Cung cấp số điện thoại đường dây nóng đảm bảo ATGT dịp lễ 30/4 ở Hà Tĩnh
Đây là một trong những yêu cầu mà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đặt ra đối với ngành chức năng và các địa phương nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh của nhân dân liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, tai nạn giao thông, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu ngành chức năng tăng cường tuần tra lưu động để xử lý, tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành trật tự ATGT trên tất cả các tuyến đường
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và quốc tế lao động 1/5 năm 2019 cũng như thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương, kế hoạch của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng: CSGT, CSCĐ, công an các huyện/thành phố/thị xã, công an các xã/phường/thị trấn huy động tối đa quân số, phương tiện, trang thiết bị tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24h;
Tăng cường tuần tra lưu động để xử lý, tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành trật tự ATGT trên tất cả các tuyến đường; đặc biệt QL1, QL15, đường Hồ Chí Minh, trên các tuyến đường dẫn đến các khu du lịch, khu di tích lịch sử văn hóa...
Xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm TTATGT như: Chạy quá tốc độ quy định, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, sử dụng rượu bia quá nồng độ quy định khi tham gia điều khiên phương tiện giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; phương tiện thủy không đảm bảo kỹ thuật, thiết bị an toàn, không đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người quy định.
Cùng với tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành trật tự ATGT...
Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các phòng, ban liên quan tăng cường quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, đò ngang; kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái trước khi xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến đối với các trường hợp người và phương tiện vi phạm, không đủ điều kiện an toàn; tăng cường xử lý thông qua khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình theo quy định; áp dụng biện pháp tước phù hiệu, tạm đình chỉ kinh doanh đối với những phương tiện, doanh nghiệp vi phạm.
Có phương án vận tải bảo đảm đủ năng lực và chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu vận tải phát sinh trong kỳ cao điểm, nhất là tại các đầu mối giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ùn ứ giao thông; bố trí xe dự phòng để chủ động sang khách khi các phương tiện chở quá số khách quy định.
Chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ khẩn trương kiểm tra, rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, đặc biệt là các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ ủy thác quản lý; có biện pháp cảnh báo và khắc phục kịp thời khi xẩy ra sự cố.
Kiểm tra, yêu cầu các chủ đầu tư, các BQL dự án, các đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trưòng trên các tuyến đường đang thi công, đặc biệt các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác; không để xẩy ra ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông do việc thi công các công trình.
... cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ đặc điểm, tình hình tại địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và các biện pháp phòng tránh TNGT; chú trọng tuyên truyền vận động đội mũ bảo hiểm đúng quy định và không lái xe chở quá số người quy định và không lái xe khi đã sử dụng rượu bia; tăng cường tuyên truyền ATGT trên hệ thống loa phát thanh của phường xã, thôn xóm và băng rôn, khẩu hiệu;
Chỉ đạo Công an huyện/thành phố/thị xã; công an xã, phường, thị trấn huy động lực lượng thường xuyên tuần tra, xử lý trên các tuyến đường do địa phương quản lý, đặc biệt các tuyến đường dẫn đến các điểm du lịch, khu di tích lịch sử văn hóa và tại các bến đò ngang địa điểm du lịch;
Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm, đặc biệt các hành vi: Không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia quá nồng độ quy định khi điều khiển phương tiện, xe máy chở ba, chở bốn, lạng lách, đánh võng...
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, bán vé của các đơn vị vận tải trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kê khai và niêm yết giá cước vận tải, tăng giá không đúng quy định.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế chủ động cấp cứu, chữa trị cho các nạn nhân do tai nạn giao thông; có phương án để tiếp cận cứu chữa nạn nhân với thời gian nhanh nhất; duy trì chế độ báo cáo số lượng các trường hợp đến khám, điều trị do TNGT tại các bệnh viện trong đợt cao điểm nghỉ lễ.
Hiệp hội vận tải ô tô Hà Tĩnh yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tăng cường tuyên truyền pháp luật ATGT đến các lái xe, chủ xe, nhân viên phục vụ trên xe, chú trọng các nội dung tuyên truyền về văn minh lịch sự phục vụ hành khách, không lái xe sau khi uống rượu bia, không điều khiển xe chạy quá tốc độ, không chở quá số người quy định.
Công an tỉnh, Sở GTVT, Ban ATGT và các địa phương cung cấp số điện thoại đường dây nóng, niêm yết trên các xe khách, bến xe, bến tàu, nơi công công để tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của nhân dân liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, tai nạn giao thông, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa...
CATP Hà Tĩnh