Cuộc chiến chống tội phạm ma túy luôn cam go và quyết liệt
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn, với hàng trăm bánh heroin, hàng chục kilôgam ma túy tổng hợp. Cùng với số lượng ma túy tăng lên, thì các đối tượng phạm tội ma túy cũng ngày càng trở lên liều lĩnh, thủ đoạn tinh vi.
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐT) về ma túy (C47), Bộ Công an xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Theo báo cáo tổng kết của các năm, hầu như năm nào tỉ lệ khám phá các vụ án ma túy cũng tăng lên, số lượng ma túy thu giữ được nhiều hơn. Thưa đồng chí Cục trưởng, như vậy có nghĩa là vẫn còn nhiều đường dây, đối tượng phạm tội ma túy đang hoạt động trong xã hội?
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian qua, với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phát huy cao vai trò chủ công, nòng cốt của lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý, hoạt động phạm tội về ma tuý ở nước ta đã được kiềm chế, ngăn chặn.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn. |
Tuy nhiên, do áp lực rất lớn của hoạt động tội phạm ma túy tại các nước trên thế giới và khu vực, đặc biệt là khu vực “Tam giác vàng” làm cho tình hình tội phạm về ma túy của nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp.
Quy mô các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp. Khối lượng các chất ma túy thẩm lậu vào trong nước bị các lực lượng chức năng thu giữ ngày càng nhiều hơn và đa dạng về thành phần, chủng loại.
Nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hàng trăm bánh heroin, hàng chục kilôgam ma túy tổng hợp. Đối tượng tham gia phạm tội về ma túy ngày càng đa dạng về thành phần, lứa tuổi và quốc tịch.
Tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy các năm đều tăng càng thể hiện sự quyết tâm của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy trong việc ngăn chặn cái chết trắng, điều đó cũng đồng nghĩa với tình hình hoạt động của tội phạm ma túy hiện nay đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
PV: Theo khoản 4, Điều 194 BLHS, nếu tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt heroin hoặc cocain có trọng lượng từ 100 gam trở lên thì có thể bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Qua theo dõi các vụ án ma túy thì ngày càng nhiều, có các vụ án mà số lượng ma túy thu được hoặc các đối tượng tham gia mua bán cực khủng, vài trăm, thậm chí vài nghìn bánh heroin.
Đồng chí Cục trưởng có thể giải thích về hiện tượng này? Phải chăng các đối tượng không sợ án tử hình?
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Như đã nói ở trên, quy mô các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở nước ta thời gian gần đây ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp.
Các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn thường hoạt động chuyên nghiệp, lâu năm, có sự tham gia của nhiều đối tượng, hoạt động trên địa bàn rộng lớn liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia.
Mặc dù biết hình phạt nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, nhưng do lợi nhuận từ việc mua bán quá lớn nên các đối tượng vẫn chấp nhận lao vào con đường phạm tội. Nhiều đối tượng không có việc làm ổn định, nghiện ma túy nên đã vận chuyển ma túy thuê cho các đối tượng khác để có tiền ăn chơi, tiêu xài.
Khi mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn như vậy, các đối tượng phạm tội ma túy biết khi bị bắt sẽ phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, nên thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động nhằm tránh bị phát hiện và rất manh động liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí quân dụng chống lại lực lượng chức năng khi bị vây bắt.
PV: Như vậy, khi vận chuyển số lượng ma túy lớn, các đối tượng đã biết nếu bị bắt chắc chắn phải đối mặt với án tử hình. Thế nên, chúng sẽ có nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng Công an để che giấu hành vi phạm tội của mình. Xin đồng chí có thể cho biết một số thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy hiện nay?
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Qua theo dõi và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt nhằm trốn tránh sự phát hiện, bắt giữ của các lực lượng chức năng để vận chuyển trót lọt các chất ma túy, như thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường biển, đường hàng không, đường bưu điện... để vận chuyển trái phép chất ma túy.
