Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống còn

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng, đến nay, Hà Tĩnh vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Tuy nhiên, số ca dương tính có liên quan đến chuyến bay London - Hà Nội VN0054 liên tục được ghi nhận trên cả nước cho thấy, trách nhiệm chống dịch không chỉ của ngành chức năng mà còn của mỗi người dân. Chỉ một hành động thiếu ý thức của một cá nhân sẽ khiến mọi nỗ lực trở thành “dã tràng xe cát”.

Tuy chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào nhưng Hà Tĩnh là địa bàn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Trong khi đó, không ít người dân hoặc do thiếu kiến thức hoặc thiếu ý thức đã có những hành động “vô cảm” trước đại dịch.

Ngại “bất tiện” cho bản thân - gây bất an cho xã hội

Những ngày gần đây, người dân TP. Hà Tĩnh được một phen “nháo nhào” khi có thông tin về nữ sinh Nguyễn Thị Hạnh D. (trú tại phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) du học từ Ulsan (Hàn Quốc) về nước nhưng không chấp hành các quy định về cách ly.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònVì sợ sự bất tiện trong quá trình cách ly mà nhiều người đã gây bất an cho xã hội. (Trong ảnh: Một người dân Hà Tĩnh được cách ly sau khi trở về từ vùng dịch).

Nữ sinh Hạnh D. đang trong quá trình tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà nhưng đã tiếp xúc với nhiều người, thậm chí còn “tung tăng” dự một đám cưới tại một khách sạn lớn trên địa bàn TP. Hà Tĩnh.

Dù được cơ quan chức năng xác định yếu tố dịch tễ học thuộc nhóm nguy cơ thấp, tuy nhiên, sự thiếu ý thức của cá nhân này đã gây hoang mang trong dư luận tại địa phương.

Hầu hết người dân khi được hỏi về trường hợp này đều thể hiện sự bức xúc. “Nguy cơ thấp chứ không phải không có nguy cơ. Nếu chẳng may cô ấy mang mầm bệnh mà vô ý thức như vậy thì hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào! Cả hệ thống chính trị của tỉnh đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng chứ!” – anh Lê Minh Hải (người dân TP Hà Tĩnh) bức xúc.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònHiện nay đang là thời điểm nhiều sinh viên, người lao động từ Hà Nội trở về quê - rất cần ý thức vì cộng đồng của mỗi cá nhân (Ảnh minh họa).

Khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều sinh viên, người lao động Hà Tĩnh ở Hà Nội đã ồ ạt trở về quê. Dù đa phần trong số đó thực hiện theo khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng, nhưng cũng không ít bạn trẻ còn thiếu ý thức trong việc tự cách ly sau khi từ vùng dịch về.

Với suy nghĩ, “về thăm nhà” như mọi lần nên Nguyễn Trung H. (trú phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) - sinh viên một trường đại học ở Hà Nội vẫn vô tư hẹn bạn bè đi ăn sáng, uống café khi vừa xuống bến xe. Thậm chí, nếu không được người khác nhắc nhở thì ngay tối hôm đó, cậu còn có ý định tham gia tiệc sinh nhật bạn tại một quán karaoke.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònHướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú của Bộ Y tế.

Ngại cách ly vì sợ gián đoạn những thói quen sinh hoạt và các mối quan hệ là tâm lý của hầu hết những người trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, chỉ vì điều đó mà nhiều cá nhân đã gây bất an cho toàn xã hội – đó thực sự là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng cần phải lên án.

Thiếu hiểu biết - gieo rắc hoang mang trong cộng đồng

Nỗi lo lắng, sự bất an là có thật, nguy cơ là có thật nhưng thay vì lan tỏa những hành động tích cực để trấn an, để trang bị kiến thức nhằm bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội thì vẫn có nhiều cá nhân gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác bằng những thông tin giật gân, không chính xác. Thậm chí có những kẻ còn suy diễn nguồn cơn đại dịch để vu khống chính quyền.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònCơ quan chức năng làm việc với đối tượng Phan Duy Ngọc

Dù được tuyên truyền, phổ biến nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những status câu view, câu like về dịch bệnh để lôi kéo sự chú ý đến trang facebook cá nhân. Đơn cử, 14h ngày 7/3, Phan Duy Ngọc (SN 1982, trú thôn Đại Yên, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) đã đăng tải video cảnh nhậu nhẹt trên facebook cá nhân Ngọc Duy, kèm theo dòng trạng thái “Covid 19 về đến lộc hà rồi tài ơi”.

