Công an Hà Tĩnh: Đấu tranh ngăn chặn thực phẩm “bẩn” dịp Tết gần kề
Vấn đề an toàn thực phẩm đang là chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những tháng cuối năm, cùng với lực lượng Công an trong cả nước, lực lượng chức năng Công an Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý hàng loạt vụ vi phạm quy định về ATTP góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống thực phẩm “bẩn”.
Thực phẩm bẩn luôn là vấn nạn nhức nhối trong quần chúng nhân dân, vào thời điểm cuối năm, tình hình vi phạm pháp luật về buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn đang diễn ra với tính chất, mức độ, quy mô ngày càng nguy hiểm, phức tạp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng người dân mà còn gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, tác động đến tính ổn định an sinh và an toàn xã hội. Theo đó, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 7000 cơ sở hoạt động thực phẩm, 137 chợ buôn bán, trên 2000 hộ kinh doanh giết mổ động vật, sản phẩm động vật, 40 cơ sở giết mổ tập trung…
Dễ hiểu vì sao vấn đề chất lượng thực phẩm hiện nay lại khiến cho nhiều người lo lắng đến thế, bởi đây là tác nhân gây bệnh và tử vong với tỷ lệ cao trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Ngoài những ca cấp cứu, thậm chí là những cái chết tức tưởi bởi ngộ độc cấp tính, thì thực phẩm bẩn còn là nguyên nhân của những cái chết đến từ từ, chết vì bệnh tật kéo theo sự tốn kém về kinh tế, đau đớn về thể xác, rệu rã về tinh thần. Và quan trọng hơn, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng người Việt, chất lượng giống nòi, tương lai đất nước. Mọi chiến dịch chống thực phẩm bẩn đều đang được triển khai. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo mỗi người dân hãy chính là người tiêu dùng thông thái, nhưng chính người dân hiện nay cũng không biết và không thể phân biệt nổi đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn bởi sự tinh vi của các mặt hàng hiện nay.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an các đơn vị đã phát hiện hàng loạt những sai phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc. Điển hình như: Ngày 22/12/2016, lực lượng Công an huyện Hương Khê bắt giữ xe ô tô Biển kiểm soát 37C – 21852 của Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1974, trú tại xã Hưng Xuân – Hưng Nguyên – Nghệ An vận chuyển 1688,5kg gà và 720 quả trứng không rõ nguồn gốc khi đối tượng đang tiêu thụ tại khu vực Chợ Sơn – Thị trấn Hương Khê. Khi kiểm tra đối tượng chủ hàng không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào về nguồn gốc số gà và trứng trên, cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ, phối hợp với cơ quan Thú y của huyện kiểm tra, lập biên bản tạm giữ với số lượng hàng nói trên. Tiến hành lập hồ sơ tịch thu và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Công an Hương Khê bắt giữ gần 200kg gà không có nguồn gốc |
Tiếp đó, ngày 24/12, trong lúc tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Thượng - Ngọc, thuộc địa phận xã Thạch Thanh, tổ tuần tra Công an huyện Thạch Hà đã phát hiện xe ô tô, mang BKS: 38D-008.95 do ông Nguyễn Ngọc Hùng (trú tại phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) điều khiển có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra. Quá trình kiểm tra, lực lượng Công an huyện đã phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gồm: gạo, bánh kẹo, mỹ phẩm và một số hàng tiêu dùng khác có xuất xứ từ Thái Lan… số hàng hóa trên có tổng trị giá khoảng 30.000.000 đồng.
Công an huyện Thạch Hà kiểm tra số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ |
Ngày 27/12 trên QL 1A thuộc địa bàn phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh bắt giữ xe khách Hoàng Anh, BKS 37B 01536 do lái xe Hồ Văn Sáng (SN 1976), trú tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu điều khiển. Quá trình kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện 14 thùng xốp sản phẩm động vật gồm chân, đuôi trâu bò bốc mùi hôi thối có trọng lượng trên 1 tấn không có giấy tờ hợp lệ.
Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh vừa bắt giữ xe khách chở trên 1 tấn chân, đuôi trâu bò đã bốc mùi hôi thối. |
Hay trước đó, Chiều ngày 13/12, Các lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 1,5 tấn thịt động vật không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối do Lê Công Đạt (sinh năm 1988 trú tại thôn Nam Hải, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lái xe bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 51D – 04503 điều khiển chạy hướng từ Bắc vào Nam, cùng với Nguyễn Viết Ngân (sinh năm 1984 có địa chỉ tại Phú Thủy, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) được thu gom trôi nổi trên địa bàn Thành phố Hà Nội vận chuyển về Hà Tĩnh và Quảng Bình tiêu thụ.
Các lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 1,5 tấn thịt động vật không rõ nguồn gốc, đã bóc mùi hôi thối |
Việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện vẫn rất khó khăn, tình hình vận chuyển buôn bán thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn từ các nơi khác vào địa bàn Hà Tĩnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nếu tuồn trót lọt được vào thị trường thì mang lại lợi nhuận rất cao, khiến các thương lái bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Đáng lo ngại là hầu hết các vụ buôn lậu khi bị phát hiện hàng hóa đều đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối.Thủ đoạn hoạt động của những tiểu thương trong quá trình vận chuyển, buôn bán thực phẩm đều rất tinh vi như xé lẻ hàng, hoặc ngụy trang dưới vỏ các loại hàng hợp pháp và trà trộn vào những loại hàng hóa khác để vận chuyển trên xe khách tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Có thể thấy, với lợi nhuận lớn từ việc buôn bán hàng kém chất lượng mang lại, đã có nhiều tiểu thương, người buôn bán do sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lương tâm sẵn sàng sử dụng nhiều thủ đoạn để thu lợi nhuận bất chính.
Trước thực trạng đó, lực lượng Công an và các cơ quan chức năng đã có những biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, vấn nạn này chưa giảm mà đang có dấu hiệu “nóng” lên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng. Chế tài xử phạt hành vi vi phạm về vệ sinh thực phẩm chưa đủ sức răn đe, những hạn chế, lỏng lẻo trong công tác quản lý nên tư thương vẫn tìm mọi thủ đoạn để hoạt động, đánh lừa người tiêu dùng và qua mắt lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, với lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh thực phẩm không an toàn, rất khó để “thức tỉnh lương tâm” một bộ phận không nhỏ người người bán hàng. Cho nên vòng quay vi phạm – xử phạt – xử phạt vẫn cứ thế tái diễn. Tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn tồn tại. Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ gần đến thế là cách mà nhiều người vẫn hay nói, “cuộc chiến” chống thực phẩm bẩn sẽ còn rất lâu dài và gian nan.
Vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, công tác truy quét thực phẩm bẩn được các cấp, các ngành tại tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Hà Tĩnh có tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các đối tượng sử dụng các phương tiện vận tải, vận chuyển các loại thực phẩm bẩn, không đảm bảo ATTP từ các nơi khác về tiêu thụ hoặc trung tuyến đến địa bàn khác… nên tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn qua địa bàn luôn “nóng”. Cuộc chiến chống lại những hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn sẽ càng gian nan hơn vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh, địa bàn rộng, đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi mới phương thức, thủ đoạn hoạt động, tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thậm chí nhiều trường hợp khi bị phát hiện sẵn sàng liều lĩnh, manh động chống lại người thi hành công vụ hoặc quanh co che giấu. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh chống thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khoẻ của người dân, bên cạnh việc các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần tăng mức xử phạt vi phạm bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.
Cùng với đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của người tiêu dùng trong việc nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm, có thái độ kiên quyết “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng và chủ động thông báo với cơ quan chức năng về những biểu hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn... Có như vậy mới đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả thực tiễn của cuộc đấu tranh chống thực phẩm bẩn./.
CATP Hà Tĩnh