Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Cuộc chiến tranh 17-2-1979: Chiến thuật ‘Biển người’ lấp biên giới

Để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2-1979, quân đội Trung Quốc đã huy động 620.000 quân, tấn công 6 tỉnh khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam.

Trung Quốc khởi động chiến tranh xâm lược Việt Nam

Vào ngày 7-12-1978, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập một cuộc họp, ra quyết định phát động một cuộc chiến tranh xâm lược hạn chế trên tuyến biên giới phía bắc Việt Nam với tuyên bố công khai trước thế giới là “Chiến tranh phản kích tự vệ” trước “hành động xâm lược” của Việt Nam.

Chỉ thị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc nêu rõ, cuộc chiến tranh được hạn chế nghiêm ngặt trong vòng bán kính 50km từ đường biên giới và kéo dài trong 2 tuần, các đơn vị được ấn định ở phạm vi trên phải chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ ngày 10 tháng 1 năm 1979.

Ý đồ tác chiến được Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (QGPNDTQ) lựa chọn là “triển khai 2 mũi tấn công lớn từ 2 hướng, tập trung quân số áp đảo toàn diện để bao vây quân địch từ hai bên sườn, nhằm tiêu diệt từng bộ phận quân địch bằng những trận đánh hủy diệt lớn, theo phương thức đánh nhanh rút gọn”.

Cuộc họp chỉ định, lực lượng tấn công chính sẽ lấy từ hai Đại quân khu Quảng Châu (nòng cốt là Quân khu tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây) và Đại quân khu Thành Đô (nòng cốt là Quân khu tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên). Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều động thêm một lực lượng lớn từ các Đại quân khu khác.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc được tuyên bố là “Chiến tranh phản kích tự vệ” tiến hành trong 3 giai đoạn.

Cuoc chien tranh 17-2-1979: Chien thuat 'Bien nguoi' lap bien gioi

Một ổ hỏa lực của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh xâm lược 1979

Giai đoạn đầu từ 17 đến 25 tháng 2. Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc dự tính sẽ phá vỡ tuyến phòng ngự đầu tiên của Việt Nam và đánh chiếm các thị xã Cao Bằng và Lào Cai, các thị trấn biên giới quan trọng là Cam Đường và Đồng Đăng, cửa ngõ ra vào Lạng Sơn.

Giai đoạn hai từ 26 tháng 2 đến 5 tháng 3, lực lượng Trung Quốc ở Quảng Tây sẽ tập trung tấn công vào Lạng Sơn và các vùng phụ cận phía tây, trong khi các cánh quân vu hồi ở Vân Nam sẽ giao chiến với sư đoàn quân Việt Nam ở vùng Tây Bắc Sa Pa, và Phong Thổ.

Trong giai đoạn cuối từ 6-3 đến 16-3, quân Trung Quốc sẽ nỗ lực truy quét để tiêu diệt nốt các lực lượng còn sót lại trong quá trình phá hủy hệ thống quân sự tại khu vực biên giới với Trung Quốc, trước khi hoàn thành việc rút quân vào ngày 16 tháng 3.

Đặng Tiểu Bình cũng chỉ định Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) – Tư lệnh Đại Quân khu Quảng Châu làm chỉ huy cánh quân Quảng Tây và Dương Đắc Chí (Yang Dezhi – Tư lệnh quân khu tỉnh Vũ Hán) chỉ huy cánh quân Vân Nam, không dùng Vương Tất Thành (Wang Bicheng)- Tư lệnh quân khu tỉnh Vân Nam.Trước đó, trong cuộc họp vào lễ Giáng sinh năm 1978, Đặng Tiểu Bình – khi đó là một trong năm Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiêm Tổng tham mưu trưởng đã quyết định không thành lập Bộ chỉ huy chung mà hai cánh quân sẽ tiến hành chiến đấu độc lập, không có phối hợp hoặc hiệp đồng.

