Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Công an các tỉnh miền Tây giúp dân đối phó với triều cường

Hai ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, cơ động và trật tự túc trực tại các khu vực ngập nước, ngã ba, ngã tư, nội ô phân luồng, điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân đi lại thuận lợi.

Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long cho biết, triều cường trong ngày 29 và 30-9 kết hợp với nước lũ, gây ngập các tuyến đường trong nội ô TP Vĩnh Long. “Đây là đợt triều cường lịch sử nhất, tỉnh từng ghi nhận. Mực nước đo được là 2,18m, cao hơn đợt ngập năm rồi 31cm”, ông Lưu Nhuận nói. Tuyến quốc lộ 1 qua huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cũng bị ngập sâu. Nước tràn qua mặt đường, gây khó khăn cho phương các tiện lưu thông và sinh hoạt của người dân. Tình trạng ngập nước do triều cường khu vực nội ô cũng xảy ra tại các TP Cao Lãnh, Trà Vinh.

Cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ điều tiết giao thông tại ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Thanh Liêm
Tại Cần Thơ, mực nước đo được tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vào 17h ngày 29-9 đạt 2,22m, chỉ thấp hơn 1 cm so với đỉnh triều lịch sử năm 2018. Đến sáng 30-9, mực nước ghi nhận lúc 5h30 lên mức 2,25m, cao hơn báo động III 0,35m, đây cũng là mực nước cao nhất từng xuất hiện tại Cần Thơ. Khu vực vòng xoay IC3, quận Cái Răng, từ hơn 5h sáng, nước ngập lênh láng. Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ bố trí hơn 10 cán bộ, chiến sĩ cùng với lực lượng Cảnh sát trật tự và cơ động túc trực, phân luồng, điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân qua khu vực ngập nước được thuận lợi. Các tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ ngập sâu, nhiều nơi ngập 50 cm. Nước ngập từ trục đường chính, vào sâu trong các con hẻm. Các tuyến đường ngập sâu, như: Hai Bà Trưng, Trần Văn Hoài, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, khu vực Bến Ninh Kiều… Nhiều người tận dụng các dụng cụ tự chế hoặc lấy xuồng, đẩy học sinh đến trường qua các khu vực ngập nước. Tuyến Nguyễn Văn Cừ nối dài từ ngã tư Nguyễn Văn Linh đến đoạn giao nhau với Võ Văn Kiệt - Mậu Thân ngập nặng. Hàng nghìn ôtô, xe máy chạy bì bõm trên con đường ngập nước. Đặc biệt, tại khu vực cầu Rạch Ngỗng 2 và hẻm lò mổ ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy phải dắt bộ. Đợt triều cường kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn gây đảo lộn sinh hoạt của người dân. Hai ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, cơ động và trật tự túc trực tại các khu vực ngập nước, ngã ba, ngã tư, nội ô phân luồng, điều tiết giao thông và hỗ trợ người dân đi lại thuận lợi. “Hôm qua, em cùng con đi qua đường Nguyễn Văn Cừ về nhà, khi đến cầu Rạch Ngỗng 2 thì trời mưa, đường ngập nước. Xe chết máy thì được các anh Công an hỗ trợ, đẩy qua đoạn ngập. Mùa nước, triều cường đi đường đã khổ, thấy anh em làm nhiệm vụ lội nước, tận tình hỗ trợ nên người dân rất cảm động”, anh Thanh Liêm – ngụ khu vực cầu Bà Bộ nói. Nhiều người dân bày tỏ, gửi lời cảm ơn đến cán bộ, chiến sĩ dầm mưa lội nước, đẩy dắt phương tiện ra khỏi khu vực bị ngập.
Công an Cần Thơ hỗ trợ người dân qua đoạn đường ngập nước.
Riêng tại khu vực Cồn Khương ven sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, áp lực từ triều cường và nước lũ từ thượng nguồn làm một đoạn bờ bao khoảng 2m bị vỡ. Nước từ sông Hậu tràn vào, gây ngập nhà dân, vườn tược, diện tích cây ăn trái. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ chỉ đạo các địa phương tập trung giải pháp chính ứng phó với đợt triều cường. Nắm chắc tình hình chủ động phòng chống, dựa trên cơ sở diễn biến của số liệu thực đo cùng với số liệu dự báo được cập nhật thường xuyên, cảnh báo đến người dân. Tập trung đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, phòng ngừa tai nạn đuối nước nhất là với trẻ em cùng các tai nạn như điện giật, tai nạn giao thông. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, đặc biệt điểm xung yếu, để có kế hoạch chủ động, tập trung lực lượng xử lý và bảo vệ sản xuất. Ngày 30-9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ đã có thông báo cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường. Theo thông báo này, mực nước đỉnh triều cường trong ngày 30-9 và 1-10, thời gian xuất hiện vào lúc sáng sớm từ 6-8h và chiều tối từ 17-19h. “Đây là đợt triều cường cao trong năm, cần đề phòng khi triều cường có mưa lớn gây ngập lụt kéo dài”, thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại gây ra cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các phòng giáo dục quận, huyện và các cơ sở trực thuộc, căn cứ tình hình thực tế cho học sinh nghỉ học vào ngày hôm nay (1-10), sau đó có kế hoạch cho học sinh học bù vào thời điểm thích hợp.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu sinh thái ĐBSCL), bên cạnh yếu tố lũ kết hợp triều cường dâng cao thì một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ngập lụt đô thị vùng ĐBSCL thời gian qua là do khu vực này đang bị sụt lún rất nhanh. Dẫn báo cáo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Utrecht (Hà Lan, do Đại sứ quán Hà Lan công bố tháng 6-2017), ông Thiện cho biết, trong 25 năm, từ năm 1991-2016, vùng ĐBSCL đã bị sụt lún trung bình khoảng 18cm, có điểm sụt lún trên 30cm (Sóc Trăng và Long An) với tốc độ tăng nhanh. Các thành phố, khu công nghiệp có độ sụt lún nhanh hơn (2,5cm/năm) so với vùng nông thôn từ 1-2cm. Trên bản đồ sụt lún thì TP Cần Thơ; huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) được xác định là khu vực vành đai sụt lún với mức bình quân 20cm trong 20 năm qua. Đặc biệt càng về sau tốc độ sụt lún càng gia tăng, trong đó chỉ riêng năm 2015 sụt lún đến 2,5cm… Cùng quan điểm, PGS-TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, mặt đất ở ĐBSCL đang có xu thế lún dần do hoạt động khai thác nước ngầm gia tăng trong những năm gần đây nên được xem xét như nguyên nhân sâu xa hơn. Bên cạnh đó thì không gian trữ nước lũ lại đang bị thu hẹp. Ngày trước, khi lũ về đến ĐBSCL được trữ ở hai túi nước chính là vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Vào mùa khô, lượng nước này sẽ thoát dần về phía hạ lưu, góp phần giảm bớt tình trạng xâm nhập mặn. Tuy nhiên, trong hai thập niên qua, rất nhiều đê bao đã hình thành ở hai vùng trên để phục vụ sản xuất lúa ba vụ. Do nước lũ không còn không gian chứa nên phải chảy sang những khu vực khác và đổ về phía hạ lưu, nơi có các đô thị như Cần Thơ, Vĩnh Long...

 (Đức Văn)

CATP Hà Tĩnh