Growbest Hà Tĩnh đại thắng “canh bạc” nuôi tôm sinh học
Nằm trong “tâm điểm” và chịu thiệt hại hàng chục tỷ đồng do sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhưng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật, các kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã không bỏ cuộc, giành thắng lợi vụ tôm ngay trong thời điểm “tâm bão”.
Công nhân Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh thu hoạch tôm.
Nhớ lại chuỗi ngày đầy khó khăn sau sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung vào đầu tháng 4/2016, ông Đặng Văn Thành - cán bộ quản lý Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh vẫn chưa hết thảng thốt. Không chỉ phải tiêu hủy hơn 100 tấn tôm, với trị giá ước tính trên 15 tỷ đồng, Công ty Growbest còn bị khách hàng hủy nhiều hợp đồng tiêu thụ hàng triệu con tôm giống do trung tâm giống của công ty sản xuất.
Năm 2014, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã bỏ ra gần 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả 3 khu nuôi với tổng diện tích 36,8 ha ở Kỳ Phương, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh). Trải qua gần 2 năm hoạt động, nguồn thu chưa đáng là bao, nên thiệt hại nặng nề trong vụ nuôi này khiến công ty lao đao. Chỉ tính riêng việc trả lương, thưởng cho hơn 100 lao động, với mức trung bình 6 triệu đồng/người/tháng, cũng đã quá khó khăn.
Niềm vui thắng lợi
Trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, cả ông chủ và hơn 100 cán bộ kỹ sư, công nhân của Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã quyết định một “canh bạc” hết sức mạo hiểm. Công ty đã quyết định tạm ngưng hoạt động toàn bộ khu nuôi 38 ao ở Kỳ Phương vốn bị nhiễm độc nặng để dồn sức vào khu nuôi mới ở xã Kỳ Nam nằm sát chân Đèo Ngang.
Bài toán “cân não” đặt ra cho ông chủ và đội ngũ kỹ sư là lấy nguồn nước ở đâu để phục vụ nuôi tôm do nước biển quanh khu vực Vũng Áng vào thời điểm đó đang bị nhiễm độc? Những kỹ sư thuộc loại giỏi nhất, kinh nghiệm nhất của công ty và những đơn vị bạn được huy động, dành nhiều ngày nghiên cứu, tìm lời giải cho bài toán hóc búa về nguồn nước. Và cuối cùng, giải pháp xử lý nguồn nước biển được lựa chọn.
Trung tuần tháng 6, các kỹ sư quyết định xuống giống cho 26 ao nuôi với diện tích 1.500 m2/ao. Tiếp đó là những ngày “ăn, ngủ và nín thở” với những ao tôm. Chỉ cần một biến động nhẹ trên mặt nước cũng không được bỏ sót. “Bao năm đeo đuổi con tôm, đây là vụ nuôi chúng tôi trải qua những thời khắc khó khăn, phải nín thở với những ao tôm nhiều nhất” - kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh nói.
Toàn cảnh khu nuôi tôm sinh học của Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh ở xã Kỳ Nam nằm sát chân đèo Ngang.
Theo kỹ sư Ánh, vụ tôm “đặc biệt” này, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường đảm bảo theo công nghệ sinh học hiện đại, cơ cấu lại diện tích nuôi, thêm các ao hỗn hợp lọc nước biển vào, kiểm soát chặt chẽ các chỉ số. Đặc biệt, công ty đã dành 1/3 diện tích ao (1,5 ha) để xử lý nước trước khi đưa vào nuôi và bố trí diện tích hồ nuôi nhỏ hơn so với các hồ bình thường, giúp xử lý sục khí nhanh hơn.
Sau 70 ngày “ăn, ngủ và nín thở” với những ao tôm, cuối tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh đã tiến hành thu hoạch vụ tôm “đặc biệt” này. Khi những mẻ lưới được kéo lên sát góc ao, cũng là lúc mấy chục con người đứng trên bờ vốn hơn 2 tháng qua mất ăn, mất ngủ đã vỡ òa trong niềm vui. “26 ao tôm với tổng diện tích 4 ha đã cho thu hoạch gần 160 tấn. Với giá thị trường tại thời điểm này là 155.000 đồng/kg, công ty đã thu về hơn 24 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 8 tỷ đồng” - ông Thành phấn khởi cho biết.
Hạnh phúc của ông chủ Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh không chỉ ở kết quả vừa đạt được, mà điều quan trọng đã chứng minh, nếu làm chủ kỹ thuật thì có thể nuôi được con tôm sạch dù điều kiện môi trường biển không thuận lợi. Thêm nữa, những tín hiệu vui từ các ao tôm an toàn, cho thu hoạch đúng hạn, đã mang đến những tín hiệu vui cho trại giống của công ty.
“Những ngày vừa rồi, rất nhiều khách hàng là các chủ trại nuôi lớn ở không chỉ miền Trung này đã tìm đến với chúng tôi. Khảo sát các ao nuôi, chứng kiến những gì chúng tôi làm được, khách hàng khá yên tâm. Nhiều đơn hàng cung cấp tôm giống đã được chúng tôi ký kết” - ông Thành thông tin thêm.
CATP Hà Tĩnh