Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Có một xóm đèn lồng hơn nửa thế kỷ miệt mài giữa phố Sài Gòn

Ngày nay những chiếc đèn lồng làm bằng giấy kiếng tưởng dần bị mất đi nhưng có một xóm ngay giữa đất Sài Gòn vẫn luôn miệt mài để làm ra những chiếc đèn lồng truyền thống cho kịp ngày Tết Trung thu.

Tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, Tp.HCM, một xóm chuyên làm lồng đèn bằng giấy kiếng khi mỗi độ đúng dịp Tết Trung thu xóm ấy lại nhộn nhịp, tấp nập kẻ ra người vào.

Xóm đèn lồng giấy kiếng truyền thống Phú Bình nổi tiếng khắp miền trên đất nước. Ảnh: Ngọc Nhiên

Nghề truyền thống của gia đình Không biết tự bao giờ cái nghề làm đèn lồng bằng giấy kiếng đã trở thành một xóm mang tên ‘xóm chuyên làm đèn lồng truyền thống Phú Bình’ hay gọi là xóm Phú Bình. Nói là truyền thống bởi những chiếc lồng đèn tại xóm Phú Bình hoàn toàn được làm bằng thủ công. Từ những thanh tre, thanh trúc cùng với những tấm giấy kiếng màu xanh xanh đỏ đỏ ngày xa xưa thêm một chút màu để vẽ tạo hình mẫu thật đẹp và sinh động.

Cô Nguyễn Kim Thu- người kế nghề làm đèn lồng của gia đình đã 3 đời. Ảnh: Ngọc Nhiên

Tìm đến xóm đèn lồng Phú Bình khi chỉ cách hơn 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu, có đến nơi đây mới thấy sự miệt mài và chăm chút cũng như sự khéo léo trong từng đôi bàn tay của các nghệ nhân tại xóm. Xóm đèn lồng truyền thống Phú Bình đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Hàng ngàn hàng triệu những chiếc đèn lồng đã được tỏa đi khắp các tỉnh thành trong Sài Gòn, cứ đúng điểm hẹn trong những ngày Rằm tháng 8. Theo lời chia sẻ của nghệ nhân Kim Thu, xóm Phú Bình, được biết lúc trước khoảng 50 năm cái nghề đèn lồng bắt nguồn từ những người nghệ nhân làm đèn lồng ở Báo Đáp, Nam Định, nơi mà hàng ngàn nghệ nhân đã gắn bó cuộc đời với những chiếc đèn lồng. Và cũng tại xóm Phú Bình cũng thế, cái nghề đèn lồng là một nghề của gia đình truyền lại cho các thế hệ rồi dần dần trờ thành một làng nghề truyền thống Phú Bình ngay giữa mảnh đất Sài Gòn đắt đỏ.

Chiếc đèn lồng ngôi sao năm cánh với giấy kính đỏ đỏ xanh xanh gắn với tuổi thơ. Ảnh: Ngọc Nhiên

Thời kỳ thịnh nhất của xóm lồng đèn Phú Bình là từ những năm 1970 đến 1990. Thời đó lồng đèn Phú Bình còn có tên gọi là lồng đèn Báo Đáp. Sở dĩ có cái tên gọi ấy là do Báo Đáp là tên gọi của làng bắt nguồn nghề làm đèn lồng, cũng có nghĩa là thể hiện sự duy trì nghề của cha ông, nhằm báo đáp công ơn tổ tiên dày công gây dựng.

Ngày nay, vẫn còn nhiều người tìm đến xóm đèn lồng Phú Bình để nhớ về tuổi thơ trong ngày Tết Trung thu. Ảnh: Ngọc Nhiên

Từ những chiếc đèn lồng rực rỡ đơn giản với những hình mẫu như con gà, con bướm, đèn ông sao năm cánh,… đến những hình mẫu cầu kỳ như con phượng, thiên nga,… xóm Phú Bình đều có. Những chiếc lồng đèn gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ trước của những năm 70 và 90, thời gian đó xóm nghề có rất nhiều hộ sinh sống bằng nghề làm đèn lồng. Cứ đúng vào mùa Trung thu là cả xóm lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào để hỏi giá chào bán.

Một người chủ cơ sở làm lồng đèn có thâm niên lâu năm trong xóm. Ảnh: Ngọc Nhiên

Xưởng sản xuất lồng đèn của cô Nguyễn Kim Thu, người nghệ nhân đến với nghề làm lồng đèn đã hơn 12 năm chia sẻ: "Cái nghề thủ công này không chỉ riêng người lớn mới làm được mà ngay cả các trẻ con cũng biết từng công đoạn từ tạo hình, dán giấy,... Lúc trước cái nghề làm đèn lồng ở xóm Phú Bình có nổi tiếng mặt rất nhiều nơi như miền Trung, miền Tây, miền Đông,… Sở dĩ do giấy kiếng căng bóng, khung đèn uốn lượn tinh xảo, cùng với cách trang trí bằng những hoa văn sắc nét, bắt mắt nên lồng đèn Phú Bình nổi tiếng và trở thành đầu mối lồng đèn truyền thống lớn nhất miền Nam". Nỗi niềm trong mỗi chiếc đèn lồng Những ai khi ghé qua xóm Phú Bình chắc hẳn sẽ nghe thấy mùi tre nứa, mùi giấy kiếng, mùi keo cùng với múi sơn thoang thoảng trong các cơ sở sản xuất lồng đèn như gợi nhớ về những ngày tuổi thơ của biết bao nhiêu người.

