Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Đâm xe ôtô vào xe máy của bọn cướp, không phạm tội “cố ý gây thương tích”

12 giờ 20’ trưa ngày 25-12-2013, anh Nguyễn Chí Trung lái xe ôtô đang dừng đèn đỏ tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ hướng về Sân bay Tây Sân Nhất thì bị 2 thanh niên đi xe Attila áp sát và bất ngờ dùng tay chụp kính chiếu hậu bên trái, chỉ trong tích tắc vỏ kính chiếu hậu và mặt kính đã nằm gọn trong tay kẻ cướp, 2 thanh niên phóng xe vượt ngã tư hướng về đường Hoàng Văn Thụ vào Sân bay Tây Sân Nhất, sau vài giây anh Nguyễn Chí Trung nhấn ga cho xe vọt lên, khoảng 300m xe ôtô đã chạy ngay sau xe đối tượng. Anh Trung đã áp sát xe của đối tượng hạ kính xe hô “cướp cướp...”.

ảnh 1 Ảnh: Ô tô Sài Gòn
Nội dung vụ án Thấy anh Trung hô to, tên cướp định vọt xe chạy trốn, nhưng nhanh hơn, anh Trung đã nhấn ga húc vào xe đối tượng từ phía sau khiến 2 tên cướp ngã nhào xuống đường còn xe thì trượt 1 đoạn dài khoảng 15m tới ngay trước cửa Sân vận động Quân Khu 7 (nhà hàng Vườn Phố 2). Sau khi ôtô đâm vào xe cướp, mặc dù xe đã dừng nhưng anh Trung cũng chưa dám xuống xe mà vẫn ở trong ôtô hô to để nhờ mọi người hỗ trợ bắt 2 tên cướp. Sau khi ngã xuống đường 2 tên cướp nhanh chóng đứng dậy, bỏ xe băng qua bên đường, vào công viên Hoàng Văn Thụ bỏ trốn, bỏ lại chiếc xe máy gần như không hư hỏng gì. Ngay sau đó Công an phường đến giải quyết, di lý chiếc xe là tang vật vụ án về trụ sở Công an phường... Trị giá gương chiếu hậu bị mất được Trung tâm ủy quyền Mercedes tại TP.HCM thông báo khoảng 30 triệu đồng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhất là khi clip gặp cướp và đâm xe vào cướp được đưa lên Internet đã có rất nhiều ý kiến bình luận về tính pháp lý của tình huống anh Trung đâm xe ôtô vào bọn cướp. Liệu anh Trung có vi phạm Bộ luật Hình sự khi cố tình đâm xe vào xe máy của bọn cướp theo Điều 104 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác? Chúng ta cùng phân tích. Ý kiến bạn đọc
 
Hành vi của anh Trung là sai pháp luật, người dân không nên làm theo Trong câu chuyện này có 2 hành vi, hành vi thứ nhất là hành vi cướp giật chiếc gương chiếu hậu. Đây là hành vi cướp giật đã rõ, còn hành vi của anh Trung là đuổi theo tên cướp và đâm xe ôtô vào 2 thanh niên này. Có người nói, hành vi của anh Trung là để chống lại một hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi cướp giật của 2 thanh niên kia đã hoàn thành, thế nên người tài xế không thể cho rằng việc chủ ý tông vào bọn cướp là chống lại hành vi trái pháp luật của bọn cướp. Việc cố ý lái ôtô tông vào người khác như vậy có thể phạm vào Tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS, thậm chí là Giết người theo Điều 93 BLHS. Cũng may trong sự việc này hậu quả là chưa xảy ra và có thể thông cảm cho tài xế hành động trong trạng thái tinh thần bị kích động, phẫn nộ trước hành vi phạm tội của bọn cướp nên trách nhiệm của lái xe không bị xem xét.
