Giải mã tội phạm từ công tác pháp y
Họ là những cán bộ chiến sỹ Công an - Bác sỹ, khoác áo blu trắng nhưng lại mang trên mình sứ mệnh hết sức đặc biệt đó là giải phẫu tử thi, phân tích mẫu máu, mẫu nội tạng để xác định nguyên nhân của những vụ tử vong bí ẩn. Công việc của họ thường diễn ra trong âm thầm lặng lẽ nhưng là một công đoạn vô cùng quan trọng, thường xuyên phải tiếp xúc với những loại hóa chất độc hại có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe mà bấy lâu nay có rất ít người dân biết đến.
Giám định mẫu mô để xác định danh tính nạn nhân. |
Với sự cần mẫn, chuyên nghiệp và lòng yêu nghề, trong những năm qua Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh đã giúp cho cơ quan điều tra Công an các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào tháo gỡ nút thắt của hàng trăm vụ án thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, truy bắt hàng trăm đối tượng là hung thủ gây án với những thủ đoạn hết sức tinh vi, đưa ra xét xử trước pháp luật. Theo chia sẻ của bác sỹ D., việc thực hiện giải phẫu tử thi để giám định pháp y là không hề đơn giản bởi khi được yêu cầu làm giám định pháp y thì thân nhân của người quá cố thường không chấp nhận. Nhiều người cho rằng người thân của họ đã chết thì phải để nguyên vẹn chứ mổ xẻ thì sợ sau này linh hồn sẽ "quay về trách móc". Chính vì vậy mà trước khi thực hiện những ca giải phẫu, cán bộ chiến sỹ trong đơn vị phải dành nhiều giờ để trực tiếp giải thích, vận động để những người này hiểu, tạo điều kiện để anh em hoàn tất công việc. Cũng có những vụ bắt buộc phải thực hiện giải phẫu tử thi để phục vụ cho công tác điều tra vụ án nghiêm trọng, cánh bác sỹ pháp y phải đối mặt với rất nhiều những thách thức không hề nhỏ bởi thân nhân gia đình người quá cố thường tập trung đông người để la mắng, ngăn cản. Mặc dù đây là nhiệm vụ cao cả nhưng có thể do sự đánh giá sai lệch của xã hội nên cho dù không bị mặc cảm nhưng hầu hết anh em cán bộ chiến sỹ làm nghề giám định pháp y thường giấu kín, không thích đề cập về công việc của mình, nhất là đối với vợ con và bạn bè… "Có khi đang ngồi xem chương trình thời sự trên truyền hình thấy có cảnh chính mình và anh em đồng đội đang giải phẫu tử thi, tôi phải vội vàng bấm chuyển sang kênh khác vì sợ bị những người thân phát hiện. Hiểu được tâm trạng của chồng, sau mỗi lần như vậy, vợ tôi lại tìm cách an ủi, chia sẻ và động viên để tiếp thêm nghị lực cho tôi luôn hoàn thành tốt công việc", bác sỹ D. nói.
Thu thập mẫu vật, dấu vết tại hiện trường. |
Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa với tấm bằng loại giỏi, bác sỹ D. được điều động về tiếp nhận công tác tại một bệnh viện khá nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Như có cơ duyên với ngành pháp y nên sau đó anh chủ động xin về Phân viện Khoa học hình sự phía Nam - Bộ Công an. Ca đầu tiên về pháp y là một nạn nhân ở tỉnh Kiên Giang được gia đình khai để làm giấy báo tử là do bị trúng gió nhưng sau đó gần 3 tháng cơ quan Công an nghi ngờ có liên quan đến một vụ án hình sự nên đã đề nghị trưng cầu giám định pháp y. Mặc dù trong thời gian học tập, đã nhiều lần anh được trực tiếp thực hành trên các thi thể ngâm Formol nhưng thời điểm ấy khi phải thực hiện nhiệm vụ trên một xác chết đã bị phân hủy mạnh, bốc mùi hôi thối khiến cho anh có cảm giác hơi rờn rợn và mất bình tĩnh. Cũng may nhờ các anh đi trước hỗ trợ nên anh mới có thể chấn tĩnh lại để tiến hành các công tác chuẩn bị quần áo chuyên dụng, khẩu trang, bao tay y tế… để thực hiện giải phẫu tử thi. Sau hơn hai giờ kiểm tra tỷ mỷ từng phần nội tạng, xương khớp, bác sỹ D, xác định nạn nhân tử vong do tác động ngoại lực chứ không phải bị trúng gió như gia đình khai báo trước đó. Từ kết quả khám nghiệm này cùng với những tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Kiên Giang xác định đây là một vụ án mạng và chỉ ít ngày sau đã truy bắt được hung thủ đưa về quy án. Sau lần đầu tiên ấy, anh xác định nghề này không hề đơn giản bởi nó là phần việc quan trọng giúp cơ quan điều tra tháo gỡ những nút thắt của vụ việc mở hướng điều tra của vụ án hoặc xác định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân để thân nhân gia đình người bị nạn được thông suốt, yên tâm lo hậu sự cho người thân… Anh đã đề nghị đơn vị tạo điều kiện để được tự đi học thêm về bộ môn pháp y nhằm nâng cao kiến thức, tránh tình trạng bị oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Trong vụ án mà đối tượng Kiều Quốc Huy ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hai lần ra tay sát hại người khác để chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi xảy ra vào các năm 2012 và 2016. Huy lại là đối tượng thuộc dạng lì lợm và khi đến bước đường cùng còn buông lời thách thức cơ quan Công an. Sau khi giải phẫu tử thi, xác định người bị hại là anh Hoàng Thế Vinh ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, giúp cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định chính xác Huy là kẻ thủ ác. Khi công việc giám định tưởng như đã hoàn tất thì một vụ việc khác nghi có nhiều liên quan đến Kiều Quốc Huy lại được Công an tỉnh Lâm Đồng mở ra. Đó là vào năm 2012, sau nhiều ngày không thấy liên lạc, người thân của vợ chồng anh Đỗ Hoàng Bình và chị Phạm Thị Mỹ Hạnh ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đến cơ quan Công an trình báo mất tích. Sau gần 4 năm sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đồng thời gửi hình ảnh đến tất cả các đơn vị Công an trên cả nước nhờ tìm kiếm giúp nhưng không phát hiện tung tích nạn nhân. Trích lục hồ sơ cũng không thấy có tên hai vợ chồng này xuất cảnh để đi du lịch hoặc làm việc gì đó, cơ quan chức năng đã nghĩ đến chuyện cả hai có thể đi lao động chui ở nước ngoài rồi ở lại luôn. Đến khi vụ sát hại anh Hoàng Châu Vinh được phanh phui, cơ quan điều tra nhận thấy có nhiều tình tiết của vụ việc na ná với vụ mất tích của vợ chồng anh Bình nên đã lập chuyên án đấu tranh. Qúa trình điều tra đã tìm được nơi thủ phạm chôn xác nạn nhân để tiến hành trưng cầu giám định. Tuy nhiên việc giám định đã bị gián đoạn bởi đơn vị được thuê làm công việc này đã không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan điều tra và chỉ đến khi các bác sỹ của Phân viện Khoa học hình sự vào cuộc thì vụ việc mới được làm sáng tỏ. Trước những chứng cứ pháp y này, Kiều Quốc Huy đã phải cúi đầu nhận tội chính hắn đã sát hại hai vợ chồng anh Bình để chiếm đoạt tài sản. Vụ án gần nhất mà cán bộ chiến sỹ trong đơn vị tham gia giám định dấu vết để giúp cơ quan Công an xác định hướng điều tra đó là vụ đối tượng Nguyễn Hải Dương sát hại 6 người trong một gia đình ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Vừa để trả thù tình vì không cưới được con gái chủ nhà, vừa cướp tài sản để tiêu xài cá nhân. Thời điểm xảy ra vụ việc (7-7-2015), đối tượng không để lại bất kỳ một loại tang vật nào tại hiện trường nên chỉ còn cách duy nhất là tập trung vào tìm kiếm các dấu vết lạ. Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nên ngay khi có mặt, lãnh đạo Phân viện Khoa học hình sự đã chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ (là các bác sỹ, kỹ thuật viên) lập tức tiến hành phong tỏa toàn bộ cả trong lẫn bên ngoài căn nhà nơi xảy ra vụ án rồi chia nhỏ đội hình thành nhiều tổ thận trọng thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để tìm kiếm dấu vết trên từng centimét mặt đất, tường rào, tường nhà… Sau hơn hai ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ, các bác sỹ cùng kỹ thuật viên đã tìm thấy một số dấu vết lạ chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Phước mở hướng điều tra vụ án. Chỉ một ngày sau đã xác định được thủ phạm chính là Nguyễn Hải Dương, một đối tượng từng là người làm công và người yêu của con gái chủ nhà. Nút thắt của vụ án đã được tháo gỡ, hung thủ gây án đã phải ra trước vành móng ngựa để chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan điều tra cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã trả lại sự rõ ràng, minh bạch cho nạn nhân. Nhưng mãn nguyện nhất vẫn là thân nhân trong gia đình nạn nhân bởi họ đã thấu hiểu được nguyên nhân của vụ việc, đặc biệt là hung thủ gây ra cái chết cho người thân của họ đã phải đền tội.
Nguồn: Báo CAND
CATP Hà Tĩnh