Hà Tĩnh: Cần “bàn tay sắt” trong cuộc chiến chống thực phẩm “bẩn”
Hàng loạt cơ sở vi phạm về Vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng loạt cơ sở bị cơ quan chức năng đấu tranh phát giác. Thế nhưng, việc làm đó dường như chỉ là ném đá ao bèo. Thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại trên thị trường và là môi đe dọa về tính mạng và sức khỏe của con người. Đâu là giải pháp toàn diện và lâu dài để mỗi người, mỗi nhà được sử dụng thực phẩm sạch, không còn những nỗi lo, những bất an về thực phẩm bẩn như hiện nay.
Tiền “sạch” mua thực phẩm “bẩn”….
Nằm cách khá xa khu dân cư, khu giết mổ gia súc, gia cầm Huệ Hùng thôn Đông Tân, xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà được xem là “an toàn” khi ít người qua lại. Thế nhưng, khi công việc giết mổ các loại gia súc kết thúc, phục vụ cho các tiểu thương cho một ngày mới là việc chế biến mỡ bẩn diễn ra công khai, không bị phát hiện. Theo đó, tại cơ sở này hàng chục bao tải chứa mỡ bẩn đã bốc mùi hôi thối đang tồn kho, chờ ngày xuất xưởng. Các loại móng chân trâu, bò, xương gia súc nằm ngổn ngang, đống chất đống cũng chờ ngày xuất xưởng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, số lượng hàng này, sẽ được bán lại cho một cơ sở chế biến thực phẩm ở Diễn Châu, Nghệ An. Và đến khi trở thành thành phẩm, mấy ai được biết nguồn thực phẩm đầu vào có nguồn gốc như vậy. Thế nhưng, khi được hỏi nhân viên bảo vệ thì không biết ông chủ bán cho ai và để làm gì?!
Nằm khá khuất ở tổ dân phố Tuy Hòa, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh , chị Nguyễn Thị Hạnh Đoan vẫn hàng ngày sản xuất giò, chả bán lẻ tại các chợ của TP. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết mỗi ngày chị chế biến khoảng 50 con dò. Thế nhưng ít ai biết rằng, chị đã dùng hàn the trộn lẫn trong dò để bảo quản sản phẩm. Chị giải thích rằng: “làm hàng mà nếu không có chất bảo quản thì hỏng mất, làm hỏng thì lần sau họ cũng khiếp, mình bỏ một tý thì cũng không đáng kể. Còn về tác hại thì đã được tập huấn về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Mục sở thị một cơ sở sản xuất bánh mướt ở khối 7, thị trấn Cày huyện Thạch Hà là thế này đây.Khá tấp nập người mua tận gốc. Thế nhưng vào tận lò, chúng tôi mới phát hiện những bất cập trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở này. Những bao bì được nằm ngay ngắn có nhãn mác là thức ăn cho gia súc. Ở nhà trong, ở nhà ngoài. Và, phía trong những bao bì này là gạo - nguyên liệu chính để làm bánh mướt. Có ai dám chắc rằng những bao bì từng đựng thức ăn gia súc an toàn đối với sức khỏe của con người. Bà Nguyễn Thị Mai – chủ cơ sở thừa nhận vi phạm, bởi khi giao hàng người bán vẫn sử dụng những bao bì thức ăn gia súc, đơn vị sẽ rút kinh nghiêm.
Cũng tại cơ sở này là một khoảng cách không xa giữa chuồng nuôi lợn, đến công đoạn của cuối của quy trình sản xuất bánh mướt. Chỉ có thể biết mức độ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi tận mắt chứng kiến. Bởi khi đã trở thành thành phẩm, trên bàn ăn thì dường như người thưởng thức xem đó là thực phẩm an toàn.
Cũng ở huyện Thạch Hà, cơ sở sản xuất nước khoáng có một không hai ở thôn Đại đồng, xã Thạch Long. Nói là cơ sở nhưng họ hoạt động lén lút, chỉ thấy người và thùng nhựa, chẳng thấy một công nghệ xử lý gì.Trong nhà sản xuất nhưng bên ngoài là "kín cổng cao tường". Có dám chắc những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát như thế này sẽ đảm bảo an toàn. Quy trình xử lý công nghệ nước ở đây như thế nào?Vậy mà nó vẫn ngang nhiên tồn tại?
Thực tế cho thấy, tất cả những vi phạm của các cơ sở trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đối với vấn nạn thực phẩm bẩn trên địa bàn Hà Tĩnh. Đã có không ít cơ sở đã bị các lực lượng chức năng, xử lý vi phạm. Nhưng vì lợi nhuận từ công nghệ hô biến thực phẩm bẩn thành thực phẩm sạch đã làm lóa mắt các chủ cơ sở, trong khi chế tài xử lý chưa đủ mạnh,việc làm này dường như chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, ném đá ao bèo. Khi hết đợt ra quân, truy quét thì đâu lại vào đấy.Và người tiêu dùng đã phải sống trong cảnh mất tiền sạch vì thực phẩm bẩn. Ông Nguyễn Đức Đồng – Người dân phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Bận ăn hàng ngày không ai bỏ đươc, mà ăn hàng ngày bây giờ chợ có, nơi trồng trọt có, chăn nuôi có đều có thực phẩm bẩn, tôi cảm thấy rất là nguy hại. Rõ ràng do lợi nhuận thì người ta bất chấp, bản thân chúng tôi là người dân thì biết như vậy thôi nhưng ăn là phải ăn”.
