Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Gặp nữ thi sĩ của sông Lam

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra vào một ngày Hà Nội man mác hơi thu. Đồng hồ điểm 20h và chị, sau một ngày mệt mỏi với công việc cơ quan, việc nhà, vẫn còn nguyên bộ quân phục, giọng đã khàn đặc vì một cuộc họp kéo dài. Vậy mà, khi nói đến nhạc, đến thơ, đôi mắt chị lại lấp lánh niềm hạnh phúc, say đắm miên man. Đôi mắt ướt của người phụ nữ miền Trung ấy khiến tôi cảm thấy dường như có điều gì đó thật đặc biệt trong tâm hồn chị, những đam mê không bao giờ dứt bỏ được…

Là người con của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của những danh nhân văn hóa lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… Thượng tá Đậu Thị Hoài Thanh, hiện là Phó trưởng phòng Công tác lý luận Công an nhân dân, Viện chiến lược và khoa học Công an, Bộ Công an đã lớn lên cùng những câu ví dặm bên dòng sông Lam mênh mang và những vần thơ tha thiết của cha. Chị kể, tuy ông không theo nghệ thuật nhưng vốn là người có tâm hồn nghệ sỹ, có giọng hát hay, cũng từng có 3 tập thơ được Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản. Để rồi, chính chị đã ấp ủ một ước mơ… Trong khi chờ kết quả thi Đại học, Hoài Thanh đã dự thi vào Đoàn ca múa nhạc dân ca Nghệ An và đã trúng tuyển. Nhưng mẹ của chị đã phản đối quyết liệt. Mẹ lo con gái sau này vất vả với nghiệp cầm ca. Thương mẹ, Hoài Thanh đã từ bỏ ước mơ ấp ủ, thi đỗ vào Đại học An ninh, khoác lên mình bộ quân phục.

Những vần thơ của Hoài Thanh đều xuất phát từ những tình cảm chân thành

Năm tháng trôi qua song tình yêu với nghệ thuật vẫn vẹn nguyên trong trái tim của chị. Hoài Thanh trở thành một giọng ca vàng của đơn vị. Chất giọng mượt mà, say đắm của người con gái Hà Tĩnh đã giúp chị giành nhiều giải thưởng trong các Hội diễn văn nghệ của lực lượng CAND. Năm 2004, trong một cuộc thi của Ủy ban kiểm tra Bộ Công an, chị đã giành giải nhất. Rồi chị bắt đầu làm thơ, điều đặc biệt nhất chính là ở chỗ, hầu hết các bài thơ của chị đều được các nhạc sỹ chọn để phổ nhạc. Những ca khúc đó đều nhận nhiều giải thưởng không chỉ trong phạm vi ngành Công an mà còn được Hội nhạc sỹ Việt Nam đánh giá rất cao. Chị chia sẻ rằng: “Khi điều kiện cho phép rồi thì mình bắt đầu thực hiện những đam mê của mình. Gia đình, bạn bè và tất cả mọi người đều ủng hộ cũng như chia sẻ những đam mê của mình. Mình cũng tự thấy rằng rất hạnh phúc so với mình, còn tất nhiên là so với những người khác thì mình cũng không dám so sánh thế nhưng mà rất hạnh phúc ở chỗ là không nghĩ rằng, những vần thơ của mình lại được nhiều nhạc sỹ yêu quý và phổ nhạc thành những bài được công chúng đón nhận, mình thấy rất tâm huyết” Những vần thơ của Hoài Thanh đều xuất phát từ những tình cảm chân thành, gần gũi từ chính cuộc đời của chị. Chị viết về mẹ, về cha, về đồng đội, về tình yêu lứa đôi… Nói theo ý của các nhạc sỹ từng phổ thơ Hoài Thanh thì chính là trong thơ của chị có tính nhạc, có giai điệu. Có lẽ vì thế mà nhiều sáng tác của chị đã được các nhạc sỹ đón nhận và đồng cảm để rồi cộng hưởng thành những ca khúc. 30 năm công tác trong ngành Công an, chị đã có hơn 20 bài thơ được phổ nhạc thành công. Từ những ca khúc mang âm hưởng dân ca dành tặng quê hương như “Về miền ví dặm giận thương” (tác phẩm được Hội nhạc sỹ Việt Nam trao tặng đồng giải nhất tại lễ tổng kết Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền trung và các tỉnh, thành phố diễn ra ở thành phố Huế vào tháng 4/2016), “Vị quê”, “Ngày tình cờ trên biển”… đến những ca khúc cảm động về lực lượng CAND như “Những ngôi sao thức”, “Viện ca”, “Kỷ niệm về ba” (ca khúc đoạt Giải A của Bộ Công an trong Lễ tổng kết Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài CAND giai đoạn 2011-2015)…

