Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

''Cơn lốc'' ma túy đá – kẻ giết người giấu tay

Chưa hết đê mê với những cơn “đập đá”, nhiều người phải vào bệnh viện vì bị loạn thần kinh. Không chỉ hủy hoại cuộc đời của những người nghiện, ma túy đá còn làm cho cuộc sống của cả gia đình có người nghiện bị đảo lộn.

[caption id="" align="aligncenter" width="530"] Một bộ dụng cụ hút ma túy đá hoàn chỉnh của dân chơi[/caption]

Cả nhà dắt nhau vào viện

Mới đây, Khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận bệnh nhân Bế Đức Duy, 17 tuổi, dân tộc Mường (ở Kim Bôi, Hòa Bình).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có điều kiện, Duy được bố mẹ hết sức nuông chiều, luôn đáp ứng tất cả các yêu cầu vật chất của cậu. Tuy nhiên, Duy lại ham chơi hơn ham học, thường xuyên tụ tập, đàn đúm ăn chơi, lêu lổng.

Cho đến khi nhận thấy con trai ít ăn, ít ngủ, cơ thể gầy rộc, lại hay cáu bẳn, gắt gỏng, dễ bị kích động và thỉnh thoảng nói năng không dừng, bố mẹ Duy mới quyết định đưa cậu đi bệnh viện. Chỉ qua vẻ bề ngoài, các bác sĩ đã có thể phát hiện ra Duy là một con nghiện ma túy đá.

Sau khi được điều trị cắt cơn, tiêm thuốc giải độc…, Duy dần dần tỉnh lại. Hôm ra viện, cậu còn tâm sự với các bác sĩ rằng đã có lúc, trong đầu cậu xuất hiện những hoang tưởng, đi đâu cũng nhìn thấy người ngoài hành tinh, luôn nghĩ mình là một loại chim hóa thân thành con người…

Các bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết, số bệnh nhân đến đây điều trị bệnh lý về tâm thần có liên quan đến ma túy ngày càng nhiều. Có trường hợp diễn biến bệnh quá nặng, lúc nào cũng chỉ muốn tìm đến cái chết.

Cuối tháng 6/2016, qua theo dõi camera, các y, bác sĩ Khoa Điều trị Nghiện chất đã nhanh chóng giải cứu bệnh nhân Kiều Xuân Bái (làm nghề tự do, ở Hà Nội), khi bệnh nhân này đang có ý định treo cổ tự sát tại phòng điều trị.

Trước đó, Bái nhập viện trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng như ảo giác, mệt mỏi, không ăn uống, ảo thanh, luôn hốt hoảng lo sợ có người thủ tiêu mình… Được biết, lần đầu Bái này sử dụng “hàng đá” là do bạn bè rủ rê. Cứ thế, sau đó khoảng 4 - 5 ngày, cả nhóm lại tụ tập chơi “hàng đá” một lần.

Tương tự như Bái, Vũ cũng từng có ý định kết liễu đời mình trong một cơn “ngáo đá”. Sẵn gia đình có rủng rỉnh tiền, lại là con một nên Vũ trở nên hư hỏng sau những lần bù khú với bạn. Vũ dồn hết tiền và thời gian để chơi “hàng đá”. Cho đến một ngày, trong cơn “phê pha”, Vũ bỗng vớ ngay cuộn dây thép thít quanh cổ thành nhiều vòng để tự sát. May mắn là người nhà kịp thời phát hiện nên Vũ thoát chết.

Sau thời gian điều trị thành công, hiện Bái và Vũ đều đã trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng các bác sĩ khẳng định, khi đã có tổn thương thần kinh, các triệu chứng có thể bùng phát lại, gây ra rối loạn. Do đó, điều trị cho các bệnh nhân bị tâm thần do ma túy đá gây nên là quá trình hết sức phức tạp.

