán bộ bản" với chức già làng bản Lao Khô 1.

Ông bảo nhà ông ở trên núi thế này nhưng mà được đón nhiều đoàn khách từ Trung ương, rồi cả đoàn Đại sứ quán Lào về thăm rồi. Chỉ chiếc tivi, ông Lử bảo đó là món quà của gia đình ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản tặng.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh nhà, chỉ vào từng tấm ảnh được đóng khung, treo ngay ngắn trên vách nhà, ký ức trong ông Tráng Lao Lử dường như sống lại với những kỷ niệm thấm đẫm tình Việt - Lào mà cha ông, bà con dân bản đã dày công vun đắp. Rồi ông cẩn thận gỡ xuống một chiếc bằng khen toàn chữ Lào và giải thích rằng, đó là Huân chương Tự do mà Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tặng cho gia đình ông Tráng Lao Khô.

Ông Lử hồ hởi kể rằng, không chỉ có nhà ông mới vui, người dân bản Lao Khô cũng vinh dự được Chính phủ Lào tặng Huân chương Hạng Ba. Và câu chuyện giữa chủ và khách cũng ngược thời gian cách đây gần 70 năm.

 Đó là ngày 14-6-1948, Bộ tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào - Bắc gồm 14 người. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban là gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, xây dựng căn cứ địa Bắc - Lào vững chắc. Ban chia thành từng tổ 2-3 người để thâm nhập vào các bản người Puộc ở Tà Xẻng, Lao Hùng, Mong Nam và Xiêng Xá, xây dựng cơ sở trên tả ngạn sông Mã thuộc châu Xiềng Khọ.

Nhiệm vụ chủ yếu của ban là góp phần giúp lực lượng kháng chiến ở Lào xây dựng căn cứ cách mạng tại 4 tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phong Sa Lỳ và Luông Pha Bang lấy trung tâm là Lao Hùng, Phiêng Xả, Moong Nam, Thà Luông, thuộc huyện Xiềng Khọ tỉnh Sầm Nưa (Hua Phăn).

Trước đó, vào tháng 4-1948, Ban hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa. Phiêng Sa là một bản của người Mông thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam. Khi đến Phiêng Sa, Ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tình hình trước khi hành quân vào đất Lào.

Tại khu căn cứ này, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản phái người sang đất Lào để nắm tình hình và có những kế hoạch trước khi tiến sâu vào đất Lào. Trong thời gian hoạt động ở Phiêng Sa, Ban xung phong Lào - Bắc đặt căn cứ hoạt động tại hang Thẩm Mế và huấn luyện quân sự để trở về xây dựng khu căn cứ địa tại huyện Viêng Xay; riêng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa.

Ngày 20-1-1948, quân Ban Lào Ít-xa-la thành lập do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Tổng chỉ huy. Cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Việt Nam, quân Ban Lào vừa đánh địch vừa vận động nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, tổ chức dân quân du kích chống càn, xây dựng chính quyền mới ở những vùng giải phóng.

Cuối năm 1948, Bộ chỉ huy Liên khu 10 tăng cường thêm một tiểu đoàn chủ lực để đẩy mạnh xây dựng cơ sở xuống Xốp Xan, Mường Ét. Ngày 20-1-1949, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản mở hội nghị cán bộ, tuyên bố thành lập quân Ban giải phóng, lấy tên đơn vị là Lat-xa-vông. Ban xung phong Lào - Bắc hình thành hai bộ phận, bộ phận hoạt động phân tán gây dựng cơ sở, Ban Lat-xa-vông khi tập trung, khi phân tán, vừa làm chính trị vừa làm quân sự...

Phòng khách của gia đình ông Tráng Lao Lử được bài trí như một phòng lưu niệm.

Nhắc lại chuyện xưa, ông Lử kể: khi đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản về ở cùng gia đình mình, ông Lao Khô và cả gia đình đều vui vẻ coi như người thân của gia đình và còn nhận làm con nuôi, cắt máu ăn thề "Nhau xí lu, tùa xí nho" (Cùng thương yêu nhau, sống chết cùng nhau). Để có chỗ nghỉ, ông Lao Khô tự tay đóng giường ở trong buồng để ông Cay-xỏn ngủ. Có thời gian để giữ bí mật, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ra ở hang Thẩm Mế, cách nhà mấy cây số đường rừng, nhưng cứ vài ba ngày, gia đình Lao Khô lại xay ngô, giã thóc, mang thức ăn vào tiếp tế cho con nuôi.

"Năm 1949, có một lần ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản cho liên lạc đến tận nhà nói chuyện nhỏ với ông bố tôi. Nghe xong, bố tôi đưa 30 đồng bạc trắng cho người liên lạc của ông Cay-xỏn. Khi người liên lạc đi rồi, bố tôi mới nói với cả nhà là ủng hộ anh nuôi 30 đồng bạc trắng để mua vũ khí. Số bạc này sau đó ông Cay-xỏn mua được 1 khẩu súng và 30 viên đạn. Sau khi mua được súng đạn, ông Cay-xỏn đã có một biên nhận gửi cho bố tôi và cảm ơn gia đình đã giúp đỡ cách mạng Lào. Tờ biên nhận ấy bố tôi dắt vào cái cây trên mái nhà. Sau này khi dỡ mái làm lại nhà, mở ra thì đã bị mọt ăn gần hết nên chẳng giữ được nữa", ông Lử kể.

