Công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá 3.026 phạm nhân
Đặc xá năm 2021 tiếp tục một lần nữa khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, hướng thiện, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đặc xá.
Ngày 31/8, Văn phòng Chính phủ họp báo công bố Quyết định số 4535/QĐ-CTN về Đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước. Quyết định được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành ngày 30/8. Chủ trì buổi họp báo có: Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao.
Ghi nhận kết quả cải tạo tốt
Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và cho biết, trong những năm qua, xuất phát từ truyền thống nhân đạo của Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và xã hội.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng chủ trì họp báo.
Đặc xá năm 2021 tiếp tục một lần nữa khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88, 91 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và nay là Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan.
Như các lần đặc xá trước đây, quá trình xét Quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đều được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và đảm bảo dân chủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khác với các lần đặc xá trước đây, Quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước.
Các đại biểu dự họp báo.
Theo Quyết định số 1535, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Các phạm nhân đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại 80 tỷ đồng
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đã đại diện Ban Tổ chức trả lời câu hỏi của các phóng viên. Theo đó, trong đợt đặc xá lần này có 283 phạm nhân phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Từ Điều 188 đến Điều 234 BLHS – PV); họ đã nộp 24 tỷ để thi hành hình phạt bổ sung là phạt tiên, bồi thường thiệt hại, truy thu, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác. Trong đó, phạm nhân Trần Khắc Hiệp, thi hành án ở Trại giam Xuân nộp nhiều nhất với số tiền là 10 tỷ đồng. “Tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này đã nộp 80 tỷ đồng khắc phục hậu quả, bồi thường dân sự” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, trong quy định của pháp luật Việt Nam không có tội về chính trị, các phạm nhân đều phạm một trong các tội được quy định tại Bộ Luật Hình sự. Đợt đặc xá lần này có 21 phạm nhân nước ngoài được đặc xá với 7 quốc tịch khác nhau, trong đó có 10 phạm nhân quốc tịch Trung Quốc; 3 phạm nhân quốc tịch Nigieria; 2 phạm nhân quốc tịch Campuchia; ngoài ra có các phạm nhân quốc tịch Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; trong đó có 2 phạm nhân được đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CAND về tạo điều kiện cho những người thi hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Chính phủ đã có Nghị định số 49 ngày 17/4/2029 hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự về tái hoà nhập cộng đồng.
Theo đó, phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù hoặc có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ được các cơ sở giam giữ tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Các cơ quan, tổ chức đã tiếp nhận các phạm nhân hết án phạt tù, trong đó có người được đặc xá có trách nhiệm dạy nghề, giới thiệu để học học nghề, tạo điều kiện cho vay vốn, tạo công ăn việc làm để họ sớm hoà nhập cộng đồng.
“Hiện nay, có rất nhiều mô hình hay giúp đỡ phạm nhân thi hành xong án phạt tù, trong đó có người đặc xá như mô hình Doanh nhân với ANTT tại huyện Nga Sơn, Thanh Hoá, thu hút hơn 300 doanh nghiệp giúp đỡ người thi hành xong án phạt tù và người được đặc xá; ngoài ra còn có nhiều mô hình giúp đỡ người lầm lỗi mang lại hiệu quả rất cao như mô hình ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An…
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, trong đợt đặc xá lần này có 499 người thuộc các dân tộc thiểu số của Việt Nam; 314 phạm nhân là người có tôn giáo.
Báo CAND online