Điều lắng lại từ vụ nhà báo bị bắt ở Yên Bái
Thông báo của Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tại cuộc họp báo diễn ra sáng 28-6 về việc Công an TP Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam phóng viên Lê Duy Phong đã giải tỏa những nghi vấn gây sốt cộng đồng mạng trong suốt mấy ngày qua.
Dù còn phải chờ kết luận điều tra và những phán quyết của tòa án song thông báo chính thức của Tổng cục Cảnh sát đã cho thấy tính chất vụ án không như những thông tin tràn lan trên mạng xã hội, những thông tin hầu như chỉ suy diễn và hướng lái dư luận một chiều. Việc Tổng cục Cảnh sát thông tin bước đầu về vụ án là kịp thời, ngăn chặn hành vi “mượn gió bẻ măng”, chạy đua theo trào lưu để từ vụ án suy diễn, xuyên tạc sang vấn đề khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan bảo vệ pháp luật và tính nghiêm minh của kỷ cương phép nước. Kể từ khi phóng viên Lê Duy Phong, Báo Điện tử giáo dục bị Công an TP Yên Bái bắt khi đang nhận tiền của doanh nghiệp, mạng xã hội dưới sự “định hướng” của một số blogger, facebooker đã đẩy vấn đề lên cao trào. Trong luồng thông tin đó, báo chí và mạng xã hội đặt câu hỏi và khai thác, suy diễn theo hướng: cho rằng vì nhà báo viết bài về các “biệt phủ” của một số nhân vật tại đây nên bị trả thù, bị “gài bẫy”; lên án việc công an bắt nhà báo không đủ căn cứ vì “đang nhậu thì được dí tiền rồi công an ập vào bắt”; đề nghị chuyển vụ án lên cơ quan CSĐT Bộ Công an để đảm bảo “công tâm, khách quan”... Ngay sau đó, trên mạng lan truyền bản giấy viết tay được cho là “bản tường trình” của nhân chứng cùng những ý kiến của phía cơ quan báo chí, phía gia đình, khẳng định không có việc nhà báo “ăn” tiền doanh nghiệp, đồng thời lên án, chỉ trích Công an Yên Bái “chơi bẩn”. Từ đó, đã có nhiều facebooker đề nghị “tổng tấn công Yên Bái”, cho rằng vùng đất này hành xử kiểu “lãnh địa riêng”, là vùng “nguy hiểm”, dẫn chứng vụ nổ súng bắn chết Bí thư Tỉnh ủy để nói rằng, quan chức ở đây bất chấp phải trái, “không có gì là họ không làm”... Cũng chính từ trào lưu ồ ạt tấn công chính quyền Yên Bái, cơ quan bảo vệ pháp luật Yên Bái, mạng xã hội dưới sự chèo lái của những “nhà thông thái” đẩy vấn đề lên cao hơn: sự áp đặt của Nhà nước, của chính quyền, từ đó đã xuất hiện những bài viết chửi bới, nguyền rủa chế độ rất tai hại. Trong thông tin bị đẩy lệch quá xa như vậy, người dân thực sự bị lạc vào ma hồn trận. Mở mạng xem báo, xem facebook là vô số tin bài nói “Công an Yên Bái gài bẫy bắt nhà báo”, xâu chuỗi một số vụ liên quan đến sai phạm của công an ở một số địa phương trước đây để quy kết “công an dùng bẫy thay nghiệp vụ, thay luật pháp”. Không gì lý tưởng hơn cho những kẻ chống phá hải ngoại và những “nhà dân chủ” trong nước vin vào đó để cổ súy trào lưu mượn con bài chống tham nhũng, kêu gọi dân chủ để chống chính quyền, bôi nhọ công an. Hậu họa của nó dưới sức ép của mạng internet là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những điều khó lường, trong đó trước hết đánh vào uy tín, đánh vào niềm tin của người dân với cơ quan công quyền. Đặc biệt, với cơ quan công an, cơ quan được nhà nước giao quyền tiến hành tố tụng với những hoạt động liên quan quyền con người (như khởi tố, bắt tạm giam, áp dụng các biện pháp điều tra) mà nhiều người đã lên mạng chửi đổng “bắt người như bắt gà”, “bẫy người như bẫy chuột”... Sự thực như thế nào? Thông báo do Trung tướng Đỗ Kim Tuyến nêu tại cuộc họp báo đã hé lộ một phần sự thật, còn nhiều vấn đề nữa của vụ án sau này sẽ được làm rõ. Hành vi viết bài, dọa dẫm rồi vòi tiền của doanh nghiệp, của cơ quan nhà nước là phạm tội hình sự. Đặt vào trường hợp ở Yên Bái: người dân thấy báo chí chụp ảnh, đưa tin ông này bà kia xây “biệt phủ”, ai cũng bức xúc. “Biệt phủ” là ngôn từ báo chí đặt ra chỉ những ngôi nhà bề thế, hoành tráng ngự trị trên khu đất rộng. Từ “biệt phủ” đã ám chỉ điều gì đó rất quan lại, phong kiến, kiểu địa chủ hà hiếp dân, bòn rút tư lợi xây tư dinh cho họ hàng, con cháu mình. Xã hội ngày nay mở rộng dân chủ, xây dựng chính quyền vì dân mà lại có cơ man nào là “biệt phủ” như vậy? Nó cũng xuất phát từ bản tính thích khoe mẽ, thích thể hiện của rất nhiều người, cứ phải nhà thật to, xe thật xịn để... chứng tỏ đẳng cấp dù nhu cầu sử dụng không đến thế. Bản tính ấy ngự trị trong dân chúng, chỉ có điều họ có điều kiện để thể hiện không thôi. Đặt trong bối cảnh đất nước còn nghèo, người dân còn kham khó thì hình ảnh “biệt phủ” quả là phản cảm, chưa nói đến nguồn tiền đó có từ đâu ra, do chính đáng hay mờ ám. Những người làm quan nên biết điều đó mà ứng xử, đâu phải to mới xứng tầm, đâu phải bề thế mới chứng minh đẳng cấp! Báo chí đã dùng chính điều đó để đánh vào dư luận và đương nhiên, người dân càng có lý do để ủng hộ nhà báo đánh “biệt phủ”. Có điều, dư luận chỉ biết thông tin trên báo, trên mạng còn vì sao nhà báo lại đưa tin, bài đó lên thì họ không thể đoán được. Cũng với cách như vậy, nhiều nhà báo đã “sống khỏe” bằng những bài báo chống tham nhũng. Người dân thấy không ít nhà báo khởi đầu bằng bút sách, xe cọc mà chẳng mấy chốc có nhà lầu, có xe hơi xịn, đi lại khệnh khạng, nói chuyện như thánh phán mà không hiểu cớ làm sao!? Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng, không ai thích thú gì khi phải tiến hành xử lý. Thế nên, một nhà báo rơi vào tố tụng, là đồng nghiệp, chẳng ai hoan hỉ vì điều đó; trái lại là sự xót xa, trăn trở. Trăn trở với bổn phận nghề báo của mình, trăn trở với cái ngòi bút mình cầm, thẻ mình giữ, bàn phím mình gõ. Và hơn hết, trăn trở cái từ “nhà báo”, vẫn biết ai cũng cần tiền để sống nhưng làm sao xóa được những định kiến, dị nghị trong xã hội để mình và đồng nghiệp thấy vững tin hơn với nghề.
Đăng Minh/ Theo Báo CAND
CATP Hà Tĩnh