Giải mã chiến dịch diệt ma túy 'đẫm máu' của TT Philippines
Chính sách cứng rắn của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đến từ những thành tích khi làm thị trưởng thành phố Davao lẫn tuổi thơ dữ dội của ông.
Theo South China Morning Post, thành quả được nhắc đến nhiều nhất của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau gần hai tháng nhậm chức từ cuối tháng 6 là 1.900 người chết trong cuộc chiến chống ma túy.
750 trong số đó bị cảnh sát bắn chết vì mục đích "tự vệ" trong những chiến dịch "ngầm". Số còn lại - không rõ danh tính hung thủ - được xem là những cái chết "trong quá trình điều tra", Giám đốc Cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa nói trong phiên điều trần trước Thượng viện.
Hai tháng đẫm máu
Quét sạch nạn buôn bán và sử dụng ma túy ở Philippines là một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Duterte. Ngoài ra, các quan chức chính phủ và doanh nghiệp cũng là mục tiêu bị nhắm đến. Mới hôm 18/8, tổng thống Philippines không ngần ngại nói với những người dân gặp phải nạn nhũng nhiễu ở các cơ quan công quyền: "Hãy bắn họ (các nhân viên công quyền), tôi sẽ lo cho các anh chị".
Đối với những chủ doanh nghiệp trốn tránh việc ký hợp đồng dài hạn cho nhân viên, ông nói: "Hãy chọn đi: Ngưng ngay việc thuê nhân công tạm thời, hoặc tôi sẽ giết anh". Dù vậy, tổng thống Philippines đã đính chính sau khi nhận thấy gương mặt choáng váng của các cử tọa: "Chỉ là lời nói quá thôi".
Tổng thống Duterte vừa nhậm chức hôm 30/6 và đã gây nhiều tranh cãi vì chiến dịch chống tội phạm của ông. Ảnh: REX |
Đỉnh điểm, tổng thống Philippines tuyên chiến với Liên Hợp Quốc sau khi cơ quan này lên tiếng quan ngại về các hành động vi phạm nhân quyền, giết người không qua xét xử của chính phủ Philippines dạo này. Ông Duterte thậm chí dọa rút khỏi Liên Hợp Quốc và thành lập một tổ chức mới có Trung Quốc (vài ngày trước khi ông đe dọa một kết cục "đẫm máu" nếu Trung Quốc xâm lấn).
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sau đó đã lên tiếng khẳng định rằng Philippines sẽ không rút khỏi Liên Hợp Quốc, chỉ là Tổng thống Duterte "mệt mỏi và thất vọng" với tổ chức này.
Ông Duterte cũng "dọa" Trung Quốc: "Tôi đảm bảo với họ rằng, kết cục sẽ đẫm máu nếu họ xâm phạm vùng biển của chúng tôi", dù trước đó ông gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một "chủ tịch vĩ đại".
Người biểu tình trước một nhà thờ tại Manila phản đối việc giết người không qua xét xử. Ảnh: AFP |
Các chính sách cứng rắn không phải điều mới mẻ với Tổng thống Duterte. Cách đây 2 năm, khi còn làm thị trưởng thành phố Davao, ông đã dọa những người buôn lậu gạo rằng hãy dừng lại hoặc "tôi sẽ giết cách anh, tôi không nói đùa đâu".
Thế nhưng, thành tựu đạt được tại Davao đã che lấp nhưng lời than phiền về ông. Vị cựu thị trưởng này đã biến Davao trở thành một ốc đảo bình yên giữa miền nam Philippines đầy hỗn loạn, vùng "đất lành" cho các nhà đầu tư tìm về, theo South China Morning Post. Ông Duterte đã giữ chức thị trưởng Davao trong tổng cộng 21 năm.
Ông Ernesto Pernia, từng là trưởng nhóm chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á và hiện là thư ký hoạch định kinh tế cho Tổng thống Duterte, gọi những cuộc giết chóc là "sự tàn bạo cần thiết" cho con đường phát triển.
Ông cũng đổ lỗi cho truyền thông đã vẽ lên cái nhìn sai lệch cho các nhà đầu tư nước ngoài về cuộc chiến chống ma túy của Philippines. Ngoài ra, ông Pernia cũng cho rằng hệ thống tư pháp của Philippines hiện tại đã "vô dụng", và cần cải tổ hệ thống trước khi hành xử theo quy trình.
Bản thân Tổng thống Duterte từng vạch thẳng sự "chết lâm sàng" của hệ thống tư pháp Philippines. Ông kể rằng khi còn làm công tố viên ở Davao, "chúng tôi đã tạo ra bằng chứng".
"Bàn tay thép" của ông Duterte đã mang lại bình yên và cả sự phát triển kinh tế cho Davao. Trong ảnh: Người ủng hộ ông Duterte tại thành phố Davao trong một buổi tuần hành ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầu năm nay. Ảnh: GMA News |
Tuổi thơ dữ dội
Cha của ông Duterte từng làm việc cho cựu tổng thống, nhà độc tài Ferdinand Marcos - người ông Duterte vẫn bày tỏ ngưỡng mộ. Tuy nhiên, luật sư Vicente G. Duterte qua đời trong lúc bị cáo buộc sai phạm. Tổng thống Duterte từng nói rằng cái chết của cha (năm ông 23 tuổi) đã làm thay đổi cuộc đời ông. Ông thừa nhận mình là một đứa bé rắc rối, 2 lần bị đuổi học, thường xuyên bị mẹ phạt vì dính vào chuyện đánh nhau.
Jesus Dureza, một bạn học cũ của ông Duterte và hiện là cố vấn tổng thống, kể rằng ông từng bị đuổi khỏi trường dòng vì chơi máy bay giấy trong lớp và dùng mực bôi bẩn áo của một linh mục.
Người bạn này cũng gọi vui ông Duterte là "kẻ trừng phạt". Ông Dureza kể về chuyện Duterte đã "trừng phạt" một tên du côn đang giở trò bên ngoài trường nam sinh của ông như thế nào.
Tổng thống Duterte (bên phải) khi còn trẻ và cha mình, ông Vicente G. Duterte. Ảnh:Philippines Star |
"Chúng tôi trèo qua hàng rào thép gai của trường giữa đêm khuya và cuối cùng tìm thấy tên đó trong một quán bar. Ông ấy đi thẳng về phía tên đó, bảo hắn dừng lại rồi thụi vào mặt hắn. Rồi chúng tôi chạy đi trong khi băng của hắn đuổi theo chúng tôi", ông Dureza kể lại.
"Chúng tôi chẳng dính dáng gì đến bọn côn đồ. Chúng tôi còn không biết tên kia là ai. Ông ta (Duterte) đơn giản là đấm vào hắn. Ông ấy có tư duy về chuyện trừng phạt từ khi còn rất nhỏ", Dureza nói tiếp.
Bản thân Tổng thống Duterte từng nói về tuổi thơ không êm ả của mình. Ông kể rằng mình từng bị một linh mục người Mỹ xâm hại tình dục khi 14, 15 tuổi.
"(Ông ta) vuốt ve. Chúng tôi đã mất đi sự ngây thơ như thế đó. Chuyện đó xảy ra vào thế hệ chúng tôi, hai năm trước và hai năm sau chúng tôi...", ông Duterte kể lại hồi tháng 12/2015.
"Chuyện đó giống như sự thức tỉnh tính dục cho chúng tôi", ông Duterte kể tiếp. Trong dịp đó, ông đã tiết lộ đây là một linh mục ở Đại học Ateneo de Davao trong thập niên 1950. Tuy nhiên, ông và bạn bè đã không kiện người này.
Liên quan đến tính cách của Tổng thống Duterte, một giáo sư ngành tâm lý học giấu tên nhận định về ông qua việc dọa rút khỏi Liên Hợp Quốc là "thiếu trưởng thành, khi nổi nóng ông rất dễ bị khiêu khích, thiếu sự kiềm chế".
Tính cách này có thể quyết định các quyết sách của ông Duterte, chuyên gia này lấy ví dụ là cơn giận giữ của tổng thống đối với vấn nạn buôn bán và sử dụng ma túy ở Philippines: "Ông ấy đã suy nghĩ kỹ chừng nào? (về chiến dịch chống ma túy). Ông ấy hành động dựa trên những ý tưởng mà không suy nghĩ về hậu quả".
CATP Hà Tĩnh