Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cuộc chiến 4.000 ngày và lời thú nhận sau 15 năm

Nhắc lại chuyện xưa, Đại tá Hồ Can kể rằng sau khi vượt qua được các đợt kiểm tra an ninh của địch, ban chuyên án liên tục sản xuất tin giả cung cấp cho địch nên đã gây được niềm tin với trung tâm. Với lý do cần tăng cường thêm người và vũ khí, máy điện đài để mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp vùng Tây Bắc, ban chuyên án liên tục yêu cầu địch tăng viện. Vì vậy trong những năm 1964-1966, trung tâm đã gửi ra nhiều điện đài, vũ khí thế hệ mới nhất.

Sau gần 2 năm thực hiện chiến tranh bí mật với Hà Nội mà không thu được kết quả như mong muốn, ngày 20-11-1963, tại Hononulu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara chủ trì cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia để bàn định lại phương thức tiến hành chiến tranh đặc biệt trên chiến trường Việt Nam. Tại cuộc họp, Mc Namara chỉ trích gay gắt CIA và yêu cầu phải thay đổi vì: "Một nhúm điệp viên, vài chuyến bay trên bầu trời miền Bắc không phản ánh hết sức mạnh của Mỹ. Vai trò của CIA mới chỉ là hỗ trợ và cung cấp cho người Việt Nam tự thi hành nhiệm vụ (…). Một chương trình thực sự hiệu quả phải có sự tham gia của các nguồn lực quân đội. Quân đội có cái mà họ cần, nguồn lực, lực lượng, học thuyết về chiến tranh đặc biệt để gây sức ép tổng lực với Hà Nội". Hội đồng An ninh quốc gia đồng ý đưa ra bản kết luận số 273 cho phép gia tăng các hoạt động ngầm chống lại Hà Nội. Ngày 26-11-1963, tân Tổng thống Lyndon Baines Johnson, người vừa lên thay Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát trước đó vài ngày, ký phê duyệt kết luận này.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp kể về 10 năm tham gia chống gián điệp biệt kích ở Tây Bắc.
Ngay sau đó, Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ (MACV) được giao trực tiếp điều hành chiến tranh gián điệp biệt kích. MACV và CIA phối hợp xây dựng kế hoạch chung về tăng cường các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc mang tên Kế hoạch 34A (OPLAN 34A). Tháng 1-1964, MACV thành lập tại Sài Gòn tổ chức mật lấy tên là Liên đoàn hành quân đặc biệt (SOG). Với thiết bị và nhân lực do CIA bàn giao, SOG tiếp tục đưa hàng loạt các toán gián điệp biệt kích ra miền Bắc. Sau một thời gian gián đoạn, đêm 27 rạng ngày 28-5-1964, trung tâm tiếp tục tăng cường thêm toán Coots gồm 7 lính biệt kích và 7 kiện hàng xuống bản Ngà, xã Tu Nang, huyện Mộc Châu và cũng như lần trước, Coots bị bắt ngay sau khi vừa xuống đất. Sau khi bắt toàn bộ toán Coots, Bộ Công an lập thêm chuyên án NT 28. Nhận được tin Castor đã liên lạc được với Coots và đang triển khai hành động, ngày 24-7-1964, trung tâm lại tăng cường toán Perseus gồm 7 lính cùng 7 kiện hàng xuống bãi đổ Chiềng Chung, Yên Châu, Sơn La. Toán Perseus có nhiệm vụ liên lạc, phối hợp hoạt động với toán Tourbillon, chờ tăng cường thêm lực lượng sẽ tách ra. Ban chuyên án thông báo cho trung tâm địch là hai toán Perseus và Tourbillon đã gặp nhau và đang thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, đêm 19-12-1964, địch thả dù thêm toán Alfa gồm 4 gián điệp biệt kích xuống Pa Lao, Chiềng Chung, Yên Châu. Sau khi bắt gọn toán Alfa, ban chuyên án tiếp tục yêu cầu địch tăng cường thêm người, phương tiện. Tin tưởng các toán đang hoạt động hiệu quả và cần mở rộng thêm căn cứ, đêm 7-11-1965, địch tiếp tục đưa ra toán Vesee gồm 8 gián điệp biệt kích cùng 6 kiện hàng xuống Chiềng Khừa, Mộc Châu, ta bắt sống 6 tên, diệt 2 tên, thu 6 kiện hàng. Nhận tin đã tiếp đất an toàn, trung tâm điện ra chúc mừng các chiến hữu Vesee. Để cho địch tin hiệu quả hoạt động, sau đó ta cho Vesee thực hiện một vụ "phá hoại" mục tiêu trên đường 6. Vì thế đêm 23-12-1966, trung tâm tăng cường cho toán Alfa 2 biệt kích cùng hàng tiếp tế xuống bãi đổ Chiềng Khừa.