Đáng chú ý, hiện đang có xu hướng người nghiện heroin chuyển sang ma túy đá. Trước kia, Dương Minh Tùng chỉ sử dụng heroin. Dù được người nhà đưa đi cai nhiều lần nhưng Tùng vẫn không bỏ được. Sau khi ly thân với vợ, Tùng bị bạn bè xúi sử dụng thử “hàng đá” và từ đó, Tùng đã “chung thân” với nó luôn.

Sau cái cảm giác hoan lạc do “đá” mang lại thì Tùng thường hay lảm nhảm, nghĩ có người hại mình; ăn ít, ngủ ít lại chỉ thích gây gổ, đập phá. Gia đình hốt hoảng đưa Tùng vào bệnh viện chữa trị. Vài ngày, Tùng năn nỉ gia đình đưa về nhà, rồi bệnh lại tái phát vì tiếp tục sử dụng “hàng đá”. Cuối cùng, Tùng phải trải qua chuỗi ngày dài ở bệnh viện cùng với những bệnh nhân tâm thần khác.

Khoa Điều trị Nghiện chất từng tiếp nhận trường hợp hai chị em họ (làm tiếp viên massage cho một cửa hàng tẩm quất) đều trở thành nô lệ của thứ ma túy đá chết người. Cả hai thường lao vào những cuộc chơi không lành mạnh, nghiện thuốc lắc rồi nhanh chóng chuyển sang “đập đá”. Sau những cơn đê mê ở chốn “thiên đường”, hai chị em nhập viện trong những cơn nói cười không tự chủ được.

Theo các bác sĩ ở đây, trường hợp bố và con cùng phải đi cai nghiện ma túy đá cũng không phải là hiếm gặp. Đặc biệt, có gia đình có tới 3/5 thành viên nghiện ma túy đá. Đó là các anh Nguyễn Văn Tiến (32 tuổi); anh Nguyễn Văn Bính (27 tuổi) và chị Nguyễn Kim Hiền (22 tuổi), cùng trú tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Tiến là anh cả, đã có gia đình riêng và có hai con. Một ngày nọ, vợ Tiến hớt hải chạy đến thông báo với ông bà Phan (bố mẹ chồng) rằng Tiến “tự dưng đòi giết vợ con”. Lúc này, hai bậc phụ huynh mới thú nhận rằng con trai họ nghiện ma túy, nhưng “đập đá” từ lúc nào thì họ cũng không hay.

Vì sĩ diện, không ai hé răng một lời, hay đưa Tiến đi khám. Phải đến khi Tiến bị hoang tưởng nặng nề, sức khỏe giảm sút trầm trọng thì gia đình đành phải đưa anh ta đi bệnh viện.

Trở về Bắc Ninh sau khi gửi Tiến điều trị nội trú ở Viện Sức khỏe Tâm thần, ông bà Phan không thấy hai đứa con thứ là Bính và Hiền đâu cả. Gọi điện thoại khắp nơi, ông bà mới biết cả hai đang gia nhập đội quân “đập đá phá giời” tại một quán karaoke.

Đến “rước” các con về, ông bà Phan phát hoảng khi chứng kiến cảnh Bính và Hiền cùng đám bạn nghiện của chúng búng người lên như tôm trong những điệu nhạc bập bùng.

Tuy nhiên, tiết mục kinh dị nhất của dân “đập đá” là… “xả đá” bằng việc quan hệ tình dục theo kiểu tập thể. Và ông bà Phan điếng người khi biết được sự thật, cậu ấm, cô chiêu nhà ông bà đã nhiều lần tham gia những cuộc thác loạn, quan hệ tình dục tập thể.

“Đập đá”, đập tan cả hạnh phúc gia đình

Theo PGS.TS Trần Hữu Bình (nguyên Viện Trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần Đại học Y Hà Nội), ma túy đá không chỉ được biết đến với tác dụng gây phê cho người nghiện mà còn khiến người dùng thèm muốn cả chuyện quan hệ tình dục.

