Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Công an TP Hà Tĩnh khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa cháy nổ do chập điện trong mùa hè

Thành phố Hà Tĩnh là địa bàn trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; có hơn 260 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: kinh doanh khí gas hóa lỏng, karaoke, khách sạn, nhà nghỉ…; có 09 Chợ, 02 siêu thị lớn, hàng chục siêu thị nhỏ, 02 tiểu khu công nghiệp; là địa bàn có mức độ đô thị hóa cao, dân cư sống chủ yếu trong các nhà ống nằm liền kề…do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ cao, nhất là vào những thời điểm có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng đột biến và khả năng gây ra chập cháy là rất cao.

Một góc TP. Hà Tĩnh

Theo báo cáo, thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, Công an thành phố, trong năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 30 vụ cháy, làm 01 người bị thương, thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng, 02 vụ cứu nạn làm 01 người chết, chiếm 1/3 vụ cháy, nổ trên toàn tỉnh; tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, xảy ra 05 vụ cháy, gây thiệt hại 370 triệu đồng thì chập điện chiếm đến 2/3 nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ. Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, khi thời tiết bắt đầu oi bức, chuyển sang mùa nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng. Bên cạnh đó, đa số những hộ gia đình sống trong một không gian chật hẹp tại khu đông dân cư, các nhà tập thể cũ, khu nhà ống liền kề… nguy cơ chập cháy từ các thiết bị điện là rất cao, nhất là với những hệ thống đường dây điện bị quá tải…

Vào ngày 01/11/2016, người dân thành phố Hà Tĩnh không khỏi bàng hoàng trước vụ cháy được đánh giá là gây thiệt hại lớn nhất sau vụ cháy Chợ thành phố năm 1999, ngọn lửa do chập điện phát ra từ cửa hàng tạp hóa số 100 - đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh) rồi nhanh chóng lan rộng sang quán cà phê Cây Đào và 3 cửa hàng điện thoại cùng 1 nhà dân bên cạnh, gây thiệt hại hơn 01 tỉ đồng. Mới đây nhất, vào ngày 21/4/2017, xảy ra chập điện gây cháy tại Trạm biến áp Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh, làm trạm biến áp hư hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại 70 triệu đồng.

[caption id="attachment_21981" align="aligncenter" width="712"]Xảy ra vụ cháy nghiêm trọng do chập điện tại số 100, đường Lý Tự Trọng, gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng Xảy ra vụ cháy nghiêm trọng do chập điện tại số 100, đường Lý Tự Trọng, gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng[/caption]

Thực tế, vào những ngày nắng nóng, các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như điều hòa, quạt máy, tủ lạnh, máy làm kem, đá… được người dân sử dụng triệt để, vì vậy khả năng chập cháy cao khi quá tải. Bên cạnh đó, hệ thống đường dây tải điện tại nhiều khu vực còn khá chồng chéo, xuống cấp, trong khi đó ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn lưới điện chưa cao nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Có thể thấy, việc chập cháy điện trong mùa hè luôn tiềm ẩn xảy ra nếu như người dân lơ là, mất cảnh giác. Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do điện trong mùa hè, trong thời gian qua, Công an thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều chuyên đề kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân phải nâng cao ý thức PCCC trong sử dụng điện; đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về công tác PCCC.

[caption id="attachment_21382" align="aligncenter" width="600"]Kiểm tra công tác PCCC Công an TP. Hà Tĩnh kiểm tra công tác PCCC.[/caption]

Công an TP Hà Tĩnh đưa ra các khuyến cáo như sau:

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp cần tuân thủ thực hiện nội quy, quy định về PCCC: Duy trì thường xuyên chế độ và quy trình tự kiểm tra PCCC trong cơ sở (kiểm tra định kỳ và đột xuất), chú trọng kiểm tra tổng thể các thiết bị điện, táp lô điện định kỳ bảo trì, sửa chữa những hư hỏng đảm bảo an toàn PCCC về điện. Có quy chế chặt chẽ về việc thực hiện quy định PCCC của cán bộ, công nhân viên chức. Khi hết giờ làm việc, trước khi ra về ngắt hết các thiết bị điện, tránh gây lãng phí, hao tổn điện năng, cần trang bị hệ thống rơle, cầu chì chuẩn có thể tự ngắt điện khi xảy ra sự cố.

Đối với mỗi hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra, thay thế các đường dây điện đã cũ. Mỗi hộ dân nên trang bị 1 đến 2 bình chữa cháy xách tay bằng khí (CO2...) đảm bảo về chất lượng. Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo đường dây nóng theo số 114 hoặc các cơ quan chức năng gần nhất và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa như bình chữa cháy xách tay bằng khí (CO2 ...); nghiêm cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện.

Để phòng ngừa cháy nổ do dòng điện quá tải, người dân cần thiết kế, lắp đặt hệ thống dây dẫn đúng tiêu chuẩn và có hệ số dự phòng, không tự ý thay đổi các thiết bị tự ngắt; không dùng nhiều thiết bị điện một lúc và cùng một ổ cắm; thường xuyên định kỳ kiểm tra hệ thống để khắc phục kịp thời những nguy cơ gây ra quá tải. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện chung, sử dụng tiết kiệm điện và chú trọng đến công tác PCCC, đặc biệt trong dịp hè, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.

Cao Cường

CATP Hà Tĩnh