Có một chuyện mà sau này ông Lao Khô hay kể lại cho con cháu nghe. Đó là năm 1949, có tên chỉ điểm dẫn lính Pháp từ Xiềng Khọ (Lào) lên bản Phiêng Sa lùng bắt Việt Minh. Tới nơi, gặp ông Lao Khô, bọn lính hỏi: "Có Việt Minh ở đây không". Lúc ấy, có mấy cán bộ đang ở trong nhà.

Nhưng ông Lao Khô nhanh trí nói: "Có hai người nhưng nó đi qua đây từ lâu lắm rồi, đường đi con hổ, con báo cũng không đi được, nếu muốn đi tao đưa đi, còn không thì ở đây uống rượu. Nghe vậy, toán lính không hỏi gì thêm nữa mà đòi uống rượu. Vậy là ông liền hô mấy "người ở" mang rượu cho toán lính. Uống rượu rồi cả đám rút về đồn mà không biết rằng mấy "người ở" kia chính là những người chúng đang đi lùng.

Ông Lử kể rằng ngay việc gia đình ông dựng ngôi nhà này ở lưng chừng đồi cũng là do ông Cay-xỏn bảo. Đó là cuối năm 1948, 4 cán bộ Việt Minh hoạt động từ bên Lào về đây, có một người bị ốm nặng. Vài ngày sau khi đoàn cán bộ rời đi thì người trong nhà cũng lần lượt ốm. Hóa ra bị lây bệnh đậu mùa. Ông Cay-xỏn bảo người em nuôi rằng đã lây phải bệnh dịch rồi, cần phải chuyển chỗ ở.

Nói rồi ông Cay-xỏn cùng ông Lao Khô đi chọn đất chuyển nhà, tìm mãi cuối cùng chọn mảnh đất ở lưng chừng đồi, dưới chân đồi có suối, cách nơi ở cũ hai cây số để dựng nhà. Thấy gia đình ông Lao Khô chuyển nhà, có 3 gia đình cũng chuyển theo, lâu dần lập thành bản. Cũng vì thế mà năm 1962, bản lấy tên thành bản Lao Khô từ đó đến giờ.

Cuối năm 1950, khi phong trào cách mạng ở Lào đã phát triển mạnh, để thuận lợi cho việc chỉ đạo, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản cho rời căn cứ về Lào. Vì hoàn cảnh mà mấy chục năm sau này, ông Lao Khô không có cơ hội gặp lại người anh nuôi.

Năm 1990, ông Lao Khô qua đời khi tròn 100 tuổi. Biết tin, Chủ tịch Cay-xỏn đã viết thư chia buồn. Năm 2009, để ghi nhận những đóng góp của đồng bào Mông ở bản Lao Khô, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô, Chính phủ CHDCND Lào đã tặng Huân chương Tự do cho gia đình cụ Tráng Lao Khô và Huân chương Hạng Ba cho nhân dân bản Lao Khô.

3. Thoáng cái đã gần 70 năm trôi qua, giờ đây ông Lao Khô và ông Cay-xỏn Phôm-vi-hản đều đã thành "người muôn năm cũ", nhưng câu chuyện về một thời "bát cơm sẻ nửa, hạt muối chia đôi" vẫn được ông Lao Lử lưu giữ.

Không những thế, để lưu giữ những giá trị về lịch sử, về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, tháng 4-2012 Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Hiện khu di tích đã được quy hoạch và triển khai xây dựng thành nơi tham quan, lưu giữ giá trị lịch sử, góp phần vun đắp, gìn giữ, phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Cuối năm 2015, trong chuỗi hoạt động "Theo dấu chân Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản" tại Việt Nam, đoàn đại biểu Hội hữu nghị Lào-Việt và Hội hữu nghị Việt-Lào đã đến thăm Khu di tích bản Lao Khô. Nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi được nghe câu chuyện của các bậc tiền bối gần 70 năm trước.

Chỉ những bức ảnh lưu niệm treo khắp cả bốn bức tường, ông Lử kể rằng đó là ảnh lưu niệm mà các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội và các vị khách ở Đại sứ quán Lào đến thăm gia đình. Mấy năm nay, năm nào Đại sứ quán Lào ở Hà Nội cũng cử cán bộ về thăm gia đình, có lần, đích thân bà Đại sứ lên thăm và tặng quà. Ông cũng đã 5 lần về Đại sứ quán Lào ở Hà Nội dự Tết Lào.

Có một câu chuyện khá thú vị là bây giờ một người con gái của ông lấy chồng người Lào, anh con rể hiện là cán bộ huyện Xiềng Khọ nên "mỗi năm vài lần chúng nó vẫn cho con về thăm ông bà ngoại, thỉnh thoảng tôi vẫn sang thăm con cháu". Với gia đình ông Lử, tình hữu nghị Việt-Lào giờ đây lại tiếp tục được hiện thực hóa bằng sợi dây tình cảm gia đình như thế.

Nguyễn Thiêm - Anh Hiếu/ Báo An ninh thế giới

CATP Hà Tĩnh