Trong thời gian ông Bình công tác tại Viện, có một bệnh nhân 27 tuổi học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, sử dụng ma túy đá trong một lần đi sinh nhật bạn. Sau đó, một tuần liền bệnh nhân không ngủ, quan hệ tình dục liên miên, bệnh nhân lõa thể chạy ra đường và được gia đình đưa vào viện điều trị.

Hay như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Hoài Trâm (16 tuổi - con gái của một gia đình danh gia vọng tộc ở Hà Nội). Sau khi bị bạn bè rủ rê dùng ma túy đá thì Trâm bỏ nhà đi lang thang, đòi quan hệ tình dục với tất cả những người mà cô gặp trên đường và sẵn sàng lõa thể ngay tại chỗ với bất cứ lời đề nghị nào.

Vì chồng/vợ nghiện ma túy đá, đã có không ít gia đình tan vỡ hoặc đứng trước bờ vực của ly hôn. Đó là trường hợp của một phụ nữ tên Ngọc (hơn 30 tuổi, sống tại Hà Nội), phải chạy vào Viện cầu cứu vì bị chồng ép quan hệ tới hơn chục lần trong ngày.

Khi vào viện cầu cứu, chị Ngọc lâm vào tình trạng âm đạo đau đớn, bỏng rát do quan hệ quá nhiều, cộng thêm tinh thần lo lắng, mệt mỏi. Sau khi tìm hiểu, các bác sĩ biết chồng chị Ngọc đã sử dụng ma túy dạng đá và yêu cầu gia đình cho chồng chị nhập viện để điều trị cắt cơn nghiện.

Trong khi đó, gia đình anh Xuân - chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) cũng vì “đập đá” mà tan vỡ. Thời gian chị Hà sinh con, anh Xuân bỗng trở nên ham chơi, đi thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè và để không khí thêm tưng bừng cũng không thể nào thiếu “món kia”.

Cứ mỗi lần như vậy là cả hội lại “đập đá” để thêm hưng phấn. Kết quả là sau một thời gian ngắn, mặc dù mới ngoài 30 nhưng anh Xuân đã bất lực. Chị Hà ly hôn với chồng, dù trên giấy tờ, nguyên nhân được ghi là không hợp.

Trong số rất nhiều những bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viên Tâm thần ban ngày Mai Hương, có ông Đàm quê ở Hải Phòng khiến các bác sĩ cảm thấy tiếc nuối. Vợ ông Đàm trẻ và xinh đẹp. Hai vợ chồng sống khá hạnh phúc nhưng từ ngày ông Đàm được cất nhắc trong công việc cũng là lúc tình cảm vợ chồng rạn nứt.

Có tiền, ông Đàm suốt ngày tham gia hội hè, bù khú bia bọt. Kết thúc mỗi chầu bia, ông và bạn bè lại vào quán hát hò. Trong số danh bạ điện thoại của ông có hàng trăm số điện thoại của các người đẹp ở Hải Phòng rồi cả Hà Nội, các địa phương khác.

Không muốn bản thân mình bị “mất điểm” trước các chân dài, ngoài các loại rượu quý, nhung hươu và các loại thực phẩm khác, ông Đàm thử dùng ma túy đá để tăng cường “bản lĩnh đàn ông”. Mỗi ngày, tần số sử dụng của ông Đàm lại càng tăng lên, đến mức ông không kiểm soát được chuyện ấy. Kết quả, chưa đầy hơn 1 năm, ông Đàm gày gò, xanh xao hẳn.

Có lần, ông Đàm còn khiến vợ con được phen kinh hoàng khi bắt taxi về nhà trong hình ảnh chỉ mang trên mình… một chiếc quần lót. Sáng hôm sau, khi tỉnh táo, ông mới thừa nhận mình dùng ma túy đá để cải thiện không khí phòng the. Sau khi dùng, thấy người lâng lâng không còn mệt mỏi và cảm xúc chăn gối tràn trề nên đã quan hệ với gái mại dâm, xong cuộc thì ăn mặc như thế về nhà.

TS Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, rất nhiều bệnh nhân tìm đến ông khi họ đã rơi vào cảnh bị gia đình xa lánh do nghiện ngập.

