Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Công an Hà Tĩnh phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm với những vi phạm trên không gian mạng

Trước sự gia tăng hoạt động phạm tội trên không gian mạng, Công an Hà Tĩnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.


Công an Hà Tĩnh dẫn giải Lê Văn Phong (SN 1989, trú tại thôn An Lộc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) - đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 56 triệu đồng của một giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh (12/2021).

Trong những năm gần đây, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong những “mặt trận” nóng, phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn Hà Tĩnh.

Các loại tội phạm tận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ và sự phát triển của mạng internet để hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nổi lên là tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng qua các trang mạng điện tử hay ứng dụng vay tiền, đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Nhiều đường dây phạm tội còn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.


Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Tĩnh) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ 1.050 bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc vào tháng 3/2022.

Dù mới thành lập chưa lâu (tháng 7/2021), nhưng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05 - Công an Hà Tĩnh) đã đấu tranh, triệt phá, phối hợp cơ quan điều tra các cấp tiến hành khởi tố 7 vụ án/9 đối tượng vi phạm pháp luật trên không gian mạng.


Nhóm đối tượng đánh bạc trực tuyến qua ví điện tử momo với số tiền lên tới 1,5 tỷ đồng bị Công an Hà Tĩnh triệt phá.

Điển hình như vào tháng 5/2022, PA05 và Công an huyện Lộc Hà chủ trì, phối hợp với Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh, phá thành công chuyên án mang bí số 422B, bắt giữ 11 đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến qua ví momo.

Các đối tượng này tuổi đời còn khá trẻ, có địa chỉ thường trú tại TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh); huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình); TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) và huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp).

Nhóm đối tượng này đã lắp đặt máy tính có kết nối internet, sử dụng điện thoại di động để hỗ trợ đánh bạc, đặt mua các sim rác, từ đó tạo các ví điện tử momo ảo phục vụ việc đánh bạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Từ khi vận hành đường dây (tháng 9/2021) tới lúc bị triệt phá, hằng ngày có lượng người tham gia đánh bạc rất lớn. Bước đầu, số tiền giao dịch đánh bạc thông qua vận hành các website trên ước tính 1,5 tỷ đồng.


Đối tượng Trần Trung Kiên (ngoài cùng bên trái) tại cơ quan công an.

Hay như vụ phát hiện đối tượng Trần Trung Kiên (SN 2004, trú tại xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) lập tài khoản Facebook mang tên “Nguyễn Phi Hùng” và Zalo mang tên “Giàng A Pháo”, đăng tải một số bài viết, hình ảnh có liên quan đến buôn bán pháo hoa nhằm mục đích lừa đảo.

Trong khoảng từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022, Kiên đã lừa đảo khoảng 100 người, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng với hình thức nhận tiền cọc mua bán pháo hoa.


Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh.

Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh chia sẻ: "Tội phạm công nghệ cao hoạt động qua môi trường mạng nên không có sự giới hạn về không gian, thời gian, biên giới, lãnh thổ và luôn tìm mọi kẽ hở của pháp luật, lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, trình độ về công nghệ thông tin để hoạt động.

Ngoài ra, các thông tin, tài khoản trên mạng xã hội được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều là tài khoản ảo, vì thế, gây khó khăn cho đơn vị trong quá trình thu thập chứng cứ, truy tìm, truy vết để đấu tranh, triệt phá. Đặc biệt, cùng với việc sử dụng mạng internet đánh bạc, tổ chức đánh bạc hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện nay, có nhiều đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện ý đồ riêng cũng diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng".


Trần Thị Bích Nhân - đối tượng đã thực hiện 6 vụ lừa đảo trên không gian mạng đối với các bị hại ở Hà Tĩnh để chiếm đoạt hơn 280 triệu đồng (3/2022) bị bắt giữ.

Trong thời gian qua, ngoài việc tăng cường đấu tranh, xử lý vi phạm trên không gian mạng, PA05 Công an Hà Tĩnh còn tiến hành rà soát, phát hiện 12 lỗ hổng bảo mật trên các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố để phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục.

Đơn vị phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý 64 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán điện tử với số tiền xử phạt 594 triệu đồng.


Cán bộ, chiến sỹ PA05 (Công an Hà Tĩnh) luôn nêu cao tinh thần đấu tranh đến cùng với các loại tội phạm trên không gian mạng.

“Thời gian tới, công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường do các đối tượng vi phạm thường có hiểu biết giỏi về tin học, cách thức hoạt động mới, tinh vi. Do đó, sẽ gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ tham gia đánh án.

Tuy vậy, với tinh thần cương quyết đấu tranh với tội phạm đến cùng, PA05 Công an Hà Tĩnh sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn” - Thượng tá Nguyễn Trường Diệu nhấn mạnh.

Theo Báo Hà Tĩnh