Giá trị từ chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam ngày 3.9 mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho quan hệ song phương, cũng như các giá trị khác trong khu vực
Đêm 2.9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có mặt tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ đến Việt Nam sau 15 năm. Tại buổi thăm và làm việc ngày 3.9, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ ký kết 12 văn bản, thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa hai nước. Thủ tướng Modi cũng công bố khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu USD để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Ngoài ra, hai bên cũng ký thỏa thuận về việc Ấn Độ đóng 4 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội
Báo chí Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm của Thủ tướng Modi lần này. Tờ India Times ngày 29.8 cho rằng Thủ tướng Modi đến thăm Việt Nam mang theo nhiều triển vọng về sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước. Đồng thời đây cũng là một dịp để Ấn Độ bắn tín hiệu về sự hiện diện của nước này ở khu vực Đông Nam Á. Đối với Ấn Độ, Việt Nam cùng Singapore là những đối tác chiến lược quan trọng nhất trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, India Times nhận xét rằng New Delhi và Hà Nội đã xích lại gần nhau hơn nữa trong vòng một thập kỷ qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực gặp nhiều thử thách, trong đó bao gồm vấn đề an ninh mạng cũng như căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Trao đổi với Thanh Niên, Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc, thuộc đại học New South Wales, khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Việt Nam ngay trước thềm hội nghị G20 (diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 4 – 5.9), cho thấy tầm quan trọng của quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam. “Bên cạnh việc hợp tác quốc phòng, các quan hệ về thương mại và đầu tư sẽ nằm ưu tiên trong chương trình nghị sự. Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, nhưng cũng sẽ quan tâm nhiều tới dệt may, dược phẩm, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo... Việt Nam và Ấn Độ có thể sẽ có điểm chung về Biển Đông, làm nổi bật tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”, Giáo sư Thayer cho biết. Sau chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Modi sẽ đến Trung Quốc dự G20, trước khi sang thủ đô Vientiane (Lào) để dự hội nghị ASEAN (diễn ra từ ngày 6 đến 8.9).Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược Brahma Chellaney, Trung tâm Chính sách độc lập ở New Delhi (Ấn Độ)
Trung Quốc đang chuẩn bị tiếp đón các lãnh đạo G20 tham dự cuộc họp thượng đỉnh ở Hàng Châu, giữa lúc Bắc Kinh gặp áp lực từ vụ kiện của Philippines. Phán quyết công bố hồi tháng 7 của tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, chiếm trọn hầu hết Biển Đông. Ấn Độ không dính líu đến tranh chấp Biển Đông, nhưng New Delhi bày tỏ lập trường ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật quốc tế. Ngoài ra như đã nêu, Ấn Độ cũng muốn duy trì sự hiện diện ảnh hưởng ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á, thể hiện một phần qua việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. “Trên Biển Đông, tốc độ và quy mô từ việc bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc đã làm thế giới kinh ngạc. Biển Đông có tầm quan trọng trong các nỗ lực chứng tỏ sức ảnh hưởng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Sức mạnh Trung Quốc thể hiện ở Biển Đông sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến địa chính trị ở châu Á – Thái Bình Dương và trật tự hàng hải quốc tế. Thực tế, Bắc Kinh dường như sử dụng Biển Đông như một phép thử về việc thay đổi bản đồ địa chính trị châu Á, tạo ra một châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm”, ông Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Chính sách độc lập ở New Delhi (Ấn Độ) nói với Thanh Niên.CATP Hà Tĩnh