Nguyễn Ngọc Nhân đến bệnh viện của ông Hùng nhờ tư vấn cai nghiện khi đã trải qua cú sốc gia đình cực lớn. Nhân là con thứ 2 trong một gia đình khá giả. Từ nhỏ, Nhân đã học giỏi và được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng khi lên Hà Nội học, cậu lại trở thành kẻ ăn chơi, sa sút học hành. Đã học 7 năm nhưng cậu không thể lấy được bằng đại học.

Nhân thú nhận cậu đã sử dụng ma túy đá 6 năm. Không chỉ sử dụng một loại ma túy đá mà thị trường có cái gì cậu đều dùng thử cái đó và thử lâu thành quen, thành nghiện. Khi thấy sức khỏe Nhân sa sút, mệt mỏi, gia đình bắt đầu nghi ngờ. Chị và em của Nhân yêu cầu Nhân đi kiểm tra máu nhưng cậu không dám đến.

Bản thân Nhân cũng không muốn mọi người biết quá khứ của mình. Nhân không đủ tự tin đến trung tâm cai nghiện. Chỉ đến khi bố mẹ nói từ mặt Nhân vì biết Nhân nghiện ma túy đá, chị em cự tuyệt, Nhân mới hốt hoảng nhận ra cậu sắp mất tất cả và có niềm tin vào việc mình sẽ cai nghiện thành công.

Dù cách đây đã lâu, nhưng các bác sĩ của Bệnh viên Tâm thần ban ngày Mai Hương còn nhớ mãi trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thanh Tân (ở Đống Đa, Hà Nội). Bởi lẽ, không giống như hầu hết những bệnh nhân nghiện ma túy đá khác, đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện, được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ, thì Tân sinh ra và lớn lên trong một gia đình không vẹn tròn.

Khi vừa tròn 8 ngày tuổi, Tân đã bị mẹ đẻ bỏ rơi để chạy theo một người đàn ông khác. Bố Tân chìm dần trong những cuộc rượu chè bê tha. Đến năm 13 tuổi, bố Tân qua đời, Tân được bà Liên (bác ruột) mang về nuôi dưỡng.

Mặc dù được người bác chăm lo dạy dỗ nhưng tuổi thơ cay đắng, những thiếu thốn tình cảm gia đình, cùng với những lời rủ rê của đám bạn xấu đã đẩy Tân vào vòng xoáy lô đề, cờ bạc và heroin.

Tuy đã bị bắt đi trại giáo dưỡng trên Ba Vì để cải tạo, nhưng chỉ 2 năm sau, Tân lại chứng nào tật nấy, vẫn dùng heroin song song với ma túy đá liều cao, thậm chí dùng nhiều lần trong một ngày, đến nỗi hơn một lần Tân có biểu hiện loạn thần.

Nhiều khi cả đêm Tân không ngủ, cứ ôm khư khư chiếc máy tính để chơi game. Vừa chơi, Tân vừa nói chuyện, chửi, cười một mình. Tân hay nói những câu đại loại như: “… mẹ bọn công nghệ chúng mày cài chíp vào đầu bố, chúng mày điều khiển bố từ xa”, hay “bố mày chờ thời cơ này lâu lắm rồi, chúng mày đến đi, bố mày tiếp hết, giết hết”.

Rất nhiều lần, Tân lồng lộn đi từ buồng trong ra buồng ngoài chửi lạc hết cả giọng vì nghĩ có người lấy hết tiền của mình, có người theo dõi, muốn hại mình… Trong buồng của Tân có một con dao chọc tiết lợn nhọn và một chậu các mảnh sành gạch vỡ, 3 cây gậy dài bằng cổ tay.

Thậm chí có lần, Tân còn cầm dao dọa giết bà Liên và con gái bà. Lần khác, Tân mua cả hơn chục chai xăng cất trong phòng khiến bà Liên phát hoảng.

Những quan niệm sai lầm

Bác sĩ Trần Mạnh Cường (Khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại 3 loại ma túy tổng hợp phổ biến đó là: ma túy đá, hồng phiến và thuốc lắc.