Hoài Thanh cùng nhạc sĩ Ngọc Khuê, người đã phổ nhạc bài thơ Nhớ hoàng hôn Hà Nội của chị

Riêng bài thơ “Nhớ hoàng hôn Hà Nội” lại mang một ý nghĩa khác. Đối với Hoài Thanh, từ lâu rồi Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai. Chị gửi gắm vào đó những kỷ niệm đầu đời của thời con gái, vừa ngọt ngào, vừa  sâu lắng yêu thương:

“Nhớ những chiều Hà Nội hoàng hôn

Em đi về con đường nhỏ thân quen

Vẫn đâu đây lặng thầm bao kỷ niệm

Bâng khuâng buồn trời trở gió heo may

Ngày hôm qua, ngày hôm nay, vương vấn

Nỗi nhớ xa rồi tình yêu Hà Nội

Hoàng hôn tím sóng mặt hồ lấp lánh

Tóc xõa bờ vai mơ về nơi ấy, nồng nàn khát khao-

Một thời con gái, chiều hoàng hôn mờ dại lối em về

Câu chuyện tình phủ mầu mây huyền thoại

Vị ngọt tình yêu, mới thuở ban đầu

Đã xa rồi, chiều hoàng hôn Hà Nội

Chợt bâng khuâng nhớ ký ức chiều nào

Tự nhủ lòng mình cho hoàng hôn ngủ yên”

“Nhớ hoàng hôn Hà Nội” được nhạc sỹ Ngọc Khuê, tác giả của “làng lúa làng hoa” phổ nhạc và được vinh danh Bài hát của năm do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức năm 2015.

Hoài Thanh cùng chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, quê hương chị trong đêm vinh danh ca khúc ” Nhớ mẹ”

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi là vào một ngày Hà Nội man mác hơi thu. Đồng hồ điểm 20h và chị, sau một ngày mệt mỏi với công việc cơ quan, việc nhà, vẫn còn nguyên bộ quân phục, giọng đã khàn đặc vì một cuộc họp kéo dài. Vậy mà, khi nói đến nhạc, đến thơ, đôi mắt chị lại lấp lánh niềm hạnh phúc, say đắm miên man. Đôi mắt ướt của người phụ nữ miền Trung ấy khiến tôi cảm thấy dường như có điều gì đó thật đặc biệt trong tâm hồn chị, những đam mê không bao giờ dứt bỏ được… Chị khóc ngay được khi kể về những câu chuyện xúc động có thật trong những sáng tác của mình với vẻ mộc mạc, chân thành.

Nhắc đến Hoài Thanh, giới nhạc sỹ Hà Tĩnh và Hà Nội sẽ có nhiều người biết chị, yêu quý chị, yêu quý ngay từ bài thơ đầu tiên “Nhớ mẹ”, chị viết tặng người mẹ đã khuất. Sau này, “Nhớ mẹ” được nhạc sỹ Mạnh Chiến phổ nhạc và năm 2013, ca khúc này đã đem lại giải thưởng cao quý cho đồng tác giả nhạc và thơ- giải A tại Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc miền trung do Hội nhạc sỹ Việt Nam tổ chức.

Chồng đi công tác dài ngày, con gái lớn học xa nhà, còn chị và cô con gái nhỏ trong căn nhà ấm áp nằm cuối phố Thành Thái, với cây đàn Piano phủ chiếc khăn màu đỏ, chị đã và vẫn gửi gắm mọi yêu thương, vui buồn chắt chiu suốt cuộc đời mình vào những vần thơ…

Cẩm Loan/ hatinh24h.com.vn

CATP Hà Tĩnh