Công an Lai Châu phục bắt toán gián điệp biệt kích nhẩy dù xuống xã Mường Mươn, huyện Điện Biên (năm 1968)
Nhắc lại chuyện xưa, Đại tá Hồ Can kể rằng sau khi vượt qua được các đợt kiểm tra an ninh của địch, ban chuyên án liên tục sản xuất tin giả cung cấp cho địch nên đã gây được niềm tin với trung tâm. Với lý do cần tăng cường thêm người và vũ khí, máy điện đài để mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp vùng Tây Bắc, ban chuyên án liên tục yêu cầu địch tăng viện. Vì vậy trong những năm 1964-1966, trung tâm đã gửi ra nhiều điện đài, vũ khí thế hệ mới nhất. Đặc biệt là máy điện đài, máy của ta do Liên Xô sản xuất thường rất to, mỗi lần vận chuyển cần ba bốn người mang vác và rất dễ hỏng khi gặp nước; máy điện đài của địch trang bị cho các toán gián điệp biệt kích rất hiện đại, không hỏng khi gặp nước, nhỏ, cầm ở trong tay được. Vì vậy, những thiết bị này không chỉ phục vụ chuyên án mà còn được chi viện cho lực lượng An ninh chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Mười một năm trực tiếp tham gia các chuyên án gián điệp biệt kích ở Tây Bắc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp kể: bắt được gián điệp biệt kích khi chúng vừa nhảy dù xuống mới là thắng lợi bước đầu, còn việc khai thác địch để chuyên án tiếp tục phát triển, chống địch nghi ngờ lại là cả một nghệ thuật. Bởi cốt lõi để trung tâm chỉ huy địch tin là vấn đề an ninh của toán. Mật khẩu an ninh của mỗi tên, mỗi khi trung tâm nghi ngờ là kiểm tra và kiểm tra thường xuyên.
Một số vũ khí, thiết bị, điện đài thu được trong các chuyên án bắt gián điệp biệt kích đang trưng bày tại Bảo tàng CAND.
Về an ninh của toán, không bao giờ CIA giao chung, từ khẩu lệnh an ninh khi nhảy xuống gặp nhau là CIA giao, tên nào cũng biết khi gặp nhau thôi, để không bắn nhầm. Còn an ninh mật mã chỉ tên toán trưởng biết, an ninh truyền tin chỉ tên truyền tin biết, mật khẩu an ninh của tên nào thì CIA giao riêng cho từng tên, toán trưởng cũng không biết. "Cái khó là làm sao ta phải biết được chính xác các bí mật này, địch trao ở Sài Gòn, ta ở Hà Nội. Đấu tranh với từng tên không phải chỉ để biết đơn thuần nghiệp vụ, mà còn phải nắm được gia cảnh, khai thác tình cảm để dùng cả tình cảm khai thác nghiệp vụ. Vì vậy cán bộ lấy lời khai phải là người có trình độ, giỏi nghiệp vụ và nhiều lĩnh vực khác, tuỳ trình độ từng tên để đấu tranh, thuyết phục". Còn Đại tá Nguyễn Tuấn bảo rằng ngay sau khi bắt được các toán, ông thường trực tiếp khai thác nhanh các thông tin như toán có mấy tên, ai là toán trưởng, ai là người truyền tin, toán do ai huấn luyện, khi nhảy dù xuống sẽ tập trung ở đâu, cách liên lạc thế nào, mật khẩu ra sao… Không những thế, khi thu giữ tang vật, bao giờ ông cũng yêu cầu các cán bộ phải ghi chép rất cụ thể từng thứ vũ khí của từng tên, ký hiệu. Đối với phương thức gián điệp biệt kích, hầu như trung tâm chỉ biết được sự an toàn của toán, kết quả hoạt động của toán thông qua báo cáo và kiểm tra an ninh qua vô tuyến điện bằng cách kiểm tra mật khẩu an ninh, kiểm tra loại thiết bị liên lạc do trung tâm chỉ định, kiểm tra trang thiết bị, vũ khí cá nhân… Do đó việc sử dụng phương tiện của địch để đánh địch là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đấu tranh chuyên án. Ban chuyên án phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết ngay từ khi bắt được điệp viên, thu phương tiện hoạt động, sau đó thống kê chính xác, riêng biệt đối với từng tên; việc bảo quản vũ khí, trang bị thu được cũng phải làm chu đáo, thuận tiện cho việc sử dụng trong suốt thời gian đấu tranh chuyên án, vì trung tâm địch rất