Còn nhiều “đỉnh núi” cao chờ bước chân doanh nghiệp Hà Tĩnh
Đối mặt và nỗ lực vượt qua khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân Hà Tĩnh đã tự tin đóng góp vai trò trọng yếu trong phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Nhờ đó, Hà Tĩnh đang “bừng sáng” với nhiều chỉ tiêu ở top đầu cả nước.
Doanh nghiệp “sống khỏe” tỉnh mới mạnh giàu
Vượt qua nhiều khó khăn, hiện Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh hoạt động ổn định, tập trung vào thị trường xuất khẩu chủ lực.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh cho biết, trong 9 tháng năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự năng động trong SXKD, các DN trên địa bàn đã góp phần tích cực cho tăng trưởng GDP của Hà Tĩnh đạt trên 12%. Để có được kết quả này, lực lượng DN, doanh nhân tỉnh nhà đã nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm thị trường, mở rộng SXKD, tăng sức cạnh tranh…
DN, doanh nhân đã trở thành lực lượng xung kích, đi đầu, quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh, tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất bao bì tại Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên).
Từ một tỉnh khó khăn, xuất phát điểm thấp và không có nhiều lợi thế, nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển, đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.600 DN đang hoạt động trên các lĩnh vực, giải quyết việc làm cho 83.000 lao động. Nhìn chung, các DN hoạt động tương đối ổn định và đang trong quá trình vươn lên để hoàn thiện mình, thích ứng với cơ chế mới để hội nhập và phát triển.
Đặc biệt, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư, cải tiến kỹ thuật để sản xuất sản phẩm có tính cạnh tranh. “Nhận thấy rõ việc phát triển vật liệu bê tông, gạch không nung và các cấu kiện bê tông là xu hướng tất yếu của ngành vật liệu xây dựng, thế nên, trên diện tích 9 ha, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (Cụm CN Bắc Cẩm Xuyên) đã mạnh dạn đầu tư 4 dây chuyền sản xuất đồng bộ về thiết bị và công nghệ hiện đại, với tổng mức đầu tư 267 tỷ đồng”, ông Phan Xuân Tình - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cho biết.
Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh tiến hành gia công các sản phẩm may mặc, tạo việc làm cho 200 lao động.
Hằng năm, các DN, doanh nhân còn tích cực tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng và coi đây là một nhiệm vụ song hành với phát triển kinh doanh. Nhiều DN đã tích cực tham gia các hoạt động chung sức xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ làm hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Xác định vai trò quan trọng của DN, doanh nhân vào sự phát triển chung của Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN, các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được Hà Tĩnh tập trung, góp phần hỗ trợ tối đa, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN.
Là một DN trẻ mới thành lập đi lên từ hộ kinh doanh cá thể, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Mai Anh (Lộc Hà) Nguyễn Thị Hoa cho biết: “Khi muốn mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, tôi tiếp cận và được hỗ trợ từ các đơn vị liên quan để thành lập công ty. Tôi đánh giá cao công tác cải cách hành chính, thủ tục thành lập DN mới của Sở KH&ĐT vì nhanh chóng, thuận tiện”.
Dẫu có nhiều sự phát triển nhưng bức tranh DN vẫn còn những mảng màu chưa thật tươi sáng khi DN nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số DN; chỉ có 2.409 DN có phát sinh thuế (chiếm 46,29% tổng số DN đang hoạt động). Hơn thế, nhiều DN chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, đất đai; một số lĩnh vực hoạt động cải cách hành chính vẫn còn chưa triệt để.
Nhiều DN mạnh dạn mở rộng sản xuất, tìm kiếm ngành nghề kinh doanh mới phù hợp thị trường (Trong ảnh: Công nhân HTX Tân Tiến Phát (Cẩm Xuyên) vào ca sản xuất)
Sự đồng hành của chính quyền vẫn không ngừng tiếp nối. Thế nhưng, tự thân mỗi DN, doanh nhân cần vững vàng, mạnh bạo và tôi rèn hơn để “sống khỏe” trong bối cảnh hiện nay.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn chia sẻ: DN chưa tiếp cận được nguồn vốn không chỉ là lỗi ở đơn vị phụ trách mà bản thân nhiều DN còn chưa biết, chưa nghiên cứu sâu các chính sách để chủ động tiếp cận. Theo tôi, “chìa khóa” để DN Hà Tĩnh phát triển, tham gia vào hội nhập là ý tưởng, quyết tâm thực hiện ý tưởng; cần hội tụ đủ các công cụ cần thiết là ngoại ngữ và tin học…
Những hoạt động nâng cao năng lực lãnh đạo, tiếp cận thị trường được các tổ chức hội DN quan tâm tổ chức trong thời gian qua.
Theo nhiều nhà quản lý, DN, doanh nhân Hà Tĩnh cần nâng cao hơn nữa năng lực quản trị để tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất; có chính sách thu hút, đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao để sẵn sàng hành trang cho hội nhập…
Vẫn còn những trăn trở, khó khăn của DN trong tình hình mới nhưng tin rằng, với sự đồng hành, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo của các doanh nhân, cộng đồng DN Hà Tĩnh sẽ bước lên những “đỉnh núi” cao mới.
CATP Hà Tĩnh