Cuoc chien tranh 17-2-1979: Chien thuat 'Bien nguoi' lap bien gioi

Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy ở Cao Bằng tháng 2-1979

Theo tinh thần chỉ đạo và chiến thuật đó, 2 cánh chủ lực của Trung Quốc đã xây dựng những kế hoạch tác chiến riêng của họ, trong đó tập trung nhấn mạnh đến việc tiêu diệt các sư đoàn quân chính quy của Việt Nam dọc biên giới Trung-Việt.

Theo kinh nghiệm chiến đấu của mình và dựa trên các bài bản chiến thuật của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Hứa Thế Hữu đã đưa ra tư tưởng chỉ đạo cho cuộc chiến tranh là “ngưu đao sát kê” tức là “dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”, với nguyên tắc tác chiến gồm ba điểm:

Một là: Tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng phòng thủ sơ hở của quân địch.

Hai là: Sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan hàng phòng ngự của địch tại những những cứ điểm then chốt.

Ba là: Các đơn vị xung kích phải dốc sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công theo tất cả các con đường dẫn đến sào huyệt kẻ thù.

Theo cách này họ Hứa tin rằng, dưới sự chỉ huy của của ông ta, quân Trung Quốc có thể xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam thành từng mảnh, đập tan mọi sự kháng cự, thọc sâu, bao vây, chia cắt và sau đó tiêu diệt hết chủ lực Việt Nam.

Ngay từ đầu tháng 10 năm 1978, Trung Quốc đã tung quân báo, thám báo, trinh sát và cả một số điệp viên tình báo của Hoa Nam tình báo Cục sang lãnh thổ Việt Nam do thám và thực hiện nhiều cuộc tấn công thăm dò vào các vị trí phòng thủ của chúng ta ở các tỉnh biên giới.

Mục đích chính của chúng là thu thập thông tin về địa hình, khả năng phòng thủ, tinh thần chiến đấu của lực lượng biên phòng Việt Nam, đồng thời tạo tâm lý “bão hòa” các cuộc tiến công nhỏ lẻ của Trung Quốc, nhằm che giấu ý đồ mở cuộc chiến tranh xâm lược lớn của chúng.

Những cuộc tấn công nhỏ, lẻ này tăng dần về quy mô và tần số cũng đồng nghĩa với việc lực lượng Trung Quốc tập trung tại biên giới ngày càng đông. Cùng trong thời gian đó, Trung Quốc cắt đứt tuyến đường sắt Hữu Nghị nối liền hai nước vào ngày 22 tháng 12 năm 1978.

Huy động “Biển người” tấn công sang Việt Nam

Đến giữa tháng 1 năm 1979, gần 20 sư đoàn chính quy Trung Quốc, với trên dưới 25 vạn quân chủ lực, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, hàng vạn khẩu pháo, cối và các loại vũ khí khác đã tập trung gần biên giới với Việt Nam.

Hơn 700 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom (tức 1/5 lực lượng không quân Trung Quốc), đã được đưa đến các sân bay giáp biên giới, phối hợp với các lực lượng lục quân, chuẩn bị một chiến dịch tấn công tổng lực, đại quy mô, xâm lược trực diện, xâm lược toàn diện.

 

Xe tăng Trung Quốc qua cầu vượt sông tiến đánh Việt Nam

Đến cuối tháng 1-1979, guồng máy khổng lồ hoạt động cho một cuộc xâm lược quy mô, núp dưới cái tên khêu gợi sự thương cảm của cộng đồng quốc tế là “Chiến tranh phản kích tự vệ” đã được chuẩn bị xong và sẵn sàng gieo tội ác xuống đất nước láng giềng nhỏ bé và thân thiện.

Vào thời điểm đó, về mặt tổ chức hành chính, Trung Quốc biên chế tổ chức thành các Đại quân khu (hiện nay là các Quân khu), dưới là các Quân khu tỉnh và thấp hơn cả là các Phân quân khu.

Về mặt tổ chức lực lượng tác chiến, các Đại quân khu thường được biên chế từ 3 Tập đoàn quân trở lên. Vào thời điểm đó, mỗi tập đoàn quân Trung Quốc có biên chế và vũ khí, trang bị lớn hơn 1 quân đoàn chủ lực của ta với ít nhất là 3 sư đoàn (f) bộ binh, trong đó có 2 sư Bộ binh cơ giới (fBBCG).

