Đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào cuộc sống
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ này ngày càng gia tăng. Tại Hà Nội, để hạn chế tác hại của rượu bia, Ủy ban nhân dân Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể, các quận, huyện, thị xã… trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu bia, tổ chức phổ biến, tuyên truyền luật tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của đơn vị.
Áp dụng đồng bộ các biện pháp
Cụ thể, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công văn số 5141/UBND-KGXV về việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.
Trong Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ngành, các tổ chức, đoàn thể của thành phố, các quận, huyện, thị xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền luật tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của đơn vị.
Riêng Sở Y tế tham mưu cho Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu bia trên địa bàn, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia ở các đơn vị. Công tác báo cáo Thành phố và Bộ Y tế phải được thực hiện định kỳ theo quy định.
Cần phải khẳng định, động thái vào cuộc, đôn đốc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia của Hà Nội là hết sức kịp thời, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trên địa bàn.
Trước đó, Hà Nội đã áp dụng rất nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia như: Cấm công chức rượu bia trong giờ làm việc, đặt chốt cảnh sát giao thông trước cửa quán bia để kiểm tra nồng độ cồn của người ra khỏi quán, kiên quyết xử phạt những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia… Cùng với đó là tuyên truyền bằng hình ảnh, phóng sự về tai nạn giao thông do rượu, bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Hạn chế vì thiệt hại đủ đường
Ghi nhận thực tế, mỗi năm có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu bia. Các ngành chức năng ước tính, thiệt hại kinh tế do rượu bia chiếm 1,3%-12% GDP. Tại Việt Nam, nếu tính theo mức thấp của thế giới, thiệt hại liên quan đến rượu, bia khoảng 65.000 tỷ đồng/năm.
Đó là với khía cạnh kinh tế, ở khía cạnh giao thông TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho biết, số liệu thống kê trong số các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia lái xe, tỉ lệ người xe máy chiếm từ 70 - 90% số vụ.
Trong đó, tỉ lệ nam giới gây ra là 80 - 90%. Thời điểm xảy ra tai nạn liên quan đến uống rượu, bia thường diễn ra vào buổi tối thuộc khung giờ 18h - 24h. Nghiêm trọng hơn, TS. Vũ Anh Tuấn sau khi quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm tỉ lệ 68% (xe máy 62%, ô tô 6%). Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say.
TS. Vũ Anh Tuấn cho biết, những nạn nhân nghĩ mình vẫn “bình thường” đủ khả năng điều khiển xe máy ra về thì lại có tỷ lệ bị chấn thương nặng cao hơn những nạn nhân cảm thấy “không bình thường”. Nói cách khác, khi sử dụng nhiều rượu bia, bản thân những người say thường không nhận thức được là mình say.
Từ những nghiên cứu, khảo sát này TS. Vũ Anh Tuấn đề nghị cơ quan chức năng cần siết chặt sự quản lý, ngăn chặn kịp thời nguy cơ tai nạn giao thông từ người sử dụng bia rượu trước khi lái xe bằng cách đưa nồng độ cồn trong máu về mức “zero” đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hiện nay mức này đang là 50mg/100ml máu.
Cần phải khẳng định, hành vi lạm dụng rượu bia đã và đang là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi nó đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến cả 3 khía cạnh là xã hội, môi trường và kinh tế.
Trước khi hệ thống văn bản pháp lý có hiệu lực và đi vào cuộc sống, bản thân mỗi người dân cần nâng cao ý thức, loại bỏ lối suy nghĩ, “nam vô tửu như kỳ vô phong”, “sống chết có số”… khi rượu bia quá đà. Chấp hành nghiêm việc không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Hiện Điều 260 Bộ luật Hình sự đã có quy định về xử lý hình sự đối với người uống rượu bia tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo quy định này, thì hành vi sử dụng rượu bia chỉ được coi là tình tiết tăng nặng mà không phải là một tội danh riêng. Không những vậy, chỉ người nào sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định và có gây ra hậu quả thì mới bị truy cứu. Theo một số chuyên gia thì việc chỉ căn cứ vào hậu quả của hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mới có thể xử lý hình sự đã không đảm bảo tính kịp thời, không phù hợp với thực tế hiện nay và không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dua-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-vao-cuoc-song-100346.htmlCATP Hà Tĩnh