Đã có thể xử lý hình sự đối tượng vi phạm về pháo
Theo quy luật, càng về cuối năm, hoạt động mua bán, vận chuyển pháo diễn biến phức tạp. Chế tài mới nhất có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã giúp lực lượng Công an đấu tranh có hiệu quả hơn với loại tội phạm này.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật, Văn phòng cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội
Liên quan đến công tác đấu tranh, xử lý các vi phạm về pháo của Công an Hà Nội, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật (Văn phòng cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội).
- PV: Thời gian qua, việc xử lý các đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ gặp nhiều khó khăn vì các quy định chồng chéo. Thượng tá có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng: Thời gian qua, việc các cơ quan chức năng xử lý người vi phạm liên quan đến tội kinh doanh hàng cấm (trong đó có pháo nổ) gặp phải những vướng mắc vì theo Bộ luật Hình sự năm 2015, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm thì phải có định giá về giá trị hàng hoá từ 100 triệu đồng trở lên.
Quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn vì đã là hàng cấm đương nhiên không được kinh doanh trên thị trường và không có cơ sở để định giá. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật Hình sự 2015 được công bố, những quy định có lợi cho bị cáo được áp dụng, cho nên các vụ án về pháo nói riêng và hàng cấm nói chung đều bị “ách tắc” trong khâu xử lý.
Nguyên nhân của sự “ách tắc” này bắt nguồn bởi bất cập từ khâu xây dựng pháp luật. Do vậy khi áp dụng quy định của pháp luật vào thực tế đã xảy ra vướng mắc mà không có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Ví dụ, tháng 11-2016, Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội bắt quả tang vụ buôn bán 103,9kg pháo nổ. Khi cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam bị can để xử lý theo pháp luật nhưng Viện Kiểm sát không phê chuẩn các quyết định, lệnh nói trên vì lý do không có kết quả định giá giá trị hàng cấm bị thu giữ.
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009), Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25-12-2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, quy định người nào mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ có số lượng từ 10kg hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 tương ứng của Điều 153, Điều 154 hoặc Điều 155 BLHS.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư 2014, pháo nổ lại không bị coi là hàng cấm. Vì vậy, khi cơ quan điều tra bắt giữ đối tượng kinh doanh, sản xuất buôn bán pháo nổ để xử lý hình sự thì Viện Kiểm sát lại có quan điểm cho rằng hành vi đó không phạm tội. Do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
Ngày 7-11-2016, Đội CSGT số 15 phát hiện bắt giữ xe ô tô tải vận chuyển pháo tại tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai
- PV: Vậy để gỡ vướng cho vấn đề này thì hiện nay có luật hay văn bản nào điều chỉnh, xử lý các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo?
- Mới đây, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014 bổ sung pháo nổ vào danh mục cấm kinh doanh.
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Trước đó, TAND Tối cao cũng có văn bản số 276 ngày 13-9-2016 hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì phạm tội trong trường hợp thuộc khoản 2 trở lên thì mới được áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 là tình tiết giảm nhẹ; còn đối với hành vi phạm tội thuộc khoản 1 (khoản cấu thành cơ bản tội phạm) không được coi là tình tiết giảm nhẹ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xử lý bình thường theo Luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung 2009). Do vậy, việc không định giá trị hàng hoá không phải là tình tiết giảm nhẹ, hoặc miễn trừ trách nhiệm hình sự cho người có hành vi phạm tội.
Việc xử lý hình sự đối với các hành vi tội phạm liên quan đến pháo nổ rất cấp thiết để đảm bảo ANTT trong tình hình hiện nay. Đến nay, các vướng mắc về văn bản pháp quy đã được tháo gỡ. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phối hợp chặt chẽ để đưa các vụ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ ra xử lý trước pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong tình hình hiện nay.
- Xin cảm ơn Thượng tá!
Theo Báo ANTĐ
CATP Hà Tĩnh