Đăng tải xong, Ngọc lên giường đi ngủ. Sau gần 40 phút đăng tải, nội dung bài viết trên có đến cả trăm người tiếp cận và hàng chục lượt chia sẻ. Nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng trước thông tin này.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònThông tin thất thiệt được nữ sinh lớp 11 P.T.H đăng tải trên facebook cá nhân.

Trước đó, vào khoảng 23h ngày 27/2, P.T.H (học sinh lớp 11, trú tại thị trấn Tiên Điền - Nghi Xuân) tham gia vào một nhóm chat trên mạng xã hội rồi thách đố nhau đưa thông tin người Nghi Xuân dương tính với virut Corona chủng mới lên mạng xã hội. Vì nông nổi, thiếu hiểu biết mà H. nhận lời thách đố dại dột đó và đã đăng tải lên facebook cá nhân với nội dung không có thật.

Thiếu hiểu biết, thích được nổi bật đã đành, nhiều cá nhân còn lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của đại bộ phận người dân trong tình hình dịch diễn biến phức tạp để đăng tải thông tin sai sự thật nhằm câu view, câu like cho trang bán hàng online của mình.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònVì câu like, nhiều trang bán hàng online cũng bất chấp quy định pháp luật để đăng tải thông tin giật gân, vô căn cứ.

Những hành động vi phạm pháp luật đó kịp thời được nghiêm trị, răn đe nhưng dù với lý do nào đi chăng nữa đó vẫn là một trò đùa vô trách nhiệm, là sự bỡn cợt trên nỗi đau, nỗi sợ không chỉ của một vài, một nhóm cá nhân mà là của một cộng đồng đang gồng mình chống dịch.

Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền Thông Hà Tĩnh Phạm Văn Báu cho biết, từ ngày 20/2/2020 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, lực lượng chức năng đã triệu tập xử lý, cảnh cáo, nhắc nhở 8 đối tượng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội liên quan đến phòng chống dịch Covid - 19. Dù chỉ là trò đùa nhưng hậu quả là thật khi hành động của các đối tượng này đã gây hoang mang, bất ổn trong xã hội và khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh của chính quyền, cơ quan chức năng”.

Thiếu ý thức - tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan

Những hành động vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh đã bị lên án và nghiêm trị, nhưng việc người dân lơ là, thờ ơ với dịch vẫn đang diễn ra. Đây là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cần được nhắc nhở, chấn chỉnh.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònTại nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh như chợ, nhiều người vẫn không đeo khẩu trang và vô tư ăn uống. (Ảnh Ngân Giang).

Ngay khi dịch bùng phát, khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn là những mặt hàng khan hiếm; người ta chấp nhận mua bằng được với giá cao hơn ngày thường nhiều lần. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, nhiều người vẫn không tạo được thói quen sử dụng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Khi được hỏi, rất nhiều người trả lời rằng, lúc dịch bệnh mới bùng phát, họ cũng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên nhưng sau khi thấy Việt Nam chữa được thành công 16 ca dương tính với virus thì lại yên tâm nên không thực hiện các biện pháp bảo vệ thường xuyên nữa.

Hay là “dù công việc tiếp xúc môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng đeo khẩu trang thường xuyên khó chịu quá nên lại bỏ ra” – một tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh cho biết.

Cuộc chiến chống dịch Covid 19 - ý thức người dân là yếu tố sống cònToàn xã hội đang chung tay phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân cần nâng cao ý thức vì cộng đồng. (Trong ảnh: Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh hướng dẫn cách phòng dịch và tặng nước rửa tay sát khuẩn cho người dân).

Chủ quan khi nhìn thấy dịch tạm lắng, các hoạt động liên hoan, thể thao, tụ họp đông người vẫn được không ít tổ chức, cá nhân thực hiện. Những đám cưới, đám tang hàng trăm người vẫn được tiến hành mà chủ nhân và khách mời, bạn hữu đều không ý thức được hết sự nguy hiểm của đại dịch mang tên Covid-19.

Không chỉ chủ quan trong sử dụng biện pháp phòng hộ mà nhiều người thậm chí còn bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, coi đợt nghỉ học “trốn dịch” của con là một kỳ nghỉ và lên kế hoạch cho những chuyến du lịch xa cho cả gia đình. Có vẻ như, họ sẵn sàng đánh đổi sự an toàn của người thân, cộng đồng bằng những phút giây thư giãn, thoải mái của một chuyến du lịch giữa “bão dịch”!

Cả cộng đồng xã hội đang từng giây, từng phút gồng mình chạy đua với dịch bệnh; nhiều người vẫn ngày đêm bất chấp nguy hiểm để lao vào vùng dịch. Mỗi cá nhân hãy vì trách nhiệm với cộng đồng, chấm dứt những hành động “vô cảm” để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

 

CATP Hà Tĩnh