hay kiểm tra an ninh của từng toán, của từng tên như đọc số súng cá nhân, liên lạc vô tuyến điện bằng loại máy gì thì sẽ ứng phó được ngay… Ngày 4-7-1967, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn kết thúc chuyên án PY 27, hiệu thính viên của Castor lên máy liên lạc, nhưng giữa chừng bỏ máy. Sau hơn 5 năm thực hiện, ngoài toán Castor, chuyên án PY27 đã bắt thêm 6 toán với 8 chuyến hàng, bắt 37 tên và tiêu diệt 3 tên, thu giữ 140 kiện hàng với 9 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh (thuốc nổ C3, C4, máy đo chấn động, hỏa tiễn tầm xa 3.5, 4.5, máy bộ đàm H1TA…). Toàn bộ vũ khí, điện đài sau đó lại được lên các chuyến tàu không số tăng cường cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Toán GĐBK đang điện đài với trung tâm Sài Gòn qua sự khống chế của ta.
Đặc biệt, từ chuyên án PY27, ban chuyên án đã khai thác và biết thêm đặc lệnh truyền tin, biết được luật mật mã của địch để cung cấp cho bộ phận mã thám, từ đó mở được nhiều điện mật của địch, phát hiện thêm nhiều đài địch, mở được mật mã và kịp thời báo cáo cho lực lượng an ninh miền Nam biết trước những trận càn của địch. Qua đấu tranh chuyên án PY27, ta đã nắm được toàn bộ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch, rút kinh nghiệm để chỉ đạo các địa bàn khác trên toàn miền Bắc đấu tranh có hiệu quả. Không những thế, qua bắt giữ các toán gián điệp biệt kích bổ sung cho Castor, ta lập thêm các chuyên án TP28, KS 16, TP 28, LH 17 đấu tranh với gián điệp biệt kích tại Tây Bắc. Trong đó chuyên án LH 17 kéo dài hơn 5 năm (từ 5-7-1962 đến 29-11-1967) đã bắt giữ 20 tên, diệt 1 tên, thu 128 kiện hàng, 17 bộ điện đài, 60 máy truyền tin bán dẫn và gần 1 tấn thuốc nổ. Từ chuyên án PY27 mở đầu đến năm 1972, lực lượng An ninh đã tổ chức đấu tranh thắng lợi 27 chuyên án gián điệp biệt kích bằng chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ", bắt và diệt 353 tên. Ngày 30-4-1972, trước những thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, MACV quyết định giải thể SOG, kết thúc chiến dịch đưa gián điệp biệt kích ra Bắc. Sau hơn 11 năm đánh gián điệp biệt kích, ta đã đánh đuổi 75 toán xâm nhập bằng đường biển; 135 toán xâm nhập qua biên giới; bắt và tiêu diệt 103 toán với 1.015 tên xâm nhập bằng đường không, thu hàng trăm tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. *** Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng kể rằng một buổi sáng cuối tháng 5-1975 tại Sài Gòn, ông nhận được điện thoại của đồng chí Đoàn Chi, phụ trách Trại giam Chí Hòa gọi sang gặp Trần Khắc Kính, một trong những người đầu tiên cùng Lê Quang Tung xây dựng lực lượng gián điệp biệt kích để tung ra Bắc. Trong cuộc đảo chính tháng 11-1963 lật đổ Ngô Đình Diệm, anh em Lê Quang Tung - Lê Quang Triệu chịu chung số phận với anh em Diệm - Nhu, Trần Khắc Kính bị bắt giam một thời gian, sau đó được thả và  phục hồi cấp bậc đại tá. Cuộc nói chuyện hôm ấy, sau đúng 15 năm thực hiện việc đưa Castor ra Bắc, Trần Khắc Kính đã kể lại những ngày tham gia chỉ đạo toán Castor: "Khi mới nhận được bản tin đầu tiên của Castor đánh về, tôi đã nghi là toán này đã rơi vào tay Cộng sản vì Hà Văn Chấp trình độ văn hóa rất thấp, khi còn ở trung tâm huấn luyện, cho Chấp tập viết tin báo cáo ngắn gọn gửi qua điện đài vô tuyến điện chỉ mấy dòng chữ mà đã thấy chữ thừa, chữ thiếu. Thế mà đọc kỹ bản điện này tôi thấy lời văn rất gọn, không thể bỏ hay thêm vào chữ nào cả. Nhưng tôi vẫn báo cáo với các cố vấn Mỹ là toán Castor được an toàn, có điện về xin tiếp tế thêm vũ khí, phương tiện, các cố vấn Mỹ rất vui và đồng ý tiếp tế cho Castor.
