Hà Tĩnh: Các địa phương cần khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy
Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và đề cương hướng dẫn những nội dung trọng tâm của đề án sáp nhập xã, thị trấn diễn ra chiều 7/6.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải cùng dự hội nghị
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết.
Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm: Tỉnh cần xây dựng một quy định về trình tự các bước sáp nhập xã để các địa phương làm cơ sở thực hiện.
Ngoài việc tập trung nghiên cứu, quán triệt, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, hành động trong thực hiện các nội dung của các nghị quyết, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các sở, ban ngành và đơn vị sự nghiệp trực thuộc; khắc phục triệt để sự trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ hoặc sai chức năng.
Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các phòng, ban, bộ phận trực thuộc. Giải thể các ban chỉ đạo liên ngành không thực sự cần thiết, hoạt động kém hiệu quả. Phân cấp, phân quyền hợp lý giữa UBND tỉnh với các sở, ban, ngành; giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với chính quyền cấp huyện, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; phát huy tính chủ động sáng tạo, đề cao tinh thần, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải: Cần sớm xem xét các cơ chế chính sách về cán bộ và cơ sở vật chất hạ tầng sau sáp nhập xã.
Về đề cương hướng dẫn những nội dung trọng tâm của đề án sáp nhập xã, thị trấn, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, để thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, tỉnh cần có ban chỉ đạo để có sự hỗ trợ các địa phương, tạo khí thế, tinh thần thực hiện; có cơ cấu phân kỳ trong việc thực hiện sáp nhập; cần xây dựng văn bản quy định cụ thể trình tự các bước thực hiện sáp nhập để các địa phương làm cơ sở thực hiện. Nhiều ý kiến cũng băn khoăn đến chính sách cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập, cơ sở hạ tầng các xã sáp nhập....
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Thạch: Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn trong sáp nhập trường, sáp nhập thôn xóm, song đối với các nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW chúng ta đang làm rất chậm.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, thực tế cho thấy, tỉnh ta thực hiện Nghị quyết 18 còn chậm, tư tưởng chưa thông, thiếu quyết tâm chính trị. Do đó, các địa phương cần thấm sâu nội dung của nghị quyết để đẩy mạnh thực hiện, bởi đây là chủ trương hết sức quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các địa phương triển khai xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương bắt tay xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Sở Nội vụ bám sát, kiểm tra, đánh giá thực tế triển khai tại từng địa phương.
Về cơ chế chính sách, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng trong nghị quyết đã có, tuy nhiên, đó là cơ chế chung; tỉnh cần xây dựng cơ chế phù hợp với thực tế của địa phương, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra đánh giá cán bộ, dựa trên chất lượng công việc, các sản phẩm cụ thể.
CATP Hà Tĩnh