Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Đăng tin giả người ăn xin “mặt đen”, like ảo nhưng phạt thật

Nhiều ngày trở lại đây, trên mạng xã hội xôn xao về hình ảnh một người ăn xin “mặt đen” với bộ trang phục kì lạ đen từ đầu đến chân, tay cầm đầu gà và xúc xích, xuất hiện tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) để xin tiền.Hình ảnh người đàn ông này khiến nhiều người lo sợ vì không rõ người này hóa trang với mục đích gì. Thêm vào đó, nhiều người dùng Facebook còn “thêm dầu vào lửa” khi liên tục thêu dệt nên những chuyện không đúng sự thật.

Người đàn ông kỳ lạ Từ những ngày đầu tháng 12, mạng xã hội lan truyền hình ảnh của một người ăn xin bôi mặt đen cùng bộ trang phục kì lạ đen từ đầu đến chân, tay cầm xúc xích, đầu gà đi xin tiền của người dân. Nơi người đàn ông này xuất hiện được xác định là ở tại một số nơi đông người, trường học ở khu vực Hà Đông. Khi xuất hiện ở khu vực các cổng trường học, người này trên tay thường cầm theo một chiếc đĩa, trong đó là chiếc xúc xích, mời mọi người - trong đó có cả học sinh ăn. Thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, nhiều phụ huynh đã chụp ảnh và đăng lên mạng, gây nên những thông tin “sóng gió” như thời gian qua.