Cũng đồng tình với quan điểm của người dân, ông Phan Văn Hùng, chi Cục trưởng chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Đối với cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận bất chấp vấn đề sức khỏe cũng như vấn đề đạo đức, họ đã vì lợi nhuận mà k quan tâm đến chất lượng sản phẩm nên đã đưa các loại hóa chất dùng để bảo quản không đáp ứng quy định tung ra thị trường.
Cần “ bàn tay sắt”….
Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trách nhiệm không của riêng của một ngành.Vấn nạn thực thực phẩm “bẩn” lộng hành trên thị trường có một phần nguyên nhân thuộc về các cơ quan quản lý, lực lượng đấu tranh còn thiếu các biện pháp đồng bộ, chưa quyết liệt phòng chống, ngăn chặn, thậm chí còn có những kẽ hở trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, chế tài xử lý, xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP quá nhẹ, không đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính, thu giữ phương tiện, tiêu huỷ sản phẩm, tang vật vi phạm. Do đó các đối tượng sản xuất, buôn bán, kinh doanh, chế biến thực phẩm “bẩn” dường như “nhờn” với cách thức xử lý của các cơ quan, ngành chức năng…Ông Phan Văn Hùng, chi Cục trưởng chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thừa nhận:“Chúng ta cũng xử lý chưa nghiêm trong vấn đề các hình thức vi phạm, cái đi kèm theo đó là đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm còn mỏng, thanh tra chuyên ngạch còn non, kinh phí thì hạn hẹp và đặc biệt hệ thống kiểm nghiệm để phát hiện nhanh thực phẩm ô nhiễm ở địa bàn Hà Tĩnh rất khó trong vấn đề chúng ta kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm”.
Để tăng cường chế tài xử phạt về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành sẽ được áp dụng trong thời gian tới với các mức xử lý như người vi phạm có thể bị phạt tù giam từ 3 năm tới 20 năm, phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, đột phá trong cuộc chiến chống lại vấn nạn thực phẩm “bẩn” hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phan Kế Hiên, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh cho biết: “Để khắc phục tình trạng quy định chung chung như Bộ luật Hình sự năm 1999, thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về nhóm hành vi tức là người nào mà chỉ cần sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán cung cấp thực phẩm. Có hành vi đó là đã phạm tội rồi, còn nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt tăng lên và tối đa của khung hình phạt điều luật này là tù đến 20 năm là tội đặc biệt nghiêm trọng, sau này sẽ có hiệu lực thi hành thì tôi tin chắc rằng sẽ rất thuận lợi cho những người thực thi pháp luật như là các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Để các quy định này của pháp luật sớm đi vào cuộc sống, nhanh chóng phát huy hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong nhân dân, đặc biệt là trong các đối tượng có liên quan đến thực phẩm cần được tăng cường, đẩy mạnh. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát thực phẩm trên thị trường để kịp thời phát hiện sai phạm. Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương điều tra, đưa ra xét xử một số vụ án điểm với mức án nghiêm khắc để tăng cường tính giáo dục, răn đe, qua đó làm bài học cho những ai còn có ý định hoặc cố tình vi phạm quy định về VSATTP… “Ngành y tế cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm an toàn thực phẩm có đủ năng lực trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu quản lý về năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và sở nông nghiệp, sở y tế và sở công thương thành lập các hệ thống đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các thông tin, kịp thời xử lý các phản ánh của người dân, các vi phạm trong cộng đồng răn đe ngăn ngừa trong vấn đề đảm bảo ATTP trên địa bàn trong thời gian tới đồng thời có sự phối hợp liên ngành giữa Công an, các ngành các địa phương ngoài sở y tế, công thương và công nghiệp ra thì các ngành khác tăng cường công tác kiểm tra đồng bộ trên các chuỗi sản xuất cho đến tiêu dùng, mong rằng thời gian tới lĩnh vực sẽ được tốt hơn”- Ông Phan Văn Hùng, chi Cục trưởng chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho biết.
Thiết nghĩ, an toàn vệ sinh thực phẩm – trách nhiệm không của riêng ai. Mỗi người dân và cộng đồng xã hội lên án mạnh mẽ với các hành vi vi phạm đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, chế biến không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Người dân đang mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng xã hội để họ được sử dụng thực phẩm sạch từ đồng tiền mồ hôi, công sức do mình làm ra; để sức khỏe của bản thân, của người thân, gia đình, cộng đồng và xã hội không bắt nguồn từ thực phẩm bẩn. Ông Nguyễn Đức Đồng – Người dân TP Hà Tĩnh: Bây giờ để mà nói thật chỉ có các cấp, các ngành, các cơ quan về vấn đề chức năng này phải kiểm tra, phải giám sát thường xuyên. Phải có chế tài phạt thật nặng cho nhân dân biết nhất là đăng tải truyền hình báo chí để cho người ta còn biết mà tránh, thứ hai nữa là để cảnh báo những đối tượng khác. Vì cuộc sống của con người chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành sẽ vào cuộc”.
Hy vọng, niềm tin, niềm gửi gắm đó sẽ được trở thành hiện thực trong một ngày không xa….
CATP Hà Tĩnh