Hà Tĩnh: ‘Làng’ ‘bắt’ phụ huynh cho hơn 1000 học sinh Kỳ Hà nghỉ học!?
Đầu năm học mới 2016, trong khi học sinh cả nước nô nức đến trường khai giảng và bắt đầu học tập thì tại xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), hơn 1000 học sinh từ mầm non đến THCS phải ở nhà vì bị bố mẹ không cho đi học.
Có lớp chỉ 3 học sinh đi học
|
|
|
|
Giờ ra chơi nhưng sân trường vắng hoe |
|
Chúng tôi có mặt tại trường THCS Hà Hải vào buổi học đầu tiên của năm học mới 2016-2017. Dù đúng thời điểm đang giờ ra chơi nhưng sân trường vắng tiếng cười đùa, vui chơi ồn ào nhộn nhịp của học sinh như bao trường khác trên khắp cả nước. Chỉ lác đác một số nhóm học sinh đang trêu đùa nhau, một số em ngồi thẫn thờ vì thiếu bạn chơi vì phần lớn các bạn cùng lớp bị bố mẹ ngăn cấm không cho đi học.
Tại lớp 6D, chỉ có duy nhất 3/34 học sinh có mặt trong lớp, tuy nhiên giáo viên đứng lớp vẫn bắt buộc phải giảng dạy theo đúng quy định.
“Chỉ có em và 2 bạn nam đi học em rất buồn, em mong có thêm nhiều bạn nữ đi học nữa để có bạn cùng chơi”. em Phan Lê Anh Thảo, học sinh lớp 6D chia sẻ.
Các lớp còn lại số lượng học sinh đi học cũng rất ít, như lớp 7A có 10/38 em, lớp 7B có 11/39 em…Theo số liệu thống kê của trường, vào ngày khai giảng năm học lớp 5.9.2016, tại trường THCS Hà Hải chỉ có 91/520 học sinh xã Kỳ Hà đi học, còn buổi học đầu tiên vào ngày 6.9 có 94/520 em.Hai trường tiểu học và mầm non của xã Kỳ Hà cũng trong tình trạng tương tự.
Trước tình trạng đứng lớp với ít học sinh như vậy, cô Hoàng Tuyết Mai, giáo viên dạy toán lớp 6 của trường bật khóc: “chúng tôi thực sự rất buồn và thương các em không được đi học. Vì vắng buổi nào là mất kiến thức buổi đó. Cũng rất thương các em đi học vì ít bạn chơi và các hoạt động tổ chức trong lớp không thực hiện được”.
|
|
|
|
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cô giáo Hoàng Tuyết Mai đã bật khóc. |
|
Theo giáo viên trong trường cho biết, vào dịp hè và những ngày tựu trường, hầu hết giáo viên trong trường đều được điều động xuống tận gia đình học sinh để tham gia vận động, tuyên truyền phụ huynh cho các em đi học.
Các giáo viên cho biết, khi xuống vận động, hầu hết phụ huynh đều nói chưa cho các cháu đi học. Khi nào miễn giảm toàn bộ các khoản đóng nộp cũng như đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển mới cho đi.
Tuy nhiên, có điều khó hiểu là phụ huynh Kỳ Hà chỉ bắt học sinh các cấp học mầm non, tiểu học và THCS không được đến trường, còn học sinh khối THPT vẫn được phụ huynh cho đi học bình thường?
Theo như các giáo viên trực tiếp đi vận động, thực tế phụ huynh chưa khó khăn đến mức không thể cho con đi học, nhiều nơi cũng đã có sự hỗ trợ của nhà nước, hơn nữa thời điểm này trường cũng như địa phương chưa thu một