Người ăn xin mặt đen xuất hiện tại Hà Đông.
Một số nhân chứng từng đối diện người đàn ông mặt đen tại khu vực gần trường tiểu học Nguyễn Du (Văn Quán, Hà Đông) cho biết, họ đã gặp người này qua lại khu vực này từ ngày 2-12. Những người này cho biết, qua biểu hiện của người ăn xin “mặt đen”, có vẻ giống một người bị tâm thần hơn là ăn xin. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định vì khi xuất hiện, người đàn ông này không nói câu gì. Ngoài ra, người đàn ông này còn được ghi nhận đã xuất hiện tại khu vực Trường THCS Văn Yên (Hà Đông). Một số học sinh đối diện với người đàn ông này thì tỏ ra sợ hãi bởi chưa bao giờ thấy một người đàn ông kỳ lạ như vậy. Theo chị Nguyễn Hồng Hiển, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Bưởi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đối tượng ăn xin này có thái độ rất đáng sợ, bất chấp không cần biết chủ nhà có đồng ý cho tiền hay không vẫn xông vào nhà. Đứng ở bên trong, chồng chị Hiển nhất quyết không cho đối tượng này vào nhà, đồng thời phòng bị chiếc gậy trên tay. Hù dọa được một lúc thì người ăn xin “mặt đen” này bỏ đi. Chủ cửa hàng điện thoại này cho rằng, thấy người đàn ông ăn xin này có hành động bất thường nên đã quyết định đăng tải video lên mạng xã hội để cảnh báo với người dân và các cửa hàng kinh doanh khác. Cũng theo chị Hiển, video đăng tải cách đây nhiều tháng và cũng nhận được nhiều lời phản ánh từ bạn bè, đồng nghiệp là người ăn xin này từng đến xin tiền khiến không ít người hoảng sợ.
Thông tin ảo được đăng tải trên mạng.
Sau khi nhận được thông tin về sự xuất hiện của người đàn ông quái dị, Công an phường Phúc La cũng đã cho cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn để xác minh. Tuy nhiên, dù thông tin gây xôn xao mạng xã hội nhưng phường chưa nhận được đơn trình báo của người dân về sự việc này. Lợi dụng "câu" like Ngay sau khi ăn xin “mặt đen” thu hút dư luận trên cộng đồng mạng, nhiều người đã sử dụng hình ảnh người dân đăng tải để đăng lại, cùng bình luận cho rằng người này đã xuất hiện tại địa phương của mình với mục đích để… “câu” like. Việc này đã gây ra một hồi hoang mang bởi người ăn xin “mặt đen” bỗng dưng xuất hiện cùng lúc ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Tuyên Quang, Hà Giang, Hải Dương, Cà Mau… Với tần suất xuất hiện tại nhiều nơi như vậy, nhiều người lo ngại rằng đây là một nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên hóa trang kì dị đi ăn xin ở nhiều tỉnh thành. Thậm chí, một cô gái tại Cà Mau là Nguyễn Thị Hường đã đăng tải trên Facebook mình dòng trạng thái “Cảnh báo đã xuất hiện tại phường 4, TP Cà Mau. Cảnh giác mọi người ơi, tới Cà Mau rồi đó”. Người này còn cho biết, đây là một nhóm ăn xin chuyên bắt cóc trẻ con. Bài viết thu hút hơn 3.000 lượt chia sẻ và hàng trăm lượt bình luận, gây hoang mang trong dư luận tại địa phương. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) mời Nguyễn Thị Hường lên làm việc. Tại cơ quan Công an, Hường khai nhận do thiếu hiểu biết trong việc chọn lọc thông tin khi tham gia mạng xã hội Facebook nên đăng bài viết. Công an huyện Ngọc Hiển buộc Nguyễn Thị Hường viết cam kết không tái phạm và tháo gỡ bài viết sai sự thật đã đăng tải. Đơn vị này cũng cho biết, qua rà soát, người đàn ông kỳ dị trên chưa từng xuất hiện tại địa phương này. Vì vậy, thông tin người đàn ông này xuất hiện ở Cà Mau và bắt cóc trẻ em là không chính xác. Chưa dừng ở đó, nhiều bạn trẻ ở các tỉnh thành còn tự mình hóa trang thành ăn xin “mặt đen”, nhờ bạn bè chụp ảnh lại rồi đăng tải hình ảnh, bình luận để thu hút sự chú ý của mọi người. Điển hình là vào ngày 5-12, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người ăn xin “mặt đen”, tay cầm đầu gà đứng trước cổng Trường Mầm non Hồng Lạc (xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương) khiến dư luận xã hội tại địa phương này tỏ ra vô cùng lo lắng. Ngay sau khi nắm thông tin, Công an huyện Thanh Hà đã vào cuộc xác minh làm rõ thì xác định người tung hình ảnh lên mạng xã hội là đối tượng Đặng Như Chiến (19 tuổi, trú tại thôn Đoài, xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương). Tại cơ quan Công an, Chiến khai nhận đã xúi giục nam thanh niên tên Xuân (17 tuổi ở cùng xã Hồng Lạc) đóng giả ăn xin “mặt đen” đứng trước cổng Trường Mầm non Hồng Lạc. Chiến chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội bằng tài khoản cá nhân có tên “Bin Bảnh” chỉ với mục đích có được nhiều người chú ý, nhiều like. Chỉ ngay sau đó một ngày, Công an Tiền Giang đã xác minh xử lý một đối tượng khác đăng tin “ảo” liên quan đến ăn xin “mặt đen” xuất hiện tại địa bàn huyện Châu Thành (Tiền Giang) là Lâm Minh Thanh (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành).
Những dòng trạng thái gây hoang mang của cô gái Cà Mau.
Tại cơ quan Công an, Thanh khẳng định không gặp người được mô tả trong bài viết và thừa nhận hành vi đăng tải nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận xã hội với mục đích thu hút lượt xem, tương tác trên trang Facebook cá nhân. Hiện Thanh đã gỡ bỏ bài viết trên xuống. Công an tỉnh Tiền Giang cũng khẳng định trên địa bàn không có sự hiện nhóm đối tượng “Quạ đen” như thông tin Thanh đăng tải, đây là thông tin sai sự thật. Với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của Thanh, cơ quan chức Tiền Giang đang cũng cố hồ sơ xử lý Thanh theo Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (đối với cá nhân). Chỉ với một sự kiện xuất hiện thu hút dư luận tại Hà Nội đã “lan” ra nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đây là một trong những hệ lụy của việc phát triển công nghệ thông tin và “căn bệnh” muốn gây sự chú ý của nhiều người tham gia mạng xã hội hiện nay. Những người tung tin dù biết chắc thông tin không có thật nhưng vẫn muốn đăng tải. Tuy nhiên, họ không biết, hành động đó đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và có nguy cơ phải chịu hình phạt từ pháp luật tùy theo mức độ ảnh hưởng.
Đại tá Vương Tiến Dũng, Trưởng Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đơn vị có nhận được tin báo của người dân về việc có đối tượng bôi mặt đen, mặc đồ đen, tay cầm đầu gà, xúc xích đi xin tiền xuất hiện trên địa bàn phường Phúc La, quận Hà Đông. Ngay sau khi nhận được thông tin này, cơ quan Công an đã đến xác minh và bước đầu xác định, có người như vậy đã từng hoạt động trên địa bàn. “Đối tượng như người dân và cộng đồng mạng phản ánh đã vào nhà dân và một quầy thuốc trên địa bàn xin tiền. Nhưng do người này không trộm cắp, không đánh ai... nên không thể bắt họ được. Tuy nhiên, cơ quan Công an cũng đang tiến hành theo dõi và cảnh giác với những người bôi đen mặt, mặc đồ đen, cầm đầu gà đi xin tiền này”, Đại tá Vương Tiến Dũng nói.

Trâm Hiền/ Theo Báo CAND

 

CATP Hà Tĩnh