Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Công an Hà Tĩnh: đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức

So với nhiều địa bàn khác trong cả nước thì tội phạm có tổ chức ở Hà Tĩnh ít hơn cả về số lượng, tính chất và quy mô. Tuy nhiên, với tính chất manh động, liều lĩnh, côn đồ của tội phạm có tổ chức trên địa bàn Hà Tĩnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng về tình hình ANTT, kéo theo nhiều hệ lụy và nhiều hành vi vi phạm khác. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc Công an tỉnh, thời gian qua phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh đã đấu tranh triệt xóa nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức, góp phần quan trọng đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Cuộc chiến gian nan

Những năm gần đây, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Tĩnh có xu hướng giảm về số vụ, nhưng tính chất, mức độ hành vi phạm tội có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu thống kê 11 tháng năm 2016 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 510 vụ, giảm 101 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Nổi lên là một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, như: Giết người, Cướp tài sản (Đức Thọ, TP Hà Tĩnh); các vụ Giết người do nguyên nhân xã hội (Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, TX Kỳ Anh)…; tội phạm Cướp, Cướp giật tài sản trên các tuyến giao thông với tính chất manh động, liều lĩnh, đối tượng phạm tội là người ngoại tỉnh đến hoạt động và gây án trên địa bàn (Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang); tội phạm Cố ý gây thương tích diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng lôi kéo, tụ tập thành các nhóm, sử dụng hung khí nguy hiểm, gây thương tích để trả thù cá nhân (Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh…). Đối với tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo băng ổ nhóm trước năm 2014 hoạt động khá phức tạp. Đặc biệt là lại KKT Vũng Áng, các băng nhóm người địa phương và các tỉnh khác tụ tập về mua phế liệu, bảo kê vận tải, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích. Đã xảy ra tình trạng thanh toán lẫn nhau để tranh giành địa bàn làm ăn (ổ nhóm Hồ Quang Hiệp với ổ nhóm Nguyễn Văn Hạnh, ổ nhóm Tú Điên ở Hải Phòng…). Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh quyết liệt, bằng nhiều hình thức đấu tranh, từ cuối năm 2015 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo băng, ổ nhóm không có hoạt động nổi. 11 tháng năm 2016, Phòng Cảnh sát Hình Sự đã đấu tranh 4 băng ổ nhóm, 20 đối tượng hoạt động phạm tội có tổ chức, bước đầu khởi tố 7 bị can; thu giữ nhiều tài sản và hung khí nguy hiểm. Điển hình như điều tra làm rõ ổ nhóm đối tượng gây ra vụ giết người, gây rối TTCC xảy ra tại huyện Hương Sơn; đấu tranh triệt phá ổ nhóm Bùi Thanh Hiền và ổ nhóm Nguyễn Văn Hiền gây ra các vụ cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Hương Khê.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát Hình Công an Hà Tĩnh cho biết, thực hiện Kế hoạch của Bộ Công an về đấu tranh với tội phạm có tổ chức, từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã triệt phá 112 ổ nhóm, 443 đối tượng liên quan đến giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp tài sản. Tội phạm có tổ chức có dấu hiệu giảm rõ rệt, đặc biệt là các băng, nhóm là người từ tỉnh khác đến hoạt động đã bị triệt phá hết hoặc tan rã, không còn hoạt động trên địa bàn.

Minh chứng cho điều đó, các điều tra viên lật giở cho chúng tôi với những hồ sơ vụ án “khét tiếng” mà lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh đã đấu tranh triệt xóa. Vụ án do Hồ Quang Hiệp cầm đầu gây ra ngày 3/12/2014 tại Kỳ Long – Kỳ Anh. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng do 2 băng nhóm tội phạm dùng súng thanh toán lẫn nhau. Hồ Quang Hiệp đã tụ tập nhiều đối tượng chuyên nghiệp ở Hà Tĩnh và các địa phương khác như Hải Phòng, Đồng Nai, Vĩnh Phúc hoạt động theo kiểu “xã hội đen” bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, thanh toán tranh giành địa bàn làm ăn. Quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát Hình sự đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can về tội Giết người.

Triệt phá băng nhóm  do băng nhóm Bùi Đình Thống (còn gọi là Thống Nét) gây ra 2 vụ án Cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản trên địa bàn Kỳ Anh. Bùi Đình Thống đã chỉ đạo “đàn em” sử dụng súng, mã tấu tấn công, uy hiếp công nhân thuộc công ty cổ phần Đức Hạnh để tranh giành địa bàn làm ăn, chiếm đoạt 2 xe máy, 7 Điện thoại di động và hơn 24 triệu đồng. Quá trình điều tra, lực lượng Công an đã khởi tố 14 bị can về tội cướp tài sản; 07 bị can về tội cưỡng đoạt tài sản, 4 bị can về tội bắt giữ người trái pháp luật. Trong vụ cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức đòi nợ thuê, Bùi Đình Thống đã chỉ đạo đàn em uy hiếp, đe dọa cán bộ, công nhân công ty Trường Thọ, đập phá, chiếm đoạt tài sản gồm: 01 dây chuyền nghiền đá và một số máy móc khác, tổng trị giá khoảng 17 tỷ đồng.

