Gặp lại O Thanh niên xung phong Thạch Kim trong bài thơ của Phạm Tiến Duật
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nhắc đến, kí ức về những tháng năm ác liệt chống Mỹ cứu nước dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của Lê Thị Nhị, nữ cựu TNXP ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Bởi với O Nhị, đó không chỉ khoảng thời gian đẹp nhất dâng hiến cả tuổi thanh xuân, mà còn chất chứa bao ước mơ, kỉ niệm.
Dưới bàn tay tài hoa của nhà thơ Phạm Tiến Duật, chính nơi đó, hình ảnh o thanh niên xung phong Lê Thị Nhị “Thạch Kim”- “Thạch Nhọn” đã trở thành một nguyên mẫu sống động với bài thơ khá nổi tiếng lúc bấy giờ “ Gửi em cô thanh niên xung phong”. "Có lẽ nào anh lại mê em Một cô gái không nhìn rõ mặt Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom Áo em hình như trắng"... ( Gửi em cô thanh niên xung phong – Phạm Tiến Duật) Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo ở xã Thạch Kim, từ lúc còn nhỏ, O Nhị đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Nhưng càng lớn, O càng có tiếng trong làng là thông minh, lanh lợi. Năm 1967, máy bay Mỹ tập trung đánh phá ác liệt ở các địa phương thuộc khu 4 cũ, trong đó có các xã có tuyến vành đai chiến lược ven biển như Thạch Kim. Mặc dù còn non trẻ, nhưng O Nhị đã quyết định trốn mẹ tình nguyện tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong và được biên chế vào đại đội 554, tổng đội 55 Hà Tĩnh. Ngày ấy, bằng sức trẻ và nhiệt huyết cách mạng, đôi chân người con gái biển đã đi có mặt ở nhiều nơi trọng điểm mà máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Ban ngày làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm, đêm O cùng đồng đội đi san đường, làm cọc tiêu cho xe vượt qua trọng điểm. Năm 1968, thực hiện lệnh điều động, O Nhị được cử về đội phá bom cảm tử ở trọng điểm ngả ba Đồng Lộc. Trong những ngày rực lửa cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, tại đây O Nhị vô tình gặp và trở thành “nàng thơ” nguyên mẫu trong một sáng tác nổi tiếng sau này của nhà thơ Phạm Tiến Duật:“ Gửi em cô thanh niên xung phong”. Gặp lại O trong khung cảnh của một buổi chiều tà đầu thu. Cả âu cảng Cửa Sót vốn nhộn nhịp tàu thuyền vậy mà giờ trở nên vắng lặng. Đã mấy tháng nay nhiều bà con ngư dân Thạch Kim đã không còn mặn mà cho việc ra khơi. Vì sự cố Fomosa gây ô nhiễm môi trường biển khiến hàng loạt hải sản chết nên sản phẩm làm ra không bán được. Khó khăn không chỉ bao trùm lên cuộc sống của các ngư phủ, mà ngay chính người dân bình thường như O Nhị cũng cảm thấy bí bức, khó khăn. Tuổi đã già, lại không chồng, không con, O Nhị sống đơn độc, thui thủi trong mái nhà giản dị nép mình bên âu thuyền biển cửa Sót. Căn nhà lợp ngói đỏ diện tích chưa đầy 30 m2, được làm từ 20 triệu đồng do công ty may Việt Tiến ở Sài Gòn tài trợ. Để mưu sinh, ngày lại ngày O Nhị tất bật cùng đôi quang gánh khi thì chợ Huyện, chợ Thạch Châu mua rau, củ quả, mang về chợ Gò Cá bán. Cùng lần giở những kỉ vật còn cất giữ, O Nhị vẫn còn nhớ như in những chi tiết của cuộc gặp gỡ có tính “định mệnh” khi bỗng dưng trở thành nguyên mẫu trong một sáng tác của nhà thơ nổi tiếng, được rất nhiều người lính yêu mến. O kể: Lúc đó O không hề biết ông là nhà thơ nổi tiếng. Đó là một đêm vào năm 1968, đội phá bom cảm tử của O làm nhiệm vụ lấp hố bom ở ngã ba Đồng Lộc. Có một đoàn xe vận tải của Đoàn 559 ở miền Nam ra, một chiếc xe dùng lại. Rồi 2 anh bộ đội xuống xe hỏi : “ Các cô quê ở đâu?”. Các bạn của O lao nhao trả lời: Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… riêng O Nhị không nói gì. O còn nhớ, hôm đó O mặc chiếc áo xanh hòa bình hơi trắng so với các bạn. Một anh bộ đội hỏi: “ Cô mặc áo trắng kia ơi, cho anh hỏi em quê ở đâu?”