Giao thông tại TP. Hồ Chí Minh: “Bội thực” vì Uber, Grab taxi
Từ đầu năm 2016 đến nay, bình quân mỗi ngày tại TPHCM có khoảng 180 xe ôtô đăng ký mới, tăng khoảng 80% so cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, lượng xe ôtô tăng cao cũng có một phần do không ít người đầu tư xe để chạy Uber, Grab taxi. Lượng xe ôtô tăng kéo theo mật độ lưu thông trên đường ngày càng dày đặc, trong khi diện tích mặt đường của TPHCM tăng không đáng kể đã khiến ùn tắc giao thông tại TPHCM thêm trầm trọng.
Mỗi ngày có thêm 180 xe ôtô mới lưu thông Ngoài sự gia tăng chóng mặt của phương tiện xe gắn máy 2 bánh (hiện có khoảng 7 triệu chiếc), những năm trở lại đây, TPHCM còn đối mặt với sự gia tăng đột biến của phương tiện xe ô tô. Nếu như cuối năm 2010, số lượng xe ôtô do TPHCM quản lý chỉ 446.956 chiếc thì đến cuối tháng 7.2016 đã tăng lên 596.208 phương tiện (tăng 150.000 xe). Ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM – cho biết: “Phương tiện giao thông đang tiếp tục tăng cao nhưng thành phố vẫn chưa có giải pháp hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng xe ôtô đăng ký mới tăng rất nhanh, tăng 86% so với cùng kỳ 2015. Nếu năm 2015, mỗi ngày thành phố tăng thêm khoảng 100 xe ôtô thì năm nay con số đó khoảng 180 chiếc/ngày”. Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 7.2016, trên địa bàn TPHCM tăng thêm 5.787 xe ôtô, tính ra bình quân mỗi ngày tăng 192 chiếc.
Xe ôtô tăng đột biến, đường TPHCM kẹt cứng (ảnh chụp trên đường Điện Biên Phủ). ảnh: Minh Quân
Theo nhận định của thạc sĩ Lê Trung Tính – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, lượng xe ôtô nhập khẩu vào VN ngày càng tăng, nhất là các loại xe ôtô nhập từ một số nước Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc có giá thành tương đối rẻ nên với người dân TPHCM việc mua sắm một chiếc xe ôtô là không quá khó. Đó cũng là lý do góp phần làm cho số lượng phương tiện ôtô cá nhân tại TPHCM tăng đột biến. Những năm qua, TPHCM đã nỗ lực tìm cách hạn chế xe cá nhân bằng hàng loạt các đề xuất như: Ôtô đi theo ngày chẵn, lẻ; thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố; khống chế hạn ngạch đăng ký xe mới; đấu giá quyền lưu hành phương tiện… Thế nhưng đến nay, các giải pháp, đề xuất trên cũng đều chưa thể triển khai vào thực tế, bởi tính khả thi các giải pháp không cao cộng với sự phản ứng từ dư luận. Uber, Grab taxi nở rộ góp phần làm kẹt xe Nhiều khu vực tại trung tâm thành phố vốn thông thoáng thì nay cũng đã trở nên chật cứng bởi lượng xe ôtô, nhất là xe ôtô dưới 9 chỗ ken dày đặc trên đường vào những giờ cao điểm như đường: Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai… Số lượng xe ôtô tăng cao nên một số tuyến đường tại khu vực trung tâm cũng được ngành giao thông điều chỉnh thêm làn đường dành cho xe ôtô lưu thông, nhằm hạn chế xe ôtô nối đuôi kéo dài. Mặt khác, vì không có chỗ đậu xe nên nhiều trục đường cũng xảy ra tình trạng xe ô tô, taxi đậu tràn lan dưới lòng đường khiến cho giao thông thêm ùn ứ. Theo các chuyên gia giao thông, một trong những nguyên nhân góp phần làm ùn ứ giao thông thêm trầm trọng tại khu vực trung tâm TPHCM gần đây là do sự nở rộ của loại hình vận tải hành khách bằng Uber, Grab taxi. Với mức giá cước thấp hơn taxi truyền thống, nhu cầu người dân đi lại bằng Uber, Grab taxi tăng cao, kéo theo đó tạo ra một làn sóng nhiều cá nhân đầu tư phương tiện tham gia chạy Uber, Grab taxi. Theo chuyên gia ước tính ở TPHCM xe ôtô chạy Uber, Garb taxi lên đến vài nghìn xe. Khi bật ứng dụng Uber hay Grab lên mọi người đều có thể nhận thấy chi chít lượng xe Uber, Grab taxi xuất hiện khắp các tuyến đường. Ông Lê Hoàng Minh – Phó GĐ Sở GTVT – cho rằng: “Đối với Grab taxi được Chính phủ cho thí điểm tại một số thành phố, trong đó có TPHCM. Hiện đơn vị này có báo cáo tình hình hoạt động, số lượng phương tiện cho Sở GTVT, tuy nhiên do đang thí điểm nên doanh nghiệp yêu cầu không công bố số liệu phương tiện. Riêng đối với loại hình Uber taxi, nở rộ tại TPHCM, song chúng tôi không thể kiểm soát hoạt động cũng như số liệu phương tiện, dù Sở GTVT đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu”. Nếu như một xe ôtô cá nhân của gia đình, mỗi ngày thường chỉ lăn bánh từ nhà đến chỗ làm, và ngược lại; thì xe ôtô cá nhân dùng chạy Uber, Grab taxi lại có tần suất hoạt động như con thoi với tổng kilômét lăn bánh lên đến 100 – 200km/ngày để đưa đón khách. Chính tần suất hoạt động như con thoi của lượng xe Uber, Grab taxi cùng với khoảng 12.000 taxi truyền thống đang hoạt động tại TPHCM càng làm cho mật độ giao thông trên đường lúc nào cũng tăng cao, góp phần gây cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng. TS Huỳnh Thế Du – chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cảnh báo, việc cần làm ngay đối với TPHCM là phải tìm giải pháp hạn chế sự gia tăng xe ôtô một cách nhanh chóng trong thời gian tới khi thu nhập của người dân gia tăng. Nếu không có giải hữu hiệu thì nhiều khả năng trong tương lai thành phố trở thành một bãi đậu xe ôtô khổng lồ, bởi một chiếc xe hơi bốn chỗ chiếm diện tích đường bằng 3-5 chiếc xe máy. Còn theo TS Phạm Xuân Mai (giảng viên ĐH Bách Khoa TPHCM), thành phố phải đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện trên cao, xe buýt nhanh trên mặt đất…) hơn nữa, chứ phát triển ỳ ạch như lâu nay thì không giải quyết được ùn tắc do xe cá nhân (xe gắn máy 2 bánh, xe ôtô) đang tăng từng ngày. Vẫn lúng túng trong việc thu thuế Uber Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn mới về thu thuế Uber sau khi thu hồi văn bản của Tổng cục Thuế cũng về việc này cách đây hơn 1 tháng. Bộ Tài chính yêu cầu Cty Uber Hà Lan ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo quy định và thỏa thuận phân chia kết quả kinh doanh theo doanh thu để thuận tiện cho việc thu thuế. Tuy nhiên, việc này, theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thuế, việc thu thuế Uber cũng khó thực hiện, việc thu trông chờ vào ý thức Cty Uber Hà Lan và tài xế Uber. Hai năm hoạt động tại Việt Nam, Uber đang gây ra lúng túng nhất định đối với nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Bởi căn cứ theo quy định này thì Uber là nhà cung cấp dịch vụ vận tải, còn theo luật khác thì doanh nghiệp này chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động vận tải. Hơn một tháng sau khi Tổng cục Thuế thu hồi văn bản hướng dẫn về chính sách quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của Cty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam, Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn mới về thu thuế Uber. Bộ Tài chính yêu cầu Cty Uber Hà Lan ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo quy định và thỏa thuận phân chia kết quả kinh doanh theo doanh thu.Cũng theo văn bản này, do không đủ điều kiện để nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ nên Uber sẽ nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu, tổng cộng mức thuế phải nộp là 5% (gồm 3% thuế GTGT và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp). Riêng cá nhân kinh doanh vận tải có ký kết hợp đồng với Uber Hà Lan phải nộp thuế theo tỉ lệ 3% đối với thuế GTGT, 1,5% đối với thuế TNCN trên doanh thu được hưởng. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho Cty TNHH Uber Việt Nam hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỉ lệ nêu trên với phần doanh thu được hưởng của Cty Uber Hà Lan lẫn của cá nhân kinh doanh và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định. Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn 1 tháng cơ quan quản lý thuế có văn bản về việc thu thuế Uber. Trước đó, Tổng cục Thuế có văn bản giao cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế cho nhà thầu Uber theo tỉ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu. Tuy nhiên, hướng dẫn này bị dư luận phản ứng nên văn bản đã bị thu hồi. Ông Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho rằng , cho đến giờ này Uber vẫn khẳng định chỉ là người cung cấp giải pháp công nghệ chứ không phải kinh doanh vận tải. Ông Trí khẳng định, Tổng cục Thuế vẫn đang tìm cách thu thuế từ Uber. “Sau một thời gian gây sức ép, Cty Uber Việt Nam mới đăng ký mã số thuế, việc cấp mã số này, Uber Việt Nam cố tình khai thiếu rất nhiều thông tin, nhưng Tổng cục Thuế chỉ đạo cương quyết cứ cấp trước, thiếu gì bổ sung sau. Nói vậy để thấy sự hợp tác của Uber với cơ quan quản lý cũng rất hạn chế. Quan điểm của Tổng cục Thuế là sẽ tìm mọi cách để thu trong khuôn khổ pháp luật. Còn việc hướng dẫn thu thuế Uber có khả thi hay không thì phải qua thực tế chứng minh”, ông Trí nói. Trong khi đó, với các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, việc chậm trễ trong thu thuế Uber đang tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Ông Hồ Huy – Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh – nói, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi trong nước phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT hàng loạt loại phí khác theo quy định của pháp luật Việt Nam khiến giá thành đẩy lên cao. Trong khi đó, Uber vẫn không phải đóng thuế.CATP Hà Tĩnh