Ông Nguyễn Văn H, Thẩm phán Tòa án nhân dân TP. HCM
Rất khó để kết tội anh Trung
Chủ xe bị cướp gương chiếu hậu là người bị hại. Hành vi tông xe vào kẻ cướp phải được cơ quan tố tụng linh hoạt xem xét là nỗ lực bảo vệ tài sản, là trạng thái tinh thần bị kích động trước hành vi cướp. Đối với cướp thì phải triệt để mới có thể dẹp được. Ngay cả khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng cũng cần xem xét nhiều yếu tố như tốc độ xe ôtô, tang vật có còn nằm trong tay 2 tên cướp không, anh Trung có cố tình đâm chết hai tên cướp không? Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi thì không nên xử lý hình sự với chủ xe. Bởi lẽ, hiện nay Nhà nước đang khuyến khích toàn dân phòng chống tội phạm. Các đối tượng trộm, cướp đang phát sinh rất nhiều trong đời sống, đe dọa sự bình yên của xã hội.
Ông Trần Ly Tao, (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)
Hành vi ngăn cản tội phạm là cần thiết, nhưng… Tuy hành vi 2 kẻ bẻ gương xe là trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và dù hành vi ngăn cản tội phạm là cần thiết, nhưng nếu hành vi chống trả, ngăn cản tội phạm vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và để lại hậu quả thì căn cứ vào hậu quả của hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” người chống trả vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 106 (BLHS): Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với nội dung: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Công ty luật Đại Phúc
Bắt cướp là phản ứng của bất kỳ người nào bị cướp
Tôi cho rằng hành vi của lái xe là hành vi ngăn cản và đuổi bắt bọn cướp. Diễn biến tâm lý của người bị cướp bao giờ cũng là phản ứng hô cướp và đuổi theo các đối tượng cướp  để bắt cướp lấy lại tài sản dù có thể không có khả năng đuổi theo bọn cướp. Trong trường hợp này, lái xe cũng không ngoại lệ. Sau khi phát hiện bị bẻ gương, phản ứng của lái xe đuổi theo cướp là phản ứng tất nhiên. Hơn nữa khi đâm xe vào bọn cướp, có lẽ mục đích của lái xe chỉ là để ngăn chặn khả năng chạy thoát của bọn cướp để hô hoán người dân bắt giữ chứ người lái xe cũng chưa nghĩ được đến việc đâm xe để gây thương tích cho bọn cướp. Khi lao xe vào các đối tượng thì xe của bị hại chắc chắn sẽ thiệt hại nhiều hơn, và cũng có thể tính mạng của lái xe cũng nguy hiểm hơn. Song đó là diễn biến tâm lý hết sức bình thường, thực tế trong cuộc sống, chúng ta đã có trường hợp phụ nữ đi xe máy bị cướp đã lao đuổi theo và thiệt mạng. Trong trường hợp này, tôi cho rằng khi xem xét hành vi của lái xe các cơ quan pháp luật cần cân nhắc đến diễn biến tâm lý này để xác định tội danh.  Không những thế trước tình trạng cướp giật đang diễn ra hết sức manh động và nguy hiểm hiện nay, khi xảy ra các vụ cướp giật trên đường phố, rất ít khi người đi đường lao ra truy đuổi và bắt cướp. Điều này cũng dẫn đến suy nghĩ của người bị hại là không có cách nào khác là tự mình truy bắt cướp. Vì vậy có thể khẳng định hành vi của lái xe không phải là hành vi cố ý gây thương tích.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Cấn Hữu - Quốc Oai - TP Hà Nội
Bình luận của luật sư Ở đây vấn đề cần tranh luận là anh Trung, đâm xe ôtô của mình vào 2 tên cướp có phạm tội hay không? Trên thực tế, 2 tên cướp không bị thương tích và đã bỏ trốn thành công, để lại một xe máy, tạo cơ hội cho cơ quan điều tra bắt giữ tội phạm. Với thực tế này, anh Trung không bị xem xét về mặt hình sự. Tuy nhiên vấn đề cần tranh luận là nếu hành vi của anh Trung gây thương tích cho 2 tên cướp vượt quá tỷ lệ thương tật 11% hoặc 1 tên bị chết, anh Trung có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Và nếu có thì theo tội danh nào quy định trong BLHS? Để tranh luận, theo đúng tình tiết đã được nói ở trên chúng ta phải khẳng định: Anh Trung cố ý đâm xe ôtô của mình vào xe bọn cướp. Anh Trung không có ý định đâm xe gây thương tích nặng hoặc gây chết bọn cướp. Vừa đâm xe, anh Trung vừa hô to, kêu gọi mọi người xung quanh hỗ trợ bắt cướp. Những tên cướp vừa giật gương chiếu hậu xe ôtô của anh Trung và tang vật vẫn nằm trong tay chúng. Việc anh Trung đâm ôtô vào đuôi xe của bọn cướp nhằm vô hiệu sự chạy trốn của chúng cũng là điều hợp lý, có thể chấp nhận được. Với hành vi chỉ đâm vào đuôi xe và không phóng xe tiếp tục đâm vào bọn cướp đang ngã chứng tỏ anh Trung không có ý định gây thương tích nghiêm trọng hoặc giết 2 tên cướp. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác trên cơ thể. Người phạm tội dùng hung khí nguy hiểm như súng, dao găm, gạch ngói, gậy gộc… hoặc có những tính chất khác. Mục đích của người phạm tội là gây thương tích cho người khác và mong muốn hậu quả xảy ra và người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Một đặc điểm đáng chú ý là: Hành vi cố ý gây thương tích có thể dẫn đến hậu quả chết người thì đây vẫn là tội cố ý gây thương tích và hậu quả chết người chỉ là điều không mong muốn và là lỗi vô ý. Đây chính là điểm khác với tội giết người, vì tội giết người là mục đích muốn giết người và mong muốn hậu quả người đó phải chết. Với hành vi không cố ý gây thương tích nghiêm trọng hoặc gây chết người chứng tỏ anh Trung không phạm tội theo Điều 104 BLHS. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 BLHS, các văn bản quy phạm pháp luật quy định hành vi phòng vệ chính đáng không bị coi là tội phạm khi nạn nhân đang có hành vi xâm phạm là hành vi đã bắt đầu và chưa kết thúc, nạn nhân phải có hành vi gây nguy hiểm cho người khác, với mức độ đáng kể. Trong trường hợp này, những tên cướp giật đã và đang gây ra nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhiều trường hợp đã gây thương tích, thậm chí là chết người bị cướp giật. Khi xảy ra vụ việc, hai tên cướp vừa giật đồ của anh Trung, chưa đi khỏi khu vực và tang vật vẫn đang nằm trong tay bọn cướp. Không thể nói hành vi cướp giật đã hoàn thành. Vì vậy hành vi đuổi theo và đâm xe ôtô vào xe bọn cướp là để bắt giữ chúng và thu hồi tài sản là hành vi phòng vệ chính đáng. Việc anh Trung đâm ôtô vào đuôi xe của bọn cướp nhằm vô hiệu sự chạy trốn của chúng cũng là điều hợp lý, có thể chấp nhận được. Hơn nữa, Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bất cứ người nào cũng có quyền bắt, giải ngay người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt hoặc người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt... Như vậy, trường hợp bẻ kính ôtô là hành vi phạm pháp quả tang và tài xế ôtô hoàn toàn có thể đuổi bắt bằng nhiều phương tiện có thể. Việc dùng ôtô đuổi theo của tài xế trên là phù hợp bởi không lẽ bỏ xe chạy bộ đuổi theo. Hành vi trên là bắt người phạm tội quả tang nên không thể xem là phạm tội. Nếu có gây thương tích cũng là chuyện khó tránh, không thể dựa vào đó nói tài xế ôtô phạm tội. Tóm lại anh Nguyễn Chí Trung không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong hành vi cụ thể này. Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

CATP Hà Tĩnh