Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Giáo dục chính trị tư tưởng với quan điểm “lãnh đạo gương mẫu đi đầu”

Trong các yếu tố quyết định thành công của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND, lãnh đạo gương mẫu đi đầu có ý nghĩa then chốt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong lực lượng CAND hiện nay.

I. CAND là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân. Lực lượng CAND chỉ có thể hoàn thành chức năng, nhiệm vụ vẻ vang của mình khi được rèn luyện, giáo dục về bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực trình độ, chuyên môn nghiệp vụ… Do đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng nâng cao nhận thức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và xây dựng lực lượng CAND. Trong các yếu tố quyết định thành công của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND, lãnh đạo gương mẫu đi đầu có ý nghĩa then chốt góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong lực lượng CAND hiện nay. Việc gương mẫu đi đầu của lãnh đạo, chỉ huy CAND các cấp được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) dưới quyền, quần chúng nhân dân và đối với công việc. (1) Đối với mình là không được tự cao tự đại, tự mãn. Bởi tự cao tự đại, tự mãn là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu lãnh đạo, chỉ huy mắc phải căn bệnh này thì dễ mù quáng, thiển cận, luôn đề cao cá nhân mình, coi thường CBCS dưới quyền và nhân dân, nhất định sẽ thoái bộ, dừng lại. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”. (2) Đối với CBCS dưới quyền và nhân dân phải yêu thương, khoan dung, độ lượng; phải luôn có thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Lãnh đạo, chỉ huy CAND phải thực hiện tốt việc sắp xếp, phân công CBCS công tác; thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí và nhân dân. Kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, Nhà nước và nhân dân. (3) Đối với việc phải tận tâm, tận lực, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, gương mẫu, đi đầu trong công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, tránh khô cứng, máy móc, luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ huy CAND phải luôn giữ vững nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, nghĩa là đặt việc công lên trên, lên trước việc tư. Luôn đề cao tinh thần “chí công vô tư”, biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng. Thực hiện “nói đi đôi với làm”, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương. Bởi vì, chỉ có nhất quán giữa lời nói và việc làm thì người lãnh đạo mới giành được lòng tin của CBCS và nhân dân. Nếu lãnh đạo, chỉ huy nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hoặc “nói một đằng làm một nẻo”, thì nhất định sẽ mất uy tín trước đơn vị, trước cộng đồng, và vai trò của sự nêu gương sẽ không thể phát huy được. Sự thống nhất giữa lời nói và việc làm còn là yêu cầu khách quan của phẩm chất người lãnh đạo, chỉ huy, nhất là trong tình hình hiện nay. II. Những năm qua, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CAND luôn phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, luôn được CBCS tin tưởng, học tập, noi theo. Lực lượng CAND đã tập trung xây dựng và triển khai quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thực hiện thí điểm quy trình giới thiệu, bổ nhiệm lãnh đạo theo hướng những người được dự kiến bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, gắn quy hoạch cấp ủy với quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh cán bộ, thực hiện luân chuyển cán bộ và thực hiện quy định giám đốc và trưởng công an huyện không là người địa phương… Đây là những vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, vấn đề nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy các cấp hiện nay vẫn chưa thực sự tốt, thậm chí, không ít trường hợp thiếu tinh thần nêu gương đi trước, làm trước, giản đơn trong vai trò lãnh đạo, thậm chí hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ huy… Một bộ phận lãnh đạo, chỉ huy chỉ hô hào suông, chưa coi trọng việc làm thực tế, còn hình thức, bệnh thành tích, độc đoán, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, lợi ích nhóm; chưa thật coi trọng việc lắng nghe ý kiến của CBCS và nhân dân; vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có tư tưởng “an phận, thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh để lo giữ mình, giữ việc; coi nhẹ sự quản lý, điều hành đơn vị, gây mất đoàn kết nội bộ, kéo lùi sự phấn đấu của CBCS; xuất hiện những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, ngại học tập lý luận chính trị, sa sút ý chí chiến đấu, ngại đấu tranh phê bình và tự phê bình; nhũng nhiễu, vô cảm trước những khó khăn của nhân dân… Trước thực tế nêu trên, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, bảo đảm xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao thì vai trò của lãnh đạo gương mẫu đi đầu là hành động thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND hiện nay, trong đó cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau: Một là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị, coi đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định tạo chuyển biến mạnh mẽ về hành động gương mẫu, đi đầu. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thẩm quyền, trách nhiệm của bí thư cấp ủy, thủ trưởng đơn vị trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, đơn vị; từng bước xác định rõ ràng hơn trong quy chế làm việc. Đây là vấn đề có tính quyết định trong xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy CAND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến việc nêu gương về đạo đức, lối sống, bởi phẩm chất đạo đức là cái gốc của một con người. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cần phải gương mẫu, vì sự gương mẫu của cấp cao sẽ là tấm gương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy đảng các cấp, nhất là đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp nhận thức đầy đủ hơn về yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình; tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ động ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định. Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, phát huy vai trò của chỉ huy Công an các cấp đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND. Trong giai đoạn hiện nay, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường khiến bệnh tham lam, bè phái, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, xa rời quần chúng, chuộng hình thức, thực dụng… dễ nảy sinh. Để điều trị các chứng bệnh ấy, tất phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, thể hiện quy luật phát triển của Ðảng, có đấu tranh, có phê bình, có kiểm tra nhằm phát huy những mặt tốt, khắc phục mặt xấu để tự mình đổi mới, tự mình phát triển, cùng với việc đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm theo Sáu điều Bác dạy và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp về vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Lấy tiêu chí xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm mục tiêu, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kiên định độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, ý chí cách mạng, dũng cảm hy sinh bảo vệ Đảng và nhân dân. Để làm được điều đó, phải thực hiện tốt việc định kỳ ra nghị quyết, xây dựng kế hoạch về công tác tư tưởng, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân điển hình tiên tiến trong lĩnh vực công tác giáo dục chính trị tư tưởng của từng đơn vị, địa phương. (còn nữa)

Trung tướng Lê Văn Đệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND

CATP Hà Tĩnh