Nhiều đối tượng phải ký cam kết không tuyên truyền, không tái phạm. Thế nhưng, những biện pháp đó chưa đủ mạnh để loại bỏ thứ tà giáo nguy hại ra khỏi đời sống xã hội. Vậy, thứ tà giáo đó từ đâu tới? Tác động thế nào đến cuộc sống người dân? Giải quyết thế nào trước “đại dịch” đang lan rộng này?
Khi những đứa con bị giằng khỏi gia đình
Chị tất tưởi tìm tôi, tóc búi tó, quần áo không được chăm chút, lộ rõ vẻ khắc khổ trên khuôn mặt. Chị buôn bán ở một khu chợ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng có của ăn của để. Nhưng mấy năm nay, kiếm được bao tiền bạc, chị dồn cả vào việc tìm đứa con gái giỏi giang bỏ nhà theo đám tà giáo.
Mấy trăm triệu dành để thuê người dõi theo con, giành giật nó từ tay những kẻ cuồng tín xa lạ mà giờ nó vẫn biệt tăm tích. Kể cả khi cả xã hội lên án thì cũng chẳng thấy bóng dáng nó đâu. Nó không thèm gọi điện 1 câu cho người đã mang nặng đẻ đau, nuôi nó khôn lớn.
Nuốt nước mắt vào trong, chị Nguyễn Thu T. kể lại hành trình gian nan tìm con, dù nhiều lúc cảm thấy vô vọng nhưng chị vẫn không ngừng “chiến đấu”. Cô con gái Đặng Thu L. của chị vốn học giỏi, xinh đẹp. Ngày tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, nó bảo: “Từ bây giờ con sẽ báo đáp công nuôi dạy của mẹ”. L. được nhận vào làm việc trong một công ty quốc tế, lương cao. Nhiều chàng trai ngỏ lời yêu thương nhưng L. gạt đi hết.
|
Gia đình các nạn nhân bàn cách kéo con trở về. |
Thế rồi, L. đi theo một nhóm người, bỏ bê công việc. Công ty cho nghỉ làm. Lúc đó chị T. mới tá hỏa khi biết rằng con gái đi theo một hội nhóm gọi là Hội thánh đức chúa trời. L. đi dài ngày rồi trở về và trở thành một con người hoàn toàn khác. Thay bằng gọi bố mẹ, L. gọi bố là “anh em”, gọi mẹ là “chị em”. L. bảo bố mẹ bỏ bát hương, không thờ cúng tổ tiên, không ăn đồ thờ cúng.
L. nói: “Bố mẹ không sinh ra con mà là Chúa trời sinh ra con”. L. nói, tiền không có giá trị, rằng thế giới sắp đến ngày tận thế, phải tìm cách để được giải thoát... Nghe con gái nói, vợ chồng chị sững sờ, phân tích phải trái mà nó nhất định không nghe. Rồi đột ngột, nó lại bỏ nhà đi. Chị như phát điên, lùng sục khắp nơi.
Lý trí của người mẹ đã mách bảo, dẫn đường cho chị đến nơi nó tá túc để sinh hoạt hội nhóm. Chị phải rất khó khăn mới vào được bên trong một ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên. Ngôi nhà luôn khóa cửa, biệt lập với bên ngoài. Con gái chị ở đó, nó đuổi mẹ về và kiên quyết ở lại.
Không có nỗi đau nào giống thế, con gái đứng trước mặt chị mà xa lạ, vô hồn. Chị thẫn thờ trở về trong giằng xé tâm can, bất lực. Chị cùng cậu con trai tìm hiểu xem cái đạo đấy là đạo gì mà biến con gái trở thành người như vậy. Chị gào lên với tôi trong nước mắt: “Đạo gì mà dạy người ta bỏ ông bà, bố mẹ hả em? Đạo nào mà dạy con người ta bỏ học, bỏ làm? Đạo nào mà dạy con người ta thất đức vậy em? Nó hứa với chị là nó sẽ trả ơn chị, nó trả ơn chị thế này sao?”...
