Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Chuyện vị Tướng cứu tinh của dân tộc Chứt

Ước mơ trở thành thày giáo, nhưng bước ngã rẽ đã đưa ông đến với con đường binh nghiệp, để rồi sau này trở thành Thượng tướng Quân đội, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.

13 tuổi đã thay cha gánh vác gia đình Sinh ra trong một gia đình nông dân có 7 anh em ở cửa sông làng Trung Hòa, Đức Khoa, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Thượng tướng Võ Trọng Việt là anh cả. Cũng như bao gia đình vào thời kỳ đất nước đầy khó khăn ấy, gia cảnh nhà ông cũng cơ hàn, thậm chí còn khó khăn hơn các gia đình khác. Cha đau ốm liên miên, quanh năm bệnh tật không làm được gì, mẹ ông phải oằn vai gánh vác gia đình và nuôi các con. Là anh cả, ông càng phải hy sinh và chịu thiệt thòi nhiều để giúp mẹ nuôi các em. Khi ấy ông mới 13 tuổi và với ông, đó là thời kỳ khó khăn, vất vả nhất trong cuộc đời. 12

Thượng tướng, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt

Từ nhỏ, ước mơ của ông là trở thành thầy giáo, nhưng Lệnh Tổng động viên năm 1975 đã tạo một bước ngoặt lớn lao đưa ông đến với con đường binh nghiệp, để rồi sau này trở thành Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông kể trước đây, dù là thời đi học hay khi đã vào đơn vị, hễ có thời gian là ông tranh thủ đan rế, đan kiềng (thứ mà ngày xưa người dân Hà Tĩnh dùng để lót nồi và nhấc nồi) rồi đem ra chợ bán, phụ giúp mẹ nuôi gia đình. Nhiều khi gặp mặt bạn bè học cùng, hay gặp anh em chiến sỹ cùng đơn vị, ông “tủi” đến mức bước đi thật nhanh và cố giấu mặt để không ai nhận ra mình. “Tôi nhớ mãi khi mẹ mất, tôi ở trong đơn vị mà nghe tin bố với các em ở nhà đói, không có gạo ăn. Khi ấy tôi từng có ý định phục viên nhưng bố tôi cũng động viên rất nhiều. Nhiều khi phải chạy khắp đầu đường xó chợ để bán kiềng, bán rế kiếm kế sinh nhai, bất chấp mọi mặc cảm”, Tướng Việt nghẹn ngào tâm sự. Với ông, khó khăn không làm ông gục ngã. “Tôi không bao giờ quên và tôi phải cảm ơn những tháng ngày của tận cùng khó khăn ấy. Nó đã cho tôi thành một người bản lĩnh, có nhân cách hơn, để khi bước vào cuộc đời, dù ở bất cứ cương vị nào tôi cũng không hề nao núng”, ông bộc bạch. Nhiều lần chết hụt Một năm sau nhập ngũ, ông được đi học đối tượng Đảng và được kết nạp Đảng năm 19 tuổi. Sau đó, ông được cấp trên tín nhiệm cử đi học Sĩ quan Công an vũ trang. Kể về cuộc đời mình, Thượng tướng Võ Trọng Việt cũng không quên kể về những lần ông may mắn thoát khỏi tay thần chết. Đó là thời gian vào khoảng những năm 1980, khi vừa ra trường, Thiếu uý Võ Trọng Việt được phân công về Phòng Trinh sát Quân khu V, nhận nhiệm vụ đi biệt phái chống FULRO ở Đắk Lắk. Ông kể lần đầu tiên suýt chết khi ông đang cùng hai người đồng đội ngủ trên nhà rông của bà con trong bản. Đêm ấy, FULRO vào bản đi càn, biết được có nhóm bộ đội biên phòng đang trú ở đó nên bất ngờ đổ ập đến bản bắn tỉa từ dưới lên. Làn đạn bay như mưa, nhưng với phản xạ nhanh của người lính, ông cùng các đồng đội đã may mắn thoát chết. Ông nói làn đạn khi ấy chỉ cách chỗ ông nằm độ 10cm. Sau đó ít lâu, ông lại cùng hai người đồng đội đi săn, 3 anh em chia nhau đi 3 hướng, không may ông trúng phải ổ phục kích của FULRO nên bị bắn tới tấp. Ông cũng bắn trả lại để tìm đường thoát, nhưng rồi súng hết đạn nên đã chọn một vũng trũng trong rừng, nằm im bất động chờ cho đến khi các đồng đội đến tìm mới đứng dậy.
Hai lần suýt chết nhưng thử thách vẫn chưa hết với người lính có vóc dáng nhỏ bé. Tai nạn khiến ông nhớ nhất có lẽ là vụ tai nạn ô tô vào đúng ngày 19/8/1985. Hôm ấy, ông cùng 20 người khác đi họp chuyên đề chống FULRO, khi đang trên đường về đến khu vực đèo An Khê, chiếc xe ô tô cũ kỹ bỗng phát tiếng kêu lạ, rồi sau đó, mọi người nghe tiếng lái xe hét lên thất thanh rồi đến một tiếng rầm – chiếc xe lao xuống vực sâu hun hút tận chân đèo. Sau vài phút “không biết trời đất là gì”, ông tỉnh lại, thấy trên trán có vết thương dài và sâu, mà cho đến nay vẫn để lại sẹo. Nhìn sang bên cạnh, ông thấy người đồng đội của mình đã chết, rồi ông nghe thấy tiếng kêu cứu của một người đồng đội khác, nhưng do họ bị mắc kẹt nên ông không thể cứu được và rồi chỉ vài phút sau, người đồng đội ấy cũng ra đi. Dù bị thương, ông vẫn cố bò lên đường kêu cứu nhưng đi được một đoạn thì ngất, sau đó ông mới biết mình được mọi người đi xe sau phát hiện và đưa vào Bệnh viện An Khê. Ngay sau khi hồi tỉnh trong bệnh viện, ông bàng hoàng, thẫn thờ khi biết chuyến xe định mệnh ấy có 21 người thì có tới 16 người đã chết…