[caption id="" align="aligncenter" width="660"] Bác sĩ Trần Mạnh Cường[/caption]

Trong 3 loại ma túy tổng hợp nêu trên, ma túy đá được coi là loại ma túy tổng hợp gây nguy hiểm cao nhất đối với người sử dụng, gây nghiện rất mạnh và đang được các con nghiện sử dụng với nhu cầu rất cao.

Ngay khi sử dụng, ma túy đá sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài. Từ đó, người nghiện sẽ thực hiện những việc làm khác thường, không thể kiểm soát được hành vi như: tự cào cấu, gào thét, chạy xe quá tốc độ...

Hầu hết người sử dụng ma túy đá đều rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân thường gặp tình trạng này ngay sau khi sử dụng, mất ngủ khoảng 2-3 ngày liên tục. Sau đó, họ lại ngủ bù trong cùng khoảng thời gian đó. Theo bác sĩ Cường, đây cũng là dấu hiệu quan trọng để thân nhân nhận biết con em mình có khả năng sử dụng ma túy đá hay không.

Sau một thời gian hưng phấn cao độ do ma túy đá mang lại, dân chơi ma túy đá thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, ăn uống kém, cơ thể bệ rạc, bơ phờ, các cơ quan sinh học nội tạng nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ.

Chính cảm giác mệt mỏi này sẽ thúc đẩy người nghiện tiếp tục đi tìm ma túy đá vì ngay sau khi “chơi hàng” sẽ thấy khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho dân chơi ma túy đá khó từ bỏ chất gây nghiện này.

Chất amphethamine trong ma túy đá có khả năng gây ngộ độc các tế bào thần kinh, sinh ra những chứng bệnh tâm thần, trầm cảm, loạn thần, đáng lo ngại nhất vẫn là chứng hoang tưởng (nghi ngờ có người ám hại mình, ghen tuông, tự hành hạ bản thân...).

Có không ít trường hợp khi nghiện “hàng đá”, đòi hỏi tình dục tăng cao. Đó chính là nguyên nhân khiến ma túy đá gắn liền với nhiều vụ làm tình tập thể.

Nguy hiểm hơn cả, ma túy đá còn ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp tăng, nếu sử dụng quá liều có thể dẫn đến tử vong.

Cũng theo bác sĩ Mạnh Cường, hiện nay, nhiều người có suy nghĩ chuyển sang sử dụng ma túy đá để cai nghiện heroin. Họ nghĩ rằng, khi dùng ma túy đá sẽ không hại, không bị nghiện và có thể dừng sử dụng lúc nào cũng được; nếu có cai ma túy đá cũng không bị vật vã, đau đớn như cai heroin.

Nhưng thực chất, người đã từng nghiện heroin chuyển sang dùng ma túy đá thì bị rối loạn tâm thần nhanh hơn. Trước đây, nếu một người sử dụng heroin bị rối loạn tâm thần cũng phải mất một vài năm, thì khi đã sử dụng heroin chuyển sang dùng ma túy đá, chỉ vài tháng sử dụng liên tục sẽ xuất hiện những biểu hiện tâm thần, kèm theo thể trạng suy kiệt.

Còn theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu (Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm suy giảm sức khỏe tâm thần và thể chất người bệnh, gia tăng nguy cơ tự sát và tự hủy hoại, tăng tỷ lệ nhập viện, tăng tỷ lệ tái phát cho cả các rối loạn tâm thần và hành vi lạm dụng/nghiện ma túy đá.

Do chưa có phác đồ cai nghiện ma túy đá, nên biện pháp đang sử dụng để điều trị loại bệnh này là trị các triệu chứng, chẳng hạn như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần…

Bởi vậy, bác sĩ Thu khuyến cáo, nếu bị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy đá, người nhà cần cho người bệnh khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần trước khi tham gia các chương trình điều trị nghiện tại cộng đồng.

CATP Hà Tĩnh