Nguyên liệu để làm ra một chiếc đèn lồng là những thanh tre nứa được chẻ ra đem phơi nắng. Ảnh: Ngọc Nhiên

Để làm ra một chiếc đèn lồng phải trải qua rất nhiều công đoạn và hoàn toàn làm bằng tay. Chính vì thế, nghề này đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mỉ, khéo léo trong từng công đoạn để cho ra những chiếc đèn lồng thật hoàn hảo.

Cùng với màu sắc để trang trí cho chiếc đèn thêm màu sắc rực rỡ. Ảnh: Ngọc Nhiên

Công đoạn đầu tiên để làm ra chiếc đèn lồng là chẻ nan, chất liệu thường sử dụng là tre nứa bởi chỉ có tre nứa mới có độ bền và độ dẻo dễ tạo ra những hình dáng đèn lồng theo sự sáng tạo của người nghệ nhân. Tiếp đó là công đoạn tạo hình rồi dùng các sợi kẽm để kết lại tạo ra được một khung. Sau đó dùng giấy kiếng bao lên khung tùy theo màu sắc mà người nghệ nhân chọn. Cuối cùng là sơn phết, vẽ trang trí tạo những hình ảnh sinh động và lạ mắt cho chiếc đèn lồng.

Gần Tết Trung thu nên xóm Phú Bình quận 11 trở nên nhộn nhịp. Ảnh: Ngọc Nhiên

Tất cả các công đoạn trên đều quan trọng khi làm đèn lồng bởi nếu như một trong những công đoạn trên mà bị lỗi thì sẽ khiến cho chiếc đèn lồng bị hư hỏng, không thể tiêu thụ ra thị trường được. Các công đoạn đều đòi hỏi người nghệ nhân phải thật tỉ mỉ, sáng tạo thì mới tạo ra mẫu mã thật đẹp cho đèn lồng.

Không muốn bị mất đi nghề truyền thống của chiếc đèn lồng, cô Thu vẫn luôn chỉ cho các sinh viên. Ảnh: Ngọc Nhiên

Hình ảnh những người nghệ nhân đang miệt mài cho ra những chiếc đèn lồng mang theo cả nỗi niềm vui buồn của họ. Bởi ngày nay, các lồng đèn điện tử với nhiều mẫu mã đa dạng khiến cho nhiều người cũng đã dần quên đi những hình ảnh chiếc lồng đèn xa xưa được bao bằng giấy kiếng màu xanh xanh đỏ đỏ.

Ở xóm Phú Bình có gần cả chục hộ làm nghề làm đèn lồng. Ảnh: Ngọc Nhiên

Cũng vì thế, cái nghề làm đèn lồng tại xóm Phú Bình cũng đã có thời gian bị mai một đi, trong xóm cũng ít hẳn hộ làm nghệ. Nhưng thời gian gần đây, những nụ cười đã quay trở lại đối với những người nghệ nhân vẫn luôn yêu nghề và tiếp nối nghề truyền thống một nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết Trung thu của đất nước Việt Nam. Bởi hiện nay, thị trường đã dần dần ưa chuộng những chiếc đèn lồng giấy kiếng.

Những người khách quen thường hay tìm đến xóm đèn lồng Phú Bình quận 11. Ảnh: Ngọc Nhiên

Nhưng bên cạnh đó, việc ưa chuộng trở lại với làng nghề đèn lồng cũng đi đôi với những nhu cầu của thị trường về mẫu mã càng cao hơn. Mà giá để làm ra một chiếc đèn lồng lại cao, không đủ vốn để trả tiền công cho nghệ nhân. Bởi do làm thủ công hoàn toàn nên công sức bỏ ra rất nhiều cùng với thời gian để tạo một chiếc đèn lồng cũng thế.

Những chiếc đèn lồng chuẩn bị được đến tay những khách hàng. Ảnh: Ngọc Nhiên

Chỉ có những người thật sự yêu nghề, tiếp nối ghề truyền thống của gia đình thì mới có thể tiếp tục. Nhưng điều đáng khâm phục tại xóm Phú Bình đa số đều là nghề đã truyền mấy đời, vẫn lưu giữ được những nét bình dị và thân thương với gửi vào trong từng chiếc đèn lồng tỏa đi khắp miền.

Những mẫu mã lạ mắt theo thị trường cũng có tại xóm lồng đèn truyền thống. Ảnh: Ngọc Nhiên

Và để cho theo kịp xu hướng phát triển thì tại xóm đèn lồng Phú Bình hằng năm đều cho ra những mẫu mã mới lạ đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng.

CATP Hà Tĩnh