15
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trao tài liệu phổ biến pháp luật cho bà con dân tộc Chứt, xã Hương Liên, Hương Khê - Ảnh: BBP
Vị cứu tinh của dân tộc Chứt Đó là những năm đầu tiên của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi ấy, ông là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Trong những lần đi tuần tra khảo sát tuyến biên giới Việt - Lào, ông cùng đồng đội phát hiện tộc người Chứt đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng khi họ quá đói khổ, mông muội, không biết làm ra hạt thóc, hạt gạo để ăn, và thường xuyên quần hôn khiến giống nòi suy thoái. Khi đó, ông đã báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh xin cho Biên phòng được giúp đỡ bà con dân tộc Chứt. “Đồng bào Chứt khi ấy khổ quá, “đói không lo, no không mừng”, làm ra hạt gạo đã khó, nhưng làm ra rồi cũng không biết chế biến mà ăn. Anh em bộ đội biên phòng thấy dân khổ quá thì giúp dân từ tâm của mình. Thời kỳ đầu, khi bộ đội ngồi làm thì bà con ngồi nhìn, vì bà con chưa tin bộ đội. Khi thấy bộ đội làm ra cái ăn thì bà con mới học theo. Để chuyển nhận thức cho bà con không đơn giản, phải mất mấy chục năm mới có thể đưa họ về sống thành một cộng đồng và làm thay đổi tư duy của họ”, Tướng Việt kể. Ông nhớ mãi khi ấy, ông đưa cán bộ Sở Tư pháp lên làm giấy khai sinh cho bà con, thì có người hơn 70 tuổi mới lần đầu tiên có giấy khai sinh. Nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên với bà con dân tộc Chứt, ông kể có lần ông đưa quân lên, thấy bộ đội tắm dùng xà phòng thì bà con dân tộc ngồi xem và thấy rất kỳ lạ. Khi được bội đội bày cho đó là xà phòng dùng để tắm cho sạch sẽ, thơm tho, đồng bào mang về tắm, nhưng không biết nhắm mắt khi xà phòng chảy vào mắt, bị cay mắt nên tối hôm đó, cả bản kéo đến “kiện” ông và nói rằng, “bộ đội ác”. Rồi ông kể mùa lúa đầu tiên làm cho đồng bào Chứt, vụ lúa đầu tiên được mùa nên anh em biên phòng phấn khởi lắm, đem lúa chia cho đồng bào nhưng vô cùng bất ngờ vì không ai lấy, đều mang đến trả vì họ nói… không ăn được. Hiểu ra rằng, bà con không biết chế biến, bộ đội biên phòng lại phải xay thành gạo cho bà con, rồi phát cho mỗi nhà 30-50kg, nhưng lại một lần “choáng” khi chỉ trong một ngày, họ ăn hết toàn bộ số gạo đó, hoặc đem đi đổi rượu uống. Vậy là sau đó, bộ đội lại phải chia nhỏ gạo vào từng túi, rồi phát theo từng bữa, cứ thế ròng rã trong 6 tháng trời bà con mới quen dần. Nhờ tấm lòng, tình thương và sự quyết tâm của Chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Tĩnh là ông Võ Trọng Việt khi ấy mà bà con đồng bào dân tộc Chứt thoát khỏi sự tuyệt chủng, dần dần hồi sinh và có thể hòa nhập cộng đồng. Người Chứt giờ đã có cuộc sống ấm no, văn minh. Giờ đây, khi đã ở trên cương vị mới là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt vẫn luôn đau đáu với những khó khăn của bà con các vùng biên giới. Bao nhiêu năm qua, ông đã gắn bó với họ và giờ đây cũng vẫn là như thế. “Dù sang Quốc hội, ngồi ở một vị trí khác - chủ yếu là nghiên cứu và làm luật, nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn khi có những năm tháng gắn bó với miền biên giới, nơi đem đến cho tôi rất nhiều thực tiễn cuộc sống, để sau này tôi có thể nghiên cứu, áp dụng trong công việc. Với tôi, luật gì cũng phải gắn với thực tiễn và khiến cho lòng dân được yên. Khi lòng dân chưa yên là khi tôi vẫn còn đau đáu…”, Tướng Việt chia sẻ.

CATP Hà Tĩnh