Hà Tĩnh đặt mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí
9 tháng năm 2021, Hà Tĩnh xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông, làm chết 68 người, bị thương 26 người; so với cùng kỳ năm 2020: giảm 11 vụ, giảm 11 người chết và giảm 12 người bị thương .
Trong 9 tháng năm 2021, công tác đảm bảo trật tự ATGT, gắn với phòng chống dịch COVID-19 đã được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp, tình hình TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí.
Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông, làm chết 68 người, bị thương 26 người; so với cùng kỳ năm 2020: giảm 11 vụ (-12,4%), giảm 11 người chết (-13,9%), giảm 12 người bị thương (-32%).
Một vụ tai nạn xảy ra vào ngày 12/8/2021 trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Hương Khê làm 1 người tử vong.
Tuy vậy, tình hình trật tự, ATGT vẫn diễn biến phức tạp; số người chết do TNGT còn ở mức cao, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, vẫn còn xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng do thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe máy (vụ tai nạn xảy ra ở ĐT 547 huyện Nghi Xuân, làm chết 3 người, bị thương 1 người).
Vi phạm xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng, xe chở keo tràm gây mất ATGT, vệ sinh môi trường còn xảy ra trên các tuyến đường; đặc biệt là trên các tuyến đường vào mỏ vật liệu trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, Lộc Hà, huyện Kỳ Anh, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Vũ Quang và Hương Khê. Tình trạng phơi nông sản, hải sản trái phép, họp chợ, thả rông trâu bò còn tái diễn vi phạm trên nhiều tuyến đường như: ĐT 547 qua Nghi Xuân, Lộc Hà, trên tuyến QL15B qua địa bàn Cẩm Xuyên, Lộc Hà; thả rông trâu, bò trên tuyến QL12C qua địa bàn thị xã Kỳ Anh, trên tuyến QL15B (Can Lộc), QL1 (Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hồng Lĩnh) và trên tuyến đường sắt qua địa bàn các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, công tác phòng chống dịch COVID-19 chuyển sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; các hoạt động kinh tế - xã hội dần phục hồi, nhu cầu giao thông vận tải sẽ dần quay về với mức độ trước khi có đại dịch và tiếp tục gia tăng; đồng thời quý IV/2021 cũng là giai đoạn chuẩn bị đón tết Dương lịch, tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, đặt ra áp lực lớn đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Để đạt mục tiêu tối thiểu phải kiềm chế và giảm thiểu TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2020 theo kế hoạch đề ra; thực hiện Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 21/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2021, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung đã chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh
Trong đó, các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là các địa phương có TNGT tăng cao trong 9 tháng năm 2021 (Hương Khê, Nghi Xuân, thành phố Hà Tĩnh) phải tổ chức soát xét, xác định nguyên nhân, đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể để kiềm chế, giảm thiểu TNGT trong những tháng cuối năm 2021.
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ngày 15/9/2021 trên ĐT 547 huyện Nghi Xuân, làm chết 3 người, bị thương 1 người
Người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương từ huyện đến xã và các lực lượng chức năng nêu cao vai trò trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT trên địa bàn, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả xếp loại công tác đảm bảo ATGT tại cơ quan, đơn vị, địa phương, có hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện tốt; phê bình, kỷ luật, đánh giá phân loại đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về ATGT.
Các thành viên Ban ATGT tỉnh theo nhiệm vụ phân công phát huy vai trò, trách nhiệm, triển khai kịp thời các giải pháp đảm bảo ATGT theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực phụ trách và thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT trên các địa bàn được phân công.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT bằng nhiều hình thức gắn với phòng chống dịch COVID-19 đến với các đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động và người dân, cán bộ, đoàn viên, hội viên, để mọi người tự giác chấp hành các quy định pháp luật ATGT, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; kiên trì tuyên truyền, vận động thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”, “Lái xe không nghe điện thoại”...
Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên đăng tải tin bài, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề và phóng sự tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phản ánh về tình hình trật tự ATGT, TNGT trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Hà Tĩnh ra quân nhắc nhở người tham gia giao thông bật đèn chiếu xa (còn gọi là đèn pha) trong nội thành.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các bộ phận có liên quan tăng cường tuần tra xử lý các hành vi, vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; chú trọng các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, phương tiện quá hạn đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng, phương tiện chở quá tải trọng cho phép, quá số người quy định, xe vận tải khách vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn kỹ thuật, lái xe không đảm bảo điều kiện về sức khỏe, đặc biệt là các lái xe dương tính với chất ma túy.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh kí cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật An toàn giao thông đường bộ.
Yêu cầu Sở Giáo dục & đào tạo, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo tại Công văn số 2933/UBND-GT1 ngày 11/5/2020 về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT trong học sinh trên địa bàn tỉnh; trong đó yêu cầu xử lý nghiêm đối với học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông và trách nhiệm liên quan đối với phụ huynh học sinh và người lớn khi giao xe cho học sinh. Sở Giáo dục & Đào tạo yêu cầu các nhà trường phải tăng cường tuyên truyền giáo dục học sinh và gắn trách nhiệm cho hiệu trưởng nếu có học sinh vi phạm.
Yêu cầu Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện Công văn số 2393/UBND-GT1 ngày 14/4/2020 về tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là trên các tuyến đường dẫn vào các mỏ vật liệu (mỏ đất, mỏ đá,..), trên tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh; không để xảy ra các điểm nóng bức xúc về xe quá tải. Duy trì hoạt động của tổ kiểm soát tải trọng xe cấp huyện để xử lý tại các điểm nóng vi phạm trên địa bàn.
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tiếp tục siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, đặc biệt là đối với các đơn vị để xảy ra TNGT và vi phạm trật tự ATGT.
Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Công ty Cổ phần Đăng kiểm Hà Tĩnh, Công ty TNHH đầu tư Miền Trung và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3335/UBND-GT1 ngày 30/7/2019, Công văn số 7335/UBND-GT1 ngày 04/11/2019 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý xe cơ giới quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Quản lý đường bộ II.3 phối hợp với đơn vị bảo trì đường bộ và chính quyền xã Sơn Trung (Hương Sơn) tiến hành giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT trên tuyến QL8 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn.
Về công tác bảo vệ hành lang ATGT, khắc phục tồn tại trong tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục mở đợt cao điểm xử lý vi phạm hành lang ATGT, nhất là xử lý các điểm nóng vi phạm về họp chợ, phơi nông sản, hải sản trái phép trên đường, thả rông trâu bò trên đường bộ, đường sắt. Cục Quản lý đường bộ II, Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông để kịp thời duy tu, bão dưỡng, sửa chữa trên các tuyến đường được phân cấp quản lý; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT và các bất hợp lý khác về tổ chức giao thông trên các tuyến đường. Bố trí lực lượng tổ chức phân luồng hợp lý, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt khi xảy ra sự cố; không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do mưa, lũ gây ra.
Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, yêu cầu UBND các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ tăng cường thực hiện đảm bảo ATGT đường sắt và tiến hành xóa bỏ lối đi tự mở theo lộ trình vào năm 2025, giảm tối thiểu 30% lối đi tự mở vào năm 2021, huy động nguồn lực, động viên Nhân dân cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các lối đi tự mở; tuyệt đối không để phát sinh thêm lối đi tự mở trên địa bàn. Yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về đường thủy nội địa; nhất là xử lý tình trạng đăng đáy, vó cá xâm phạm luồng đường thủy nội địa đang xảy ra, tình trạng khai thác cát trái phép.
Theo Báo Hà Tĩnh