Lực lượng Công an truy theo giấu vết của toán GĐBK.
Chuyến bay tiếp tế cho Castor đáng lẽ đến lượt Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc C.47 ra Bắc. Vì chơi thân với Kỳ nên tôi bảo Kỳ nên kiếm lý do gì đó tránh đi và Kỳ đã nghe tôi xin nghỉ phép; Trung úy Phan Thanh Vân đi thay và chiếc C.47 của Vân đã bị hạ khi mới ra tới Ninh Bình (sự thật là chiếc C.47 khi bay ra tới Ninh Bình thì tự rơi, Phan Thanh Vân may mắn sống sót. Để giữ bí mật chuyên án nên thời điểm đó ta đã cho tuyên truyền là máy bay bị súng phòng không bắn hạ- PV). Vì vụ này mà Nguyễn Cao Kỳ rất ơn tôi, kể cả khi đã làm to. Suốt cả thời gian dài các toán gián điệp biệt kích ở miền Bắc có liên lạc 2 chiều với trung tâm mà chưa phá hoại được vụ nào đáng kể. Trung tâm đã nhiều lần phái người ra kiểm tra hoặc kiểm tra trực tiếp trong phiên liên lạc nhưng vẫn không mang lại kết quả gì. Phái người ra kiểm tra thì vì ngoài đó kiểm soát chặt chẽ quá nên phải về không, có người bị bắt. Chúng tôi nghi toán nào đó rơi vào trò chơi nghiệp vụ của các ông thì tất nhiên các ông phải thu hết súng nên chúng tôi hỏi số súng của từng người, có điệp viên  nào đó mà chúng tôi nghi các ông đã thay người khác vào thì chúng tôi hỏi quê vợ của điệp viên đó v.v... nhưng tất cả đều trả  lời rất chính xác. Cuối cùng thì chúng tôi cũng như các cố vấn Mỹ đành nhắm mắt làm ngơ coi như không có chuyện gì, cứ tiếp tục xin kinh phí huấn luyện và tung gián điệp biệt kích ra Bắc". Sau khi đi học tập cải tạo về, Trần Khắc Kính sang Mỹ định cư theo diện H.O. Tháng 8-2005, Trần Khắc Kính chết tại Mỹ. Sau năm 1975, toàn bộ gián điệp biệt kích bị bắt đã được trả tự do. Hơn 100 cựu gián điệp biệt kích sau đó được phía Mỹ đồng ý cho sang định cư theo diện H.O. Nhưng cuộc sống ở Mỹ của phần lớn những cựu gián điệp biệt kích này đều khó khăn vì họ không có trình độ chuyên môn gì. Đưa cả vợ con sang Mỹ, gia đình Hà Văn Chấp cũng chung cảnh khó khăn. Người con trai của ông ta sang Mỹ làm thuê cho nhà hàng cũng sống trong cảnh túng thiếu khi có tới 6 đứa con. Tháng 3-2008, vợ chồng Hà Văn Chấp lần lượt ra đi nơi đất khách quê người trong cảnh nghèo túng.

CATP Hà Tĩnh