Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Đê điều, hồ đập xuống cấp, Nghi Xuân “thấp thỏm” trước mùa bão lũ!

Là huyện ven biển nên Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão, triều cường, lũ lụt. Mùa mưa bão năm nay, địa phương đang phải đối diện với nỗi lo mất an toàn từ các công trình hồ đập, đê điều...

Có mặt tại tuyến đê Bối thuộc xã Xuân Giang, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước thực trạng xuống cấp của tuyến đê dài hơn 3,4 km này. Đây là công trình được làm từ năm 1987 nhưng hàng chục năm nay không được đầu tư kinh phí để nâng cấp, cải tạo lớn nên thân đê đã xuống cấp nghiêm trọng.

de dieu ho dap xuong cap nghi xuan thap thom truoc mua bao lu

Khi sông Lam xẩy ra lũ, đoạn xuống cấp nhất của đê Bối khó có thể trụ vững vì thân đê mới được đắp tạm thời, không có kè đá bảo vệ.

Dọc tuyến đê, hầu hết kè đá phía bên bờ sông Lam đã trụt xuống chân đê, chiều rộng của nền đã bị xói mòn, có chỗ còn chưa đầy 1m, chiều cao thân đê thấp hơn so với trước đây khoảng 20-30 cm, bề mặt đê khá lầy lội, hai cống điều tiết nước đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Để bảo vệ tài sản và mùa màng, người dân phải huy động nhân lực đào đắp các đoạn xung yếu nhưng do thiếu kinh phí, phương tiện máy móc nên cũng chỉ… được chăng hay chớ.

Đưa chúng tôi đến đoạn đê xung yếu nhất là từ K3+50 đến K3+160, ông Nguyễn Thế Lục - Trưởng thôn Hồng Lam cho biết: “Đoạn đê này đã bị sạt lở nhiều năm, bà con trong thôn cũng đã đào đắp nhưng với thực trạng tạm bợ như hiện nay thì chỉ cần có triều cường là bị vỡ, nước tràn vào đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh, trung ương sớm có kế hoạch đầu tư, nâng cấp. Trước mắt, mùa mưa lũ năm nay, cần huy động thêm nhân lực, máy móc, bố trí kinh phí để khắc phục những nơi xuống cấp nghiêm trọng nhất”.

Không chỉ đê Bối, tuyến đê Song Nam với chiều dài gần 2 km qua địa bàn xã Cương Gián cũng là một trong những công trình chưa thể yên tâm trong mùa mưa bão. Được một cán bộ xã dẫn đường, chúng tôi tiếp cận một số đoạn đê có mái bên phía cánh đồng chưa được gia cố, mái phía dòng sông lấn sâu trong thân đê, các kè đã bị hư hỏng nặng không còn khả năng điều chỉnh dòng chảy.

Cũng như nhiều công trình khác trên địa bàn, để phòng chống thiên tai, triều cường, người dân các thôn xóm phải huy động ngày công để đào đắp, gia cố, tuy nhiên, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Công trình xuống cấp, tính mạng và tài sản của người dân luôn bị thiên tai đe dọa là điều chính quyền các cấp và người dân đều thấy rõ, nhưng việc tu sửa kiên cố nhằm đảm bảo an toàn về lâu dài gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo huyện Nghi Xuân cho biết, để đảm bảo kiên cố toàn tuyến đê này, cần ít nhất khoảng 70 tỷ đồng khắc phục các điểm xuống cấp và tại thời điểm này thì đây là nhiệm vụ dường như bất khả thi.

Cách đê Song Nam không xa là hồ Song Nam - một công trình khác nằm trên địa bàn xã Cương Gián cũng được “liệt” vào danh sách những công trình xuống cấp, mất an toàn trong mùa mưa bão. Vào mùa mưa, toàn bộ cánh đồng xung quanh công trình này nước ngập băng đồng, hiện nay, mái thượng lưu của hồ đã bị sạt lở.

Theo thống kê của UBND huyện Nghi Xuân, ngoài 2 trạm bơm không đảm bảo an toàn thì trên địa bàn vẫn có nhiều công trình hồ đập bị xuống cấp, nhất là hồ Trúc Bè (Xuân Lĩnh) và đập Đồng Ván (Xuân Hồng) có thân tràn và ngưỡng tràn bị rò rỉ; hồ Khe Lang (Xuân Hồng) thân đập bị thấm, chân đập rò rỉ dòng nước chảy với lưu lượng khá lớn; đập Hành Khiến (Cổ Đạm) nứt ở vai trái thân đập, cửa van cống lấy nước đã bị hỏng; đập Đồng Bản (Xuân Liên) thân đập sạt lở ở hạ lưu cống, các khớp nối của cống bị rò rỉ...

Hiện nay, chính quyền các cấp, các phòng ban chức năng và người dân trên địa bàn Nghi Xuân đang tập trung triển khai các phương án, huy động phương tiện, vật liệu để phòng chống bão lụt. Tuy nhiên, với thực trạng các công trình hồ đập, đê điều, trạm bơm như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn vẫn luôn hiện hữu...

CATP Hà Tĩnh