          Ngoài băng nhóm do Bùi Đình Thống cầm đầu, trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua còn xuất hiện nhiều đối tượng hình sự cộm cán, cầm đầu các băng, nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động manh động như Hồ Quang Hiệp (còn gọi là Hiệp Quí), Nguyễn Văn Hạnh (tức Hạnh cò), Trần Mạnh Hùng (gọi Hùng tọt), Đậu Đình Minh (tức Minh Mạo) cùng nhiều đối tượng khác. Các đối tượng thực hiện các hoạt động phạm tội như bảo kê thu mua phế liệu, bảo kê vận tải, bảo kê khai thác tài nguyên như cát, sỏi, đá, vàng... ;đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, giết người.

Đại tá Trần Văn Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh cho biết thêm, hoạt động của tội phạm có tổ chức rất manh động và liều lĩnh và được sắp xếp, bố trí rất chặt chẽ. Do vậy, để đấu tranh tranh với tội phạm gặp rất ít khó khăn vì khi gây án chúng thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để che dấu hành vi phạm tội của mình, đồng thời có nhiều hành vi để đe dọa người bị hại….

Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức

Là tổ chức bí mật, khép kín, bất hợp pháp, tội phạm có tổ chức hoạt động rõ ràng, chặt chẽ, có tên cầm đầu, chỉ huy, có kỷ luật riêng, với số lượng phạm tội đông. Các đối tượng phạm tội mang tính chất hệ thống, có sự chỉ huy thống nhất, mục đích cuối cùng là thu lợi bất hợp pháp về kinh tế.Những tên cầm đầu luôn tìm mọi cách tạo vỏ bọc kín để chỉ huy các thành viên hoạt động phạm tội.Các đối tượng cầm đầu hầu hết có tiền án, tiền sự, đã lôi kéo đàn em và một số thanh niên ăn chơi đua đòi cùng tham gia vào các băng nhóm... Tội phạm hoạt động rất xảo quyệt, với thủ đoạn rất tinh vi nụp bóng dưới các doanh nghiệp có thể là nhà giám đốc, nhà hàng, khách sạn hoặc là các doanh nghiệp dịch vụ hoặc thậm chí kể cả nhà báo và các hoạt động từ thiện để mà móc nối lôi kéo các hoạt động phạm tội, vì hoạt động tinh vi nên nó điều hành cả đàn em, trong rất nhiều trường hợp những bị hại, nhân chứng bị nó khống chế, bị mua chuộc, và khi cơ quan điều tra tiến hành điều tra thì về phía bị hại, về phía nhân chứng không dám cung cấp thông tin. Đây cũng chính là một trong những tính chất làm hoạt động tội phạm tồn tại, việc tội phạm có tổ chức bao giờ cũng tìm mọi cách để móc nối các cơ quan pháp luật để được bảo kê.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Lực lượng Cảnh sát Hình sự đã  chủ động, kịp thời đưa ra các đối sách phù hợp với tình hình. Quán triệt phương châm “bóp từ trong trứng”, Cảnh sát hình sự đã kịp thời phát hiện những băng nhóm tội phạm mới manh nha hình thành để đấu tranh triệt phá, làm tan rã, vô hiệu hóa. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữ các đơn vị thuộc Công an Hà Tĩnh và các đơn vị của Bộ Công an, Công an các tỉnh thành bạn cũng như các cơ quan tố tụng trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức được duy trì và đã phát huy hiệu quả… Đấu tranh với tội phạm có tổ chức là đối mặt với hiểm nguy, nhưng cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Cảnh sát hình sự luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, tuy nhiên phía sau đó có không ít những tội phạm, tệ nạn xã hội tiềm ẩn. Không để tội phạm có tổ chức hình thành, hoạt động cần một giải pháp lâu dài để phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là quản lý các đối tượng hình sự, đối tượng cầm đầu các băng nhóm. Bên cạnh đó, các đối tượng hình sự đã hết hạn cải tạo hoặc được tha tù trước thời hạn, chính quyền địa phương phải quản lý, bố trí công ăn việc làm cho họ. Quản lý tốt sẽ giúp phòng ngừa các đối tượng lôi kéo, thành lập các băng nhóm, tổ chức tội phạm mới hoặc để gây ra các vụ án khác. Bên cạnh đó, lực lượng công an, chính quyền cơ sở, địa phương  nắm chắc địa bàn, phối hợp giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong nhân dân, đồng thờicủng cố mạng lưới hòa giải ở cơ sở. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để ngăn ngừa các nguy cơ tội phạm.

Đại tá Bùi Đình Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, để tập trung có hiệu quả, phòng ngừa tốt tội phạm hình sự có tổ chức, lãnh đạo Công an  tỉnh tập trung chỉ đạo lực lượng chủ động nắm tình hình, quản lý đối tượng kể cả đối tượng trong tỉnh đặc biệt là đối tượng ngoài tỉnh đến địa bàn, các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ công tác công an để phát hiện sớm và nhận rõ các tổ chức tội phạm để có phương án vừa là phòng ngừa vừa là phòng chống hiệu quả các tội phạm có tổ chức.  Lực lượng chủ công như Cảnh sát Hình sự phải tập trung đánh mạnh, đánh trúng và có hiệu quả, đặc biệt là phải xử lý nghiêm, đưa một số vụ án điển hình tội phạm có tổ chức đưa ra xét xử, có tác dụng răn đe phòng ngừa, giáo dục chung.

 XUÂN LÝ – ĐÌNH VŨ

CATP Hà Tĩnh