Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Đấu tranh với tin giả, tin đồn thất thiệt trong đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. T rong khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh thì trên internet, mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt, giả mạo gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Công an huyện Hương Sơn vừa ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với Ngô Xuân Đình (SN 1992, quê ở xã Hòa Hải, Hương Khê, Hà Tĩnh) do đăng thông tin sai sự thật trong khu cách ly Cổng B – Cầu Treo (Hương Sơn).

Tin giả, tin đồn thất thiệt là những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không có thật; chưa được lý giải, kiểm chứng về một sự kiện, hiện tượng, tình huống, hay vấn đề mà dư luận quan tâm. Xét về bản chất, những thông tin giả, tin đồn thất thiệt mang ý nghĩa tiêu cực, thường được sử dụng nhằm mục đích xấu, gây rối, chống phá, đi ngược lại quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và lợi ích của Nhân dân.

Sử dụng các thông tin giả, xuyên tạc, bịa đặt để chống phá Đảng, Nhà nước là một chiêu thức không mới của các thế lực thù địch. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các đối tượng đã thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của người tiếp nhận, gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của Nhân dân đối với Đảng, gây bất ổn xã hội.

Hoạt động chống phá của các đối tượng diễn ra thường xuyên, liên tục, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội nước ta, đặc biệt là những thời điểm nhạy cảm, khó khăn của đất nước như cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay.

Các thông tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trước đại dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng bản là một pháo đài”, cả hệ thống chính trị và người dân chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Đến thời điểm này, những biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, được thế giới đánh giá cao, được Nhân dân tin tưởng hưởng ứng.

Thế nhưng, trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội vẫn xuất hiện những thông tin bịa đặt, những giọng điệu lạc lõng như: Chính phủ Việt Nam giấu dịch; cách ly tập trung là vi phạm nhân quyền; xuyên tạc lời kêu gọi đóng góp ủng hộ công công tác phòng chống dịch của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; dựng chuyện, quy chụp, bóp méo nhằm phủ nhận những thành tựu trong công tác phòng chống dịch của nước ta…

Điều đáng nói là bên cạnh các thế lực thù địch, trong và ngoài nước đang lợi dụng dịch Covid-19, tích cực hoạt động chống phá thì một bộ phận không nhỏ góp phần tạo ra và lan truyền những thông tin bịa đặt, đó là những cá nhân thích được nổi tiếng, được chú ý. Họ bịa đặt ra các thông tin về dịch bệnh chỉ để thỏa mãn nhu cầu, để “câu view”, “câu like” mà không lường hết hậu quả gây ra.

Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng công an triệu tập, xử lý 1 giáo viên ở Hương Sơn đưa thông tin sai lệch về tổ chức Đảng và dịch bệnh Covid-19 lên mạng xã hội.

Cũng có những người do thiếu hiểu biết, nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí bị lợi dụng, nhẹ dạ cả tin, thiếu bản lĩnh, mất cảnh giác, hoặc vì lý do nào đó mà vô tình hay cố ý tán phát, lan truyền thông tin giả lên mạng xã hội gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Những thông tin giả, bịa đặt liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay là rất đáng lên án, bởi nó gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của Đảng, Chính phủ và các địa phương.

Xử lý nghiêm những người vi phạm

Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều người nhận thức sai lầm, cho rằng mạng xã hội là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm, những điều mình nói. Đó là những nhận thức không đúng. Nên nhớ, ở bất cứ quốc gia nào, mọi cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ khuôn khổ luật pháp, không thể có sự tự do quá trớn, vô chính phủ.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, hành vi tung tin sai sự thật là điều rất khó chấp nhận, phải xử lý nghiêm.

Luật An ninh mạng quy định rất rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng gồm: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Bên cạnh Luật An ninh mạng, các luật, nghị định hiện hành của Việt Nam đã có những chế tài nghiêm khắc. Theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 - Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. Tại Điều 122, Bộ luật Hình sự quy định, người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Thực hiện các quy định của pháp luật, trong những ngày vừa qua, hàng loạt cá nhân, trong đó có cả các nghệ sĩ, ca sĩ đã bị xử lý về hành vi tán phát, phát ngôn không đúng, xuyên tạc về dịch Covid-19. Đến nay, trên cả nước, các cơ quan chức năng đã làm việc với hơn 675 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.

Riêng trên địa bàn Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã làm việc với 45 trường hợp vi phạm trong đó xử phạt 13 trường hợp với số tiền là 87,5 triệu đồng.

Nâng cao nhận thức, khả năng “đề kháng”

Nâng cao nhận thức, khả năng “tự miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân là nội dung quan trọng trong đấu tranh phòng chống thông tin giả, tin đồn thất thiệt.

Mỗi người dân cần nâng cao khả năng “tự miễn dịch” với tin giả

Để làm tốt điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân. Trước hết, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng, bình tĩnh, cảnh giác khi tiếp nhận thông tin, tránh vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lan truyền những tin giả, thông tin bịa đặt trên không gian mạng. Tăng cường chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhất là những việc làm, hành động đẹp trong phòng chống dịch bệnh, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Thứ hai, đa dạng hóa nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Chủ động, kịp thời cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin chính thống về diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng chống và kết quả đạt được để cán bộ, đảng viên và mọi người dân có cơ sở phân biệt và nhận diện rõ những thông tin giả mạo, tin đồn thất thiệt ngăn chặn tác động tiêu cực của nó trong cộng đồng. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở; tận dụng tốt những tiện ích của internet, mạng xã hội để kết nối thông tin đến mọi người dân, đảm bảo thông tin chính thống giữ vững vai trò chủ đạo, định hướng dư luận.

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là kỹ năng sử dụng mạng xã hội, làm cho mọi người dân có thể tự thẩm định, đánh giá các thông tin; nhận diện, phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin độc hại, tăng cường khả năng “đề kháng” trước những thông tin tiêu cực, xuyên tạc, bịa đặt, đồng thời tích cực đấu tranh phản bác các thông tin đó.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Thực hiện các biện pháp cụ thể để quản lý, giám sát, xử lý triệt để thông tin giả, tin đồn thất thiệt. Phối hợp tốt với các nhà cung cấp thông tin, dịch vụ nước ngoài để ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ năm, chủ động, kịp thời đấu tranh, phản bác những bài viết có nội dung vu khống, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc sự thật, nhất là trên không gian mạng. Xử lý nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân đăng tải, phát tán những thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những phần tử cơ hội, mất mãn chính trị lợi dụng tình hình dịch bệnh đưa ra thông tin giả, tin đồn thất thiệt gây hoang mạng dư luận, ảnh hướng tới sự nghiệp chung của đất nước.

Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Văn Báu khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ kiên quyết xử lý triệt để đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19

Những kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam là lời đáp trả rõ ràng, hiệu lực nhất cho những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Làm cho những giọng điệu bịa đặt, vu khống của các đối tượng chống đối trở nên lạc lõng hơn bao giờ hết. Việc xử lý nghiêm đối với những cá nhân coi thường kỷ cương, phép nước, tán phát thông tin sai sự thật về tình hình dịch bện trên không gian mạng trong thời gian qua là lời cảnh tỉnh cần thiết và kịp thời.

Nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin giả mạo, bịa đặt là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, đưa nước ta vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách này.

CATP Hà Tĩnh