Để thực hiện kế hoạch tác chiến theo kiểu “Biển người”, Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, huy động một lực lượng khổng lồ gồm 10 Tập đoàn quân chủ lực (1 TĐQ làm nhiệm vụ dự bị) và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh), thuộc 5 Đại quân khu.

Tổng số quân được huy động vào khoảng 620.000 quân, trong đó có hơn 300.000 quân chủ lực, được coi là thiện chiến nhất khi đó, núp dưới danh nghĩa bộ đội địa phương. Ngoài ra, còn khoảng hơn 300.000 dân binh, thuộc lực lượng quân dự bị.

Theo một số nguồn tin của Trung Quốc, lực lượng tác chiến hỏa lực gồm có 6 trung đoàn xe tăng; 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không độc lập, với tổng số gần 800 xe tăng-thiết giáp (550 xe tăng), 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối và dàn hỏa tiễn.

Ngoài ra, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và 1.700 máy bay sẵn sàng yểm trợ phía sau (tuy nhiên, do những định hướng chiến lược của cuộc chiến tranh, quân đội Trung Quốc không huy động lực lượng này tham chiến, lí do tại sao chúng ta sẽ tìm hiểu trong những kỳ sau).

Ngoài lực lượng quân chính quy, Trung Quốc còn huy động hàng chục vạn dân công ở các tỉnh biên giới để tải đồ tiếp tế, phục vụ, tải thương, hỗ trợ quân chính quy phục vụ cho chiến dịch. Theo số liệu công khai, chỉ riêng tại Quảng Tây đã có đến 215.000 dân công được huy động.

5h sáng ngày 17-2-1979, tiếng súng đã vang lên ở biên giới phía Bắc Việt Nam, báo hiệu cuộc cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc chính thức bắt đầu.

Hơn 60 vạn quân được sự yểm trợ của gần 800 xe tăng, xe bọc thép, trọng pháo đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam (từ trái sang phải theo tuyến biên giới là Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh), chạy từ điểm tây bắc là Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến điểm đông bắc ở Pò Hèn (Quảng Ninh).

 

Các mũi tấn công chính và phụ trên toàn tuyến biên giới của quân đội Trung Quốc

Theo Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, cánh quân Quảng Tây (phía đông) do Hứa Thế Hữu chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân (TĐQ) 41, 42, 43, 54, 55 và 50 (thiếu sư 149, phối thuộc cho cánh quân Vân Nam), tiến công vào đông bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn và Cao Bằng.

Trong đó, hướng Lạng Sơn do Tập đoàn quân 43, 54, 55 phụ trách, còn hướng Cao Bằng do Tập đoàn quân 41, 42, 50 đảm nhận nhiệm vụ tấn công.

Cánh quân Vân Nam (phía tây) do Dương Đắc Chí – tư lệnh Đại Quân khu Thành Đô chỉ huy, bao gồm các Tập đoàn quân 11, 13, 14 và sư 149/quân đoàn 50 đảm nhiệm tấn công vào hướng tây bắc Việt Nam, với trọng điểm là Lào Cai (trước là Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành Lào Cai và Yên Bái).

Hướng Hoàng Liên Sơn do Tập đoàn quân 13, 14 triển khai tấn công; Tập đoàn quân 11 tiến quân theo hướng Lai Châu.

Ngoài ra, ở các nhánh tấn công phụ trên biên giới khu vực phía bắc và đông bắc, thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Hà Giang (trước đây là Hà Tuyên, nay tách thành Hà Giang, Tuyên Quang) mỗi nơi cũng có ít nhất từ 2-3 sư đoàn, sau đó tăng viện thêm.

Các chiến dịch quân sự đã được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam dọc theo biên giới kéo dài đến 900 km từ đông sang tây. Trong 30 ngày, quân Trung Quốc đã tiến hành những trận đánh đẫm máu nhất, và gặp phải những thương vong lớn nhất kể từ chiến tranh Triều Tiên.

Nguồn : Baodatviet.vn

CATP Hà Tĩnh