Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Đầu tư tiền tỷ nhưng không biết tên công ty

Thời gian qua, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ở nhiều nơi với các chiêu thức tinh vi, làm cho không ít người không những mất số tiền lớn, mà còn lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Cũng có trường hợp bị lôi kéo tham gia vào các kênh đầu tư trên mạng với số tiền hàng tỷ đồng nhưng không biết tên công ty là gì.

Mất tiền và nợ nần vì đầu tư trên mạng

Đó là trường hợp chị Thanh Thủy (47 tuổi, ở tỉnh Nghệ An). Chị Thủy cho biết, chị phải bán nhà cửa đất đai để trả nợ nhưng vẫn chưa đủ. Việc vay vốn để đầu tư kinh doanh có khi thất bại và nợ nần xảy ra đối với không ít người. Nhưng có một khoản nợ mà chị Thủy “đau” nhất đó là đầu tư vào một công ty tài chính dạng đa cấp mà không biết tên công ty đó là gì.

Theo chị Thủy, vào năm 2020, người quen mời chị cùng nhiều người khác đến văn phòng ở số 128 Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh, tỉnh Nghệ An (trụ sở công ty này tại TP Hồ Chí Minh) để nghe về dự án đầu tư của người tên là L.C. Tại đây, những “nhà đầu tư tương lai” được xem clip về L.C, thông tin cho biết người này là nhà kinh tế học, là giảng viên, người viết sách…

Người đầu tư chuyển tiền Việt Nam đồng nhưng được quy đổi thành “đô”. Đô ở đây không phải đô la Mỹ, mà đô gì thì người đầu tư không biết, nhưng 1 nghìn đô này bằng gần 30 triệu đồng. Người đầu tư đóng thêm 9 triệu đồng tiền bảo hiểm cho số vốn đầu tư, tổng cộng gần 39 triệu đồng.

Tiền bảo hiểm là nếu như sau một năm trường hợp đầu tư thất bại mất số tiền gốc thì công ty sẽ trả lại số tiền gốc cho người đầu tư. Công ty bảo hiểm được giới thiệu cũng của L.C và đã có mặt trên thế giới. Việc này các nhà đầu tư chỉ nghe chứ không xác minh được thực chất loại bảo hiểm này có mặt tại những nước nào và có được chính phủ các nước chấp nhận hay không, hay chỉ là quảng cáo để dụ người đầu tư?

Chị Thủy đầu tư gói ban đầu là 1 nghìn đô (gần 30 triệu đồng và 300 đô tiền bảo hiểm tương đương gần 9 triệu đồng). Sau khi nộp số tiền này, người đầu tư được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống và chuyển tiền thành điểm, 1 nghìn đô tương đương với 1 nghìn điểm.

“Sau đó họ nói chúng tôi copy trading cái gì mà đánh xanh xanh đỏ đỏ, lên lên xuống xuống. Tôi bảo cái này tôi không biết làm, mà chỉ biết đầu tư thôi thì cấp dưới của L.C nói là để cho chuyên gia máy tự đánh giúp. Tôi đưa tài khoản của mình cho người của L.C tại văn phòng ở Vinh đánh giúp”, chị Thủy kể.

Về tiền lãi, công ty này cho biết, mỗi tháng nếu số tiền đầu tư là 39 triệu đồng (cả gốc và bảo hiểm) thì tiền lãi quy ra được 1,8 triệu đồng. Nếu giới thiệu được một người tham gia, người giới thiệu sẽ được thưởng 50 đô. Cứ giới thiệu được một người thì người trực tiếp giới thiệu sẽ được 50 đô, còn người ban đầu như chị Thủy sẽ được trên mười đô, dạng đa cấp.

Thực chất người đầu tư chỉ được lãnh tiền hoa hồng giới thiệu vài tháng là không thấy công ty trả nữa và cũng chưa được lãnh tiền lãi lần nào. Công ty nói phải đầu tư đủ số tiền theo quy định mới được lãnh chứ không phải đầu tư 1 nghìn đô lần đầu là được lãnh tiền lãi. Điều này người đầu tư không được biết, khi tham gia mới được công ty cho hay thì chuyện đã rồi lỡ “leo lên cọp” thì phải cưỡi.

Ban đầu, người của công ty này nói có chuyên gia hỗ trợ nên chắc chắn đầu tư sẽ lãi, nhưng khi chơi mới biết không như họ nói. Nếu người nào không biết đánh thì họ nói mua con robot với giá 10 đô để cài cho nó tự đánh thay, có lãi thì nó tự ngắt. Nhưng đến khung giờ đã định thì những người đầu tư phải tập trung tại văn phòng để đánh theo chuyên gia hướng dẫn mà không biết chuyên gia ở đâu, chỉ thấy thông tin đưa lên nhóm kêu đánh.

