Cuối tháng 8 ban hành văn bản hướng dẫn sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư do nhập xã
Sáng 14/8, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp thống nhất các nội dung liên quan đến sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đảm bảo dân chủ, công bằng, minh bạch trong sắp xếp cán bộ, công chức
Năm 2019, tổng số đơn vị hành chính (ĐVHC) thực hiện sắp xếp toàn tỉnh là 80 xã. Sau sáp nhập, Hà Tĩnh giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới. Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các xã thực hiện sắp xếp hiện có 2.321 người (trong đó 760 cán bộ, 744 công chức, 817 người hoạt động không chuyên trách).
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang phân tích kỹ thêm các nội dung liên quan đến điều động công chức dôi dư từ xã sắp xếp sang xã còn thiếu trong cùng một huyện.
Yêu cầu đặt ra là việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các xã sáp nhập phải đảm bảo dân chủ, công bằng, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Các chức danh cấp trưởng bố trí 1 người theo quy định; cơ bản bố trí bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã. Nếu đủ điều kiện, tiếp tục duy trì mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại những xã sáp nhập.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn: Cần quy định cụ thể, rõ ràng các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư.
Đối với các cán bộ, công chức còn dôi dư sẽ tiếp tục được đánh giá, phân loại; thực hiện điều động từ xã sắp xếp sang xã còn thiếu trong cùng một huyện; tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/7/2015 về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoặc cho nghỉ theo Nghị quyết số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Văn Hùng: Không nên cứng nhắc khi lựa chọn người đứng đầu xã mới mà cần linh hoạt lựa chọn người tiêu biểu nhất trong những người đứng đầu của các xã thuộc diện sáp nhập.
Thời gian tiến hành thực hiện sắp xếp bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phấn đấu hoàn thành trong tháng 9/2019; hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trước 31/12/2019.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh thông qua dự thảo tờ trình về việc đề nghị bổ sung số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2019.
Tại cuộc họp, các thành phần tham dự đã phân tích, thảo luận kỹ về nguyên tắc, phương án sắp xếp đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thuộc tổ chức Đảng, HĐND, UBND, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi bước quy trình cần thực hiện “chậm mà chắc”; không nên cứng nhắc trong lựa chọn người đứng đầu xã mới.
Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước BTV Tỉnh ủy về việc chỉ đạo sắp xếp, bố trí, thực hiện hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách. Trong đó, việc đánh giá cán bộ cần nhìn nhận xuyên suốt, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Cần có lộ trình rõ ràng đối với việc giảm biên, thực hiện điều chuyển giáo viên giữa huyện này sang huyện khác.
Cũng tại cuộc họp, BTV Tỉnh ủy còn nghe, phân tích và cho ý kiến các vấn đề: Tình hình đội ngũ giáo viên năm học 2019-2020; việc giải quyết các lao động hợp đồng theo Quyết định số 240/QĐ-UBND ngày 18/1/2013 của UBND tỉnh "Quy định về danh mục, khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập" để tuyển dụng số lao động đủ tiêu chuẩn và điều kiện để hợp đồng kế toán tại các trường mầm non; phương án bổ sung biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: BTV Tỉnh ủy cần sớm có kết luận cuối cùng về tổ chức biên chế để UBND tỉnh xây dựng phương án, trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Lựa chọn cán bộ, công chức ưu tú đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Trong sắp xếp đội ngũ liên quan đến sáp nhập xã, cốt lõi nhất là lựa chọn được cán bộ, công chức ưu tú để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới. Quy trình lựa chọn phải đảm bảo dân chủ, chặt chẽ, công khai.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Đến cuối tháng 8/2019, đảm bảo ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương và cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện.
Về mặt thời gian, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy phải hoàn thiện văn bản về cơ cấu, số lượng, quy trình lựa chọn nhân sự và sắp xếp cán bộ dôi dư khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 20/8. Đến cuối tháng 8/2019, đảm bảo ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương và cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện.
Xung quanh việc sắp xếp bộ máy ngành giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị lên phương án riêng với từng cấp học, bậc học; chú trọng công tác điều chuyển để cân đối tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các bậc học từ tiểu học đến THPT; cần quan tâm đến giải pháp tối đa xã hội hóa nhóm trẻ ở bậc học mầm non... Đồng thời, tập trung công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương.
CATP Hà Tĩnh