. O liếc mắt cười tinh nghịch: “ Anh ơi, quê bầy tui na, quê bầy tui ở Thạch Nhọn”. Anh bộ đội lại hỏi: “ Thạch Nhọn là Thạch gì ?”. Các bạn o cười khúc khích: “ Anh ơi, Thạch Kim là Thạch Nhọn nơ nờ, O nớ ở Thạch Kim, nhưng mà O nói với anh là Thạch Nhọn”. Câu chuyện đùa nghịch của O Nhị và các bạn trẻ đêm hôm ấy rồi cũng qua đi trong khói lửa bom đạn ở ngả ba Đồng Lộc. Năm 1969 O được tổng đội điều đi tập bóng chuyền ở tổng đội và tham gia thi đấu tại tỉnh Quảng Bình. Đội vào đến trận chung kết. Sau trận chung kết, bài thơ “ Gửi em cô thanh niên xung phong” đăng lên báo. O Nhị gặp phải chuyện rắc rối vì câu thơ : “ Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “ Thạch Nhọn” . Lãnh đạo Tổng đội vào cuộc điều tra, cho gọi o Nhị lên làm việc, nhắc nhở vì tội “lừa dối” bộ đội lái xe Trường Sơn và bắt làm bản tự kiểm điểm. Vì sợ tổng đội kỷ luật nặng , o Nhị nằn nì xin “Cho em ở lại đơn vị , chăn trâu, chăn bò gì cũng được, đừng đuổi em về địa phương. Vì đã trốn nhà tình nguyện đi thanh niên xung phong, giờ bị đuổi về mẹ quát, xóm làng chê cười, xấu hổ lắm”, O Nhị chia sẻ. Thật may cho “nàng thơ”, viết xong bản tự kiểm điểm nộp cho cấp trên, O lại được trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ san đường, lấp hố bom ở đèo Ngang, khe Lang . Năm 1972 O Nhị vác ba lô về lại biển Cửa Sót và trở thành xã viên hợp tác xã, gia nhập đội quân dệt thảm muồng, thảm đay.
Bà Lê Thị Nhị kể hồi ức về chuyện gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật với phóng viên
Trở về quê hương, O Nhị làm việc ở hợp tác xã dệt mành Hải Đăng thuộc xã Thạch Kim. Lúc đó người phụ nữ làng biển cửa Sót đã ngấp nghé tuổi 29 “ toan về già”. Tuổi thanh xuân đã cống hiến cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc và những kỷ niệm đẹp “ nàng thơ” vận vào đời. Không phải O Nhị không có người con trai để trao gửi yêu thương. Thời son trẻ, O từng nhận lời gửi gắm của ông Đặng Thế Bài, anh trai của đồng đội ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Nhưng vì thương mẹ già sống độc thân hiu quạnh, O không nỡ đi lấy chồng xa nên đã chia tay người yêu để ở lại biển cửa Sót nuôi mẹ . Làm ở hợp tác xã được 7 năm , O về nghỉ chế độ thương binh 4/4 với đồng lương ít ỏi để có điều kiện chăm sóc mẹ già. Năm nay bà Lê Thị Nhị, “ nàng thơ” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét thanh tú của cô con gái làng biển xinh đẹp ngày nào. Trò chuyện với chúng tôi, O bày tỏ: “Mọi khi chợ Gò Cá tấp nập tàu đi biển cập cảng, bản thân tôi cũng thấy vui mừng nên nhiều hôm cố bán hàng đến 11- 12 giờ mới nghỉ. Thu nhập không là bao nhưng cũng tạm sống qua ngày được. Nhưng từ khi xẩy ra sự cố môi trường do nhà máy Formosa xả thải độc làm ô nhiễm biển, ngư dân ít đi biển nên hàng chi cũng khó bán. Mặc dù nhà nước đã hỗ trợ dân tiền, gạo… nhưng không thấy nhà nào vui. Ai cũng lo lắng, chỉ có một mong ước duy nhất là có được môi trường biển trong sạch. Ngày xưa đánh Mỹ ác liệt là thế, gian khổ là thế nhưng sao vẫn không thấy khổ tâm, lo sợ khi phải đối diện với nguy cơ của những hủy diệt âm thầm bằng hóa chất như ngày nay… Cùng hướng về ánh mắt nhìn xa xăm của O Nhị, chúng tôi hiểu rằng, trăn trở của người con gái năm xưa trong bài thơ “ Gửi em cô thanh niên xung phong” cũng chính là mong mỏi, nguyện vọng tha thiết nhất hiện nay của hàng ngàn người dân nơi vùng Cửa Sót. Hãy chung tay giữ vững chủ quyền, biển đảo quê hương, phải làm sạch môi trường biển để nhịp sống tươi đẹp trên biển được hồi sinh.CATP Hà Tĩnh