Giữa những ngày Tết, những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của Cục Cảnh sát hình sự đã phải gác lại hạnh phúc riêng tư, có mặt ở hầu hết các địa bàn để phối hợp với Công an địa phương điều tra, khám phá các vụ trọng án gây xôn xao dư luận.
Rồi mấy tháng ròng, tổ chức trinh sát, khám phá các chuyên án tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia hoặc các trinh sát băng rừng vượt suối phá các sòng bạc giữa vùng rừng núi, những đêm trắng theo sát và tập kích những con tàu rút ruột sông Hồng…
Nhân kỉ niệm 73 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh sát hình sự (18-4-1946 - 18-4-2019), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự về những dấu ấn của Cục Cảnh sát hình sự, luôn sẵn sàng cho những chuyên án, vụ án lớn.
Phóng viên: Thưa đồng chí Cục trưởng, thời gian qua, mỗi khi trên địa bàn các tỉnh, thành phố xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi đều thấy sự xuất hiện và vai trò của Cục Cảnh sát hình sự. Đồng chí có thể trao đổi với độc giả về kết quả một số vụ án điển hình mà Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo và phối hợp với các địa phương?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Những năm gần đây, lực lượng Cánh sát hình sự toàn quốc luôn điều tra khám phá gần 50.000 vụ án các loại, triệt phá hàng trăm băng nhóm tội hình sự hoạt động có tổ chức; trong đó có nhiều băng nhóm và hàng trăm đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, bắt hàng nghìn đối tượng truy nã, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt đấu tranh PCTP hình sự.
Triển khai Nghị định số 01/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương điều tra, khám phá các vụ trọng án, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Điển hình như: Các vụ cướp tài sản ở trụ sở ngân hàng tại Khánh Hóa, Tiền Giang, cướp tài sản tại Trạm thu phí Dầu Giây, vụ giết người, cướp tài sản của lái xe taxi tại Mỹ Đình, Hà Nội hoặc các chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng cho vay lãi nặng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại Thanh Hóa, chuyên án đấu tranh triệt phá băng nhóm tội phạm trộm cắp tài sản trên container tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam, chuyên án triệt phá đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) từ Việt Nam sang Campuchia...
Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chúng tôi đều có mặt ngay từ khi có yêu cầu của Công an địa phương để chỉ đạo và phối hợp điều tra, khám phá, bắt giữ đối tượng.
Như vụ bắt đối tượng giết 3 người xảy ra ngày 13-8-2018 tại Tiền Giang; vụ giết 2 vợ chồng, cướp tài sản xảy ra ngày 17-8-2018 tại Hưng Yên; vụ án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm tại Điện Biên, nạn nhân là chị Cao Thị Mỹ Duyên...
Phóng viên: “Thương hiệu” của Cục Cảnh sát hình sự luôn gắn liền với các chuyên án, vụ án lớn mà Cục trực tiếp xác lập và đấu tranh triệt phá hoặc phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương điều tra khám phá. Đây thường là những vụ án gây bức xúc dư luận, những tụ điểm tồn tại trong một thời gian dài. Xin đồng chí Cục trưởng cho biết, khi đấu tranh với những chuyên án, vụ án này, CBCS Cục CSHS phải vượt qua những khó khăn gì để dẫn đến thành công?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Mỗi chuyên án, vụ án do đơn vị trực tiếp trinh sát, phá án đều là những vụ rất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng gây án thường là lưu manh chuyên nghiệp, phạm tội có tổ chức hoặc được thực hiện với thủ đoạn hoạt động phạm tội và che giấu tội phạm hết sức tinh vi.
Tập thể CBCS Cục Cảnh sát hình sự không những phải kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, mưu trí vượt mọi thử thách, phải luôn đảm bảo an toàn lực lượng, mà còn phải có bản lĩnh và năng lực chuyên môn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí phải lường trước những hy sinh, mất mát.
Mỗi CBCS Cảnh sát hình sự khi bước chân vào “nghiệp” đều xác định được những khó khăn, vất vả, hy sinh và sẵn sàng nhận nhiệm vụ với quyết tâm và mục đích đó là: Vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tội phạm hình sự dù có manh động, liều lĩnh đến đâu cũng nhận thức được hành vi phạm tội của mình và sự trừng phạt của pháp luật và khi nhận thức rõ điều này, họ sẽ quay lưng lại với tội phạm, cùng hướng tới cái thiện.
|
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự và CBCS trong đơn vị báo công tại Khu ATK (Thái Nguyên). |
Phóng viên: Trong những chuyên án của Cục Cảnh sát hình sự có nhiều chuyên án liên quan đến vũ khí quân dụng; triệt phá các băng nhóm tội phạm kiểu “xã hội đen”; tiếp xúc với những nhóm tội phạm rất nguy hiểm này, sự hy sinh của CBCS cũng không thể lường hết được. Trong những chuyên án như vậy, chúng ta phải làm thế nào để vừa triệt phá thành công, vừa bảo toàn lực lượng?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Đấu tranh với các loại tội phạm hình sự rất cam go và quyết liệt, tội phạm hình sự luôn đan xen, nhất là tội phạm hoạt động có tổ chức với những thủ đoạn tinh vi và manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả lực lượng chức năng.
Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng Cảnh sát hình sự cũng thể hiện rõ bản lĩnh vững vàng, vận dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát, chủ động nắm đối tượng với từng loại tội phạm, nhất là đối với tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn…
Trong đấu tranh các chuyên án và khám phá các vụ án, chúng tôi cũng luôn có tài liệu rất cụ thể, chính xác và xây dựng các giả thuyết, tình huống để lường hết các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho CBCS, quần chúng nhân dân và đối tượng gây án.
Phóng viên: Đã đứng chân trong lực lượng Cảnh sát hình sự, mỗi CBCS đều xác định sẵn sàng cho những khó khăn, vất vả. Nhưng để tham gia những chuyên án lớn một cách hiệu quả, CBCS của đơn vị phải rèn luyện cho mình những tố chất và năng lực gì, thưa đồng chí Cục trưởng?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Phát huy bản chất, truyền thống cách mạng, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ TTATXH, CBCS lực lượng Cảnh sát hình sự không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt, thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Khi tình nguyện đứng trong hàng ngũ lực lượng Cảnh sát nhân dân, nhiều người có nguyện vọng học tập, công tác, chiến đấu trong lực lượng Cảnh sát hình sự, nhưng khi hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Cảnh sát hình sự thì không phải ai cũng giữ nguyên nguyện vọng và đáp ứng được, bởi vì mỗi CBCS Cảnh sát hình sự không những phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi tình huống, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống giản dị; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật; có ý thức tổ chức kỷ luật; tận tuỵ trong công tác; có phong cách làm việc sâu sát, tỷ mỷ, khách quan, khoa học, phong cách ứng xử văn hoá mà còn phải có bản lĩnh, dám hy sinh, chấp nhận sự khó khăn, vất vả và đặc biệt là phải có sức khỏe, trách nhiệm, lòng đam mê nghề nghiệp và kiến thức xã hội.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy CATW, lãnh đạo Bộ Công an trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát hình sự luôn được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và quần chúng nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ Cảnh sát hình sự, là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với CBCS lực lượng Cảnh sát hình sự.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang, trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát hình sự nhất định vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo ANTT thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!
Nhật Quang (thực hiện)