Các đối tượng là "trùm" ma túy không trực tiếp mang hàng, mà chỉ đạo từ xa thông qua các phương tiện thông tin liên lạc: điện thoại, bộ đàm,…
Các đối tượng buôn bán nhỏ, lẻ thường hoạt động cả ngày lẫn đêm; thường xuyên thay đổi chỗ ở, phương tiện đi lại, điện thoại, nơi giao nhận hàng. Thường dùng tiếng “lóng”, ám tín hiệu để trao đổi, thỏa thuận việc mua bán ma túy, khi bị phát hiện hoặc truy đuổi là vứt hàng phi tang.
Một số đường dây lợi dụng vận chuyển ma túy qua dịch vụ chuyển hàng hoá nhanh của một số công ty vận tải do dịch vụ không cần địa chỉ người giao nhận mà chỉ cần số điện thoại của người gửi và người nhận.
Sử dụng nhiều thủ đoạn cất giấu ma túy trong quá trình vận chuyển như: lợi dụng những khoảng trống tự nhiên hoặc tạo ra những vị trí bí mật của ôtô, xe máy, tàu thuyền… để cất giấu ma túy; lợi dụng vật dụng, đồ dùng: khuy áo, đế giày dép, mũ bảo hiểm, đầu video, loa đài, quạt điện, sách vở, cuộn vải, đồ chơi trẻ em, hộp sữa, hộp bánh kẹo, hộp thực phẩm, thậm chí cất giấu ma túy ở vị trí nhạy cảm trên người; cất giấu ma túy trong các thùng hàng vô chủ gửi ôtô, lái xe đến địa điểm hẹn trước là vứt hàng, chủ hàng sẽ tiếp cận để nhận.
Thời gian gần đây, tội phạm ma túy còn câu kết chặt chẽ với tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác để hoạt động phạm tội, rất manh động liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí "nóng" chống lại lực lượng chức năng khi bị vây bắt.
PV: Bên cạnh các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tránh sự kiểm soát của lực lượng Công an, trong nhiều vụ án, các đối tượng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy thường mang theo vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng Công an khi bị bắt.
Sự hy sinh lúc nào cũng có thể xảy ra đối với các cán bộ chiến sỹ của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy.
Thưa đồng chí Cục trưởng, đồng chí đã có những chỉ đạo như thế nào với cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của mình để vừa khám phá các vụ án thành công, vừa đảm bảo an toàn lực lượng như trong thời gian qua?
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn: Tại một số địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy như khu vực các tỉnh Tây Bắc và Bắc miền Trung, tội phạm ma túy trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện vây bắt, gây hậu quả nghiêm trọng, làm hy sinh và bị thương một số CBCS và hư hỏng tài sản của lực lượng chức năng.
Như vụ chống người thi hành công vụ ở Hòa Bình năm 2010 làm 3 đồng chí hy sinh, 4 đồng chí bị thương; ở Sơn La làm 1 đồng chí hy sinh; ở Lạng Sơn làm 2 đồng chí hy sinh, 2 đồng chí bị thương; ở Nghệ An làm 3 đồng chí bị thương...
Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại, gây ra những tổn thất nặng nề cả về con người, vật chất, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần chiến đấu của một bộ phận CBCS trong các lực lượng chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Trước thực trạng như vậy, Cục C47 luôn đặt yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBCS lên trên hết.
Yêu cầu các đơn vị trước khi tham gia bắt giữ các đối tượng tội phạm ma túy phải làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng để từ đó xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh phù hợp, không để bị động, bất ngờ đảm bảo tuyệt đối an toàn về lực lượng.
Quá trình đấu tranh với các đường dây, tụ điểm ma túy tại các địa bàn “nóng” cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, bố trí lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho phù hợp và mang tính áp đảo, khống chế tội phạm.
Bên cạnh đó, Cục C47 thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, quân sự võ thuật để nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ, tư duy chiến thuật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho CBCS trong đơn vị.
CATP Hà Tĩnh