“Chuyên gia bảo đánh cái gì thì mình đánh cái đó, đánh bao nhiêu lệnh đó thôi. Mỗi lần đánh theo chuyên gia từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Có một cái vô lý là có lần tôi ngồi nhưng bản thân tôi không hề bấm theo chuyên gia chỉ mà máy vẫn tự động chạy và cháy hết tài khoản mất sạch tiền”, chị Thủy bức xúc nói.

Chị Thủy cùng nhiều người đầu tư vào công ty này từ tháng 9/2020, thì tháng 10 được mời vào dự sự kiện của công ty này tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Chị Thủy cho biết: “Hôm tổ chức sự kiện tại một khách sạn, mình có lên sân khấu nói chuyện trong nước mắt là mình làm ăn mất mát, tham gia đầu tư phải vay tiền thì L.C nói là không có gì phải lo, ở đây có L. C. giúp đỡ. Một tháng sau đó, tôi được thưởng sợi dây chuyền vàng (bán được hơn 10 triệu) và 286 đô (khoảng 8,4 triệu đồng). Đây là số tiền mà tôi nhận được khi tôi đã đầu tư 390 triệu đồng”.

Sau khi kêu gọi người thân và bạn bè tham gia đầu tư nhưng thất bại, chị Thủy phải bán nhà bán đất, vay tiền và đi làm việc cật lực để lấy tiền trả nợ.

Chị Thủy cho rằng, do chị kêu gọi người thân và bạn bè đầu tư nhưng bị mất tiền thì chị phải chịu trách nhiệm trả lại.

Chúng tôi liên hệ với số điện thoại của L.C mà chị Thủy cung cấp, người nghe máy cho biết không phải tên là L.C. Liên hệ qua trang cá nhân Facebook nhưng chúng tôi chưa nhận được phản hồi của L.C.


Bảng ghi số tiền thưởng của những người đã đóng 390 triệu đồng được công bố tại sự kiện ở TP Hồ Chí Minh vào tháng 10/2020.

Sập bẫy với chiêu được nhân đôi số tiền và thưởng lớn

Khác với chị Thủy là bị lừa đầu tư tiền vào loại hình đa cấp trên mạng để có tiền lãi, bà D.T.T (68 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) lại bị lừa bằng hình thức thực hiện “vận đơn” mà bà không hiểu nó là gì.

Bà T cho biết, hiện bà đã chuyển nhiều lần với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng cho Công ty Blue Shoping - Voucher mà họ vẫn kêu chuyển thêm tiền để thực hiện đủ “vận đơn” mới trao thưởng và trả lại số tiền bà đã chuyển cùng với tiền được nhân gấp đôi.

Theo bà T, không biết làm thế nào họ biết số điện thoại của bà và nói rằng bà là một trong 5 người trúng thưởng giải nhất một tivi 65inch trị giá 50 triệu đồng.

Họ hỏi bà muốn lấy tiền hay lấy tivi, bà nói nhà đã có tivi thì họ nói vậy bà lấy tiền để họ chuyển thành tiền. Sau đó, họ kêu làm thủ tục này thủ tục kia mà bà không hiểu, rồi họ kêu nộp tiền thủ tục để nhận tiền thưởng.

“Ban đầu họ kêu tôi nộp 1,4 triệu đồng, rồi 1,6 triệu, lại kêu nộp 5 triệu, 8 triệu, xong lại 8 triệu nữa... Họ kêu làm những thủ tục gì và rất nhiều khâu. Họ nói mỗi lần vận đơn, ví dụ khi nộp 8 triệu thì được nhân đôi lên thành 16 triệu đồng. Mặc dù tôi đã chuyển nhiều tiền nhưng họ vẫn bảo chưa hoàn thành và phải nộp thêm tiền để hoàn thành thủ tục mới được lãnh tiền cùng giải thưởng”, bà T cho biết.

Qua tìm hiểu, được biết các đối tượng đánh vào lòng tham của một số người là được nhân đôi số tiền và trúng thưởng. Khi người dân chuyển tiền lần đầu, đối tượng điện thông báo rằng, qua quay số đã trúng thưởng. Khi “cá đã cắn câu” thì các đối tượng yêu cầu thực hiện các thủ tục lằng nhằng. Có trường hợp nhận biết được sớm không chuyển tiền tiếp thì mất ít tiền, có người không biết làm theo yêu cầu của các đối tượng càng mất nhiều tiền.

Theo Báo Công an nhân dân