Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Công chức, viên chức Hà Tĩnh nói gì trước dự thảo quy định nghỉ trưa 1 tiếng?

Sau khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội, Báo Hà Tĩnh đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau.

Đa phần công chức, viên chức Hà Tĩnh cho rằng, quy định không phù hợp với các tỉnh lẻ

Bình luận trên Báo Hà Tĩnh điện tử, anh Lại Văn Vũ cho rằng, cần nghiên cứu lại chủ trương này, bởi ở các thành phố lớn, người lao động thường sáng đi tối về, mọi hoạt động trong ngày chủ yếu ở cơ quan, ăn trưa ngay ở quán. Tuy nhiên, tại Hà Tĩnh và các địa phương lại hoàn toàn khác. Buổi sáng, nhiều người đi làm nhưng trưa lại phải chạy về lo cơm, nước cho con cái, gia đình. Vì vậy, thời gian nghỉ trưa một tiếng chỉ phù hợp với các thành phố lớn.

Bình luận trên facebook Hà Tĩnh điện tử, tài khoản Hà Tĩnh Quê Choa chia sẻ: "Quy định này chỉ phù hợp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giờ làm việc chỉ sáng từ 8h đến 12h, chiều từ 13h đến 17h, không kể mùa đông hay mùa hè, trưa chỉ nghỉ một tiếng. Cán bộ, công chức ở đó trưa họ đi ăn cơm hàng rồi nghỉ một chút, chỉ gói gọn trong vòng 1 tiếng. Nhưng quy định này không phù hợp ở các tỉnh lẻ. Người ta trưa về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi xong mới đến cơ quan làm việc. Nếu chỉ được nghỉ 1 tiếng sẽ không kịp".

Bạn Hùng Chu chia sẻ: "Như vậy dẫn đến nhiều hệ lụy lắm. Trước mắt tại công sở phải có chỗ ăn nghỉ trưa, lại phải đầu tư tốn kém tiền của".

Theo bạn Thuận An: "Không thể áp dụng cho vùng miền núi, buổi trưa tất tả về lo cơm nước cho con cái đã hết 1 tiếng rồi thì làm sao còn kịp ăn uống"

Bạn Đường Đan Sang khẳng định: Không phù hợp ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Tĩnh. Trong khi bạn Nguyễn Hải lại có suy nghĩ trái chiều: “Mình lại thích cách này, đi làm xa 30km, sáng đi tối về nên chỉ mong làm luôn 8h đến 16h chiều nghỉ.

Với bạn Sang Nguyen Huu, quan trọng nhất là làm được việc, chứ ngồi chờ cho hết giờ thì cũng bằng không. Bạn Trần Quốc Văn cho rằng, nên thay đổi và quản lý chặt chẽ để có hiệu quả công việc cao hơn.

Trước đó, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa công bố, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc áp dụng giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trên thực tế hiện nay đang làm xảy ra một số tồn tại. Cụ thể, không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan Trung ương và địa phương; chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương; chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến 28/6/2019.

Phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do chủ tịch UBND tỉnh quyết định).

CATP Hà Tĩnh