Mấy trăm triệu bỏ ra theo con, cuối cùng chị cũng đưa được con gái về. Nhưng, nó vẫn lén lút liên lạc với những người trong hội nhóm. Chị canh con gái lớn như canh một đứa trẻ. L. ở nhà được 14 tháng, sau tết Nguyên đán vừa qua, chị thấy nó có biểu hiện bất thường trở lại. Lúc nào cũng thấp thỏm không yên.
Qua rằm tháng Giêng, nhân lúc vợ chồng chị sơ sểnh, nó đu dây từ ban công tầng 2 xuống đất. Bên dưới đã có người chờ sẵn, chở nó đi luôn, mang theo cả một cục tiền lớn. Chị biết thông tin cũng là từ người hàng xóm quay video lại được. Từ đó đến nay, nó biệt vô âm tín.
Tìm hiểu thêm, tôi thấy một sự thật đau lòng: Cả nghìn gia đình có chung nỗi đau giống chị. Người thân của họ đang ở đó, còn mà như mất. Người mất vợ, mất chồng, cha mẹ mất con, người yêu mất nhau, cánh cửa tương lai bỗng chốc khép lại... Tôi đã nghe tâm sự đầy bất lực của người cha có con gái mang theo cả cháu ngoại đi theo cái gọi là Hội thánh đức chúa trời. Sau ngày lễ “Vượt qua”, ngày lễ “Sabat” nó mới đưa con về. Đứa cháu ngoại của ông sợ hãi, bà giúp việc thì phẫn nộ vì cô chủ bắt con bỏ học đi dự lễ.
Tôi cũng nghe tâm sự đắng lòng của vợ chồng anh Trần Văn H. ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, khi cả hai đứa con đến tuổi trưởng thành bỗng chốc bỏ nhà theo nhóm người có giáo lý quái gở kia. Có lần 2 đứa về nhà, chúng nó lén bỏ bát hương đi. Vợ chồng chị cố níu kéo chúng, giữ chân chúng, nhưng sao giữ được những đứa con đã trưởng thành khi chúng quyết tâm rời xa.
Một cô gái tên Q., quê ở Phú Thọ gọi điện cho tôi khi tối muộn, giọng đầy lo lắng: “Em trai em vừa về nhà được mấy ngày, hôm nay người của hội nó đến “đòi người”, bắt bố mẹ em phải thả em trai em ra. Nó đang ở nhà mình mà cái hội của nó lại đến đòi người là sao?”. Câu hỏi cũng không cần lời giải, bởi cô đã hiểu rất rõ em trai mình đang có việc làm ổn định, rồi bị lôi kéo vào Hội thánh đức chúa trời và đã lún sâu. Có lúc nó muốn bỏ chạy nhưng rồi vẫn bị nhóm người kia kéo lại.
|
Hình ảnh một buổi truyền đạo của Hội thánh Đức Chúa trời ở nước ngoài. |
Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với những người đã từng theo Hội thánh đức chúa trời và quay trở về cuộc đời thực khi nhận ra chân tướng của nó. Sự mâu thuẫn trong giáo lý và cách thu tiền 10% thu nhập của các tín đồ cho thấy hành vi thu nạp tín đồ, tạo cho họ một đức tin để trục lợi, dù không có một sự ép buộc nào về tài chính. Khắp các vùng miền trên cả nước, từ miền núi cho đến hải đảo, từ Hà Giang cho đến Phú Quốc đều có sự xuất hiện của tà đạo Hội thánh đức chúa trời. Vậy, tổ chức này có nguồn gốc từ đâu, cách thức lôi kéo như thế nào?
“Đức Chúa trời” là ai?
Theo luận điệu của cái gọi là Hội thánh đức chúa trời (còn gọi là Đức chúa trời mẹ) thì Đức chúa trời là số nhiều. Tổ chức này có nguồn gốc từ Hàn Quốc, do một người đàn ông là An Xang Hồng thành lập. Người này tự xưng là Đức chúa trời cha, tái sinh dưới hình hài người Hàn Quốc, rằng con người là thiên sứ phạm tội ở trên trời bị đày xuống “nhà tù trái đất” rằng kiếp trước của con người là thiên sứ nên dù ở “nhà tù trái đất” là cha con, vợ chồng thì cũng chỉ là anh em, chị em trên “nước thiên đàng”, rằng ngày tận thế sắp đến gần lắm rồi, phải tranh thủ truyền đạo để còn được đủ điểm cứu cha mẹ... Tổ chức này đã vươn “vòi bạch tuộc” đi nhiều nước trên thế giới.
Năm 1985 An Xang Hồng mất, để lại quyền lãnh đạo giáo hội cho vợ (Jang Gil-jal) nên từ đó tổ chức này có thêm tên gọi là “Đức chúa trời mẹ”. Vì sao các đối tượng trong tổ chức này lại dễ dàng làm lung lạc đức tin, hướng họ đến một đức tin sai lệch như vậy?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổ chức này thường tìm đến những người dân hiền lành, dễ tin, có hoàn cảnh gia đình éo le hoặc tâm lý tình cảm đang có vấn đề để tác động, lôi kéo. Họ dùng các bài giảng về sự chết chóc, lợi dụng các sự kiện, sự cố, thiên tai trong nước và trên thế giới để rao giảng về ngày tận thế. Họ đưa ra các video quay cận mặt người chết trong các vụ tai nạn, cháy, đặc biệt là cháy chùa, nhà thờ... khiến “con mồi” sợ hãi, tin rằng đến chùa, nhà thờ cũng không an toàn.
Sau khi “con mồi” ngấm, họ sẽ giở những bài tiếp theo, lợi dụng kinh thánh, cắt ghép kinh thánh để giảng giải theo hướng của họ. Họ giao giảng về Đức chúa trời cha, Đức chúa trời mẹ, về ngày tận thế... con người cần phải được giải thoát. Họ cách ly tín đồ với gia đình để dễ bề tác động.
Nguy hại hơn, đối tượng mà hội nhóm này đặc biệt quan tâm lôi kéo chính là sinh viên trong các trường đại học. Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã có sinh viên tham gia tổ chức tà đạo này khiến nhiều sinh viên bỏ học, tự tay khép cánh cửa tương lai của mình.
Những người đến nghe giảng đạo phải nộp mỗi ca 50.000 đồng. Khi đã trở thành tín đồ, có đức tin mù quáng thì các tín đồ sẽ tự nguyện nộp 10% thu nhập chứ không cần phải có sự ép buộc nào. Cuối năm, khi không có chuyện gì xảy ra thì họ truyền nhau rằng cha mẹ (Đức chúa trời) làm phúc, trì hoãn tận thế để tìm thêm anh chị em thất lạc (tức là chiêu mộ thêm nhiều tín đồ). Nạn nhân cứ chạy theo một vòng luẩn quẩn như thế mà không gỡ mình ra được. Thật nực cười khi ngày tận thế được hội này “gia hạn”, hết năm 1988, 1998 rồi lại 2012. Tiền nộp cho hội được để trong một phong bì in sẵn: “Cha mẹ yêu anh em rất nhiều”.
Theo lý giải của các trưởng nhóm (được gọi là chấp sự), số tiền này sẽ được chuyển sang Hàn Quốc để sau này lên “nước thiên đàng” dùng, đó mới là tiền có giá trị thật. Thế nhưng, trên thực tế, các tín đồ chỉ biết nộp tiền mà không biết số tiền đó được sử dụng như thế nào.
Hoạt động của hội nhóm này với tên gọi là Hội thánh đức chúa trời đã gây hiểu lầm với các đạo chính thống đã được pháp luật công nhận. Bởi thế mà đại diện Hội thánh Tin Lành ở Hà Nội đã phải lên tiếng để dư luận tránh hiểu lầm. Đại diện Tổng hội Hội thánh Tin lành miền Bắc cũng khẳng định nhóm người này đưa ra một số giáo lý gần giống giáo lý Tin lành khiến nhiều người nhầm lẫn đây là một điểm nhóm Tin lành chính thống.
Chính thứ tà đạo này cũng đã làm điêu đứng bao gia đình tại Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Năm 2016, Đài Truyền hình quốc gia Mỹ đã điều tra và cảnh báo hoạt động của tà đạo này. Ở nhiều nước, giới truyền thông đã lên tiếng chỉ trích, phê phán hoạt động của tà đạo Hội thánh đức chúa trời.
Nhiều địa phương xử lý tụ điểm tuyên truyền trái pháp luật
Những năm trước, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình là những địa phương đi đầu cảnh báo hoạt động của hội nhóm này khi nó ảnh hưởng đến đạo đức, văn hóa của người Việt Nam. Năm 2018, Hải Phòng là địa phương đầu tiên xử lý các đối tượng tụ tập đông người, truyền đạo trái phép.
Tháng 3-2018, Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) phát hiện Trần Văn Hùng (33 tuổi, ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) rao giảng giáo lý trái phép, yêu cầu mọi người đóng góp kinh phí để hoạt động. Ngày 27-3 Công an huyện Thủy Nguyên phát hiện Trần Hữu Nghị cùng Nguyễn Văn Hiếu tuyên truyền đạo trái phép tại xã Lập Lễ. Ngày 21-4, Công an huyện Thủy Nguyên xử lý đối tượng Nguyễn Hoàng Trung và thu nhiều lọ đựng nước thánh... Các đối tượng này đều đã bị xử lý hành chính và cam kết không tái phạm nhưng sau đó vẫn lén lút hoạt động.
|
Đối tượng Nguyễn Hoàng Trung và lọ đựng “nước thánh”. |
Trong tháng 4-2018, nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt xử lý các điểm nhóm (Sion) của tà đạo này. Tại Thanh Hóa, ngày 27-4, Công an huyện Ngọc Lặc đã phát hiện 8 đối tượng đang tổ chức sinh hoạt Hội thánh đức chúa trời, yêu cầu cam kết không tái phạm.
GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo (Ủy ban MTTQ Việt Nam) cho rằng, đây là một dạng thức biến tướng của phong trào tôn giáo mới, khi nó ảnh hưởng đến đạo đức xã hội thì cần phải ngăn chặn. Ở các nước châu Âu, kể cả đạo chính thống, khi ảnh hưởng đến đạo đức, xã hội thì họ cũng cấm, rồi sau có điều chỉnh lại. Ông cũng cho biết, tại Hàn Quốc, Hội thánh đức chúa trời cũng đang bị lên án mạnh mẽ.
Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội, xâm phạm tính mạng, tài sản, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Ông Thắng cảnh báo người dân không đánh đồng hoạt động tiêu cực của nhóm này với các tôn giáo khác. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã đưa cảnh báo tới các trường đại học để sinh viên cảnh giác phòng ngừa.
Các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng với cách xử lý các đối tượng cầm đầu. Hiện một số địa phương mới xử lý ở mức độ xóa tụ điểm, răn đe đối tượng, yêu cầu cam kết không tái phạm. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu làm rõ việc những người theo “Hội thánh đức chúa Trời” buộc phải nộp cho hội một số tiền bằng 10% thu nhập thì tức là họ đã vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, có thể xử lý hình sự theo Điều 331, Bộ Luật Hình sự 2015, Tội “lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ngày 30-4 chúng tôi nhận được thông tin một số nạn nhân đã liên hệ lại với gia đình và hứa hẹn sẽ trở về. Mong rằng các cơ quan chức năng tích cực giải quyết, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật để răn đe, phòng ngừa hậu quả xấu. Thứ tà đạo hoạt động theo kiểu đa cấp, vươn “vòi bạch tuộc” đi khắp nơi cần được ngăn chặn và loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội