Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của lực lượng CAND
Trải qua 10 năm, dưới nhiều vai trò và tên gọi khác nhau song Khoa Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia thuộc Học viện An ninh đã từng bước phát triển lớn mạnh, góp phần vào việc đào tạo các thế hệ sinh viên Học viện ANND và xây dựng, củng cố hệ thống lý luận nghiệp vụ an ninh.
Khoa QLNN về ANQG thuộc Học viện An ninh tiền thân là Bộ môn Quản lý hành chính nhà nước về ANQG, được thành lập ngày 25-12-2006 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Trải qua 10 năm, dưới nhiều vai trò và tên gọi khác nhau song đơn vị đã từng bước phát triển lớn mạnh, góp phần vào việc đào tạo các thế hệ sinh viên Học viện ANND và xây dựng, củng cố hệ thống lý luận nghiệp vụ an ninh.
Từ ngày đầu mới thành lập, Khoa chỉ có 8 người thì nay đội ngũ giảng viên gồm 26 đồng chí, trong đó có 3 PGS.TS, 1 tiến sỹ, 11 thạc sỹ (9 nghiên cứu sinh). Cùng với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng gồm các phó giáo sư, tiến sỹ có bề dày kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu khoa học càng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Khoa.
|
PGS.TS Phí Đức Tuấn, Phó Giám đốc Học viện ANND trao đổi công tác với cán bộ, giảng viên Khoa QLNN về ANQG. |
Nói về những kết quả mà Khoa QLNN về ANQG đạt được, phải kể đến 4 lĩnh vực trọng tâm là công tác giảng dạy; công tác xây dựng chương trình đào tạo, chương trình môn học; công tác biên soạn, chỉnh lý giáo trình, tài liệu dạy học và công tác nghiên cứu khoa học.
“Trong đó, việc xây dựng nên chuyên ngành QLNN về ANQG đối với hệ cử nhân là điểm nhấn đầu tiên. Đây cũng là chuyên ngành duy nhất được đào tạo ở 3 bậc học (cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ), dù đây là một trong những khoa ra đời muộn nhất ở Học viện ANND tính đến thời điểm hiện tại” – Đại tá, PGS.TS Ngô Trọng Thanh, Trưởng khoa QLNN về ANQG cho biết.
Bên cạnh đó, Khoa tham gia xây dựng chương trình khung cho các chuyên ngành bậc đại học; tham gia chỉnh lý chương trình khung cao học của 4 chuyên ngành; tham gia Hội đồng phân định kiến thức các chuyên ngành…
Thiếu tướng, PGS.TS Phí Đức Tuấn, Phó Giám đốc Học viện ANND, nguyên là Trưởng khoa QLNN về ANQG đầu tiên đã chia sẻ về những ý tưởng thành lập khoa cũng như những khó khăn ngày đầu gây dựng.
“Khi đó, chủ trương nhà trường là đào tạo đa ngành, mở các ngành học mới. Chúng tôi xét thấy QLNN về ANQG tuy chưa được đào tạo chính quy nhưng các bài học trước đó về vấn đề này đã được đào tạo cùng với các chuyên ngành, chuyên khoa khác nên tính khả thi cao. Xây dựng chuyên ngành này sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì chức năng này của lực lượng An ninh thời điểm ấy đang là một khoảng trống về lý luận”– PGS.TS Phí Đức Tuấn nói.
Phó Giám đốc Học viện ANND nhớ lại, khó khăn đầu tiên là nhận thức về khoa học QLNN còn hạn chế, chưa đầy đủ. QLNN đang ở những bước đi đầu chập chững, mới được khai mở nên chưa có sự kế thừa về mặt học thuật, việc xác định chương trình khung của bộ môn, chương trình của các tổ bộ môn, các môn học… hầu như xuất phát từ con số “0”.
Khó khăn thứ hai là về mặt tổ chức, nếu đòi hỏi cán bộ, giảng viên phải là những người được đào luyện qua thực tiễn thì Khoa QLNN về ANQG chỉ có “hai bàn tay trắng”, ngay cả PGS.TS Phí Đức Tuấn cũng sang ngang từ một giáo viên nghiệp vụ trinh sát. Có chăng, may mắn hơn là ông được tiếp xúc với luận án của những cán bộ cấp cao của ngành Công an như: GS.TS Trần Đại Quang, GS.TS Phùng Hồng, GS.TS Bùi Quảng Bạ, TS Đỗ Văn Thuyết…
Đối mặt với những khó khăn ban đầu khi nền lý luận còn sơ khai như vậy, cán bộ, giảng viên Khoa QLNN về ANQG đã chung sức đồng lòng, tập trung nghiên cứu những lý luận cơ bản về QLNN, dựa vào trung tâm nghiên cứu khoa học QLNN là Học viện Hành chính quốc gia, có sự liên kết, học hỏi, trao đổi với Khoa QLNN về những vấn đề xã hội của Học viện.
Bên cạnh đó tiếp cận với các tài liệu trong nước, nước ngoài; mày mò tìm tòi, nghiên cứu, mạnh dạn giao cán bộ nghiên cứu các đề tài khoa học QLNN về an ninh đối với các đối tượng cụ thể như người nước ngoài, xuất nhập cảnh, cửa khẩu; thường xuyên tọa đàm, trao đổi khoa học với các trường, học viện trong và ngoài lực lượng CAND…
“Nghĩa là đi tìm và định hình những yếu tố cốt lõi, cơ bản của chuyên ngành QLNN về ANQG, cũng như muốn phát triển những nhánh cây bên trên thì phần gốc phải tốt vậy”, PGS.TS Phí Đức Tuấn lý giải. Từ những ý tưởng manh nha ban đầu, cán bộ giảng viên của Khoa đã phát triển, nhân rộng và làm lan tỏa những nhánh cây khoa học của một bộ môn khoa học quan trọn
g của ngành, mà sau 10 năm lực lượng CAND đã có những “quả ngọt” đầu tiên.
10 năm qua, một khoảng thời gian không dài so với lịch sử 70 năm của Học viện ANND nhưng giáo viên của Khoa đã thực hiện hàng chục bài dạy giỏi và giờ dạy giỏi cấp học viện và cấp khoa; vượt định mức giờ dạy trên 100%; đồng thời giảng dạy hàng nghìn lượt lớp, mời giảng hàng trăm lượt lớp.
Biên soạn hàng chục giáo trình các hệ đào tạo, sách tham khảo và tài liệu dạy học, Khoa QLNN về ANQG cũng tham gia nghiên cứu 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước, chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ trọng điểm và 1 đề tài cấp Bộ; tham gia nghiên cứu 14 đề tài cấp Bộ; chủ nhiệm, nghiên cứu hàng chục đề tài cấp cơ sở, viết hàng trăm bài báo khoa học và hướng dẫn hàng trăm công trình khoa học, khoá luận tốt nghiệp của học viên…
Từ một phòng nhỏ tách ra thành hai cách đây 10 năm, giờ Khoa QLNN về ANQG đã có 6 phòng làm việc với cơ sở vật chất được đổi mới, hiện đại, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Là người đặt nền móng và tạo vị thế cho Khoa QLNN về ANQG ngày nay, Thiếu tướng, PGS.TS Phí Đức Tuấn; Đại tá, PGS.TS Ngô Trọng Thanh cũng như cán bộ, giảng viên của Khoa luôn trăn trở làm sao để phát triển, nâng tầm vị thế của bộ môn khoa học này, tiến tới đào tạo đội ngũ giảng viên thành các chuyên gia về khoa học quản lý, được thực tiễn thừa nhận và tham gia vào quá trình này.
Những người thầy giáo an ninh tâm huyết luôn mong muốn hệ thống đề tài, giáo trình, tài liệu dạy học về lĩnh vực này tiếp tục được nghiên cứu theo hướng chuyên sâu, đi đến tận cùng. Từ đó đem lại hiệu quả đối với các đối tượng QLNN và mở ra hướng nghiên cứu khoa học về đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp đảm bảo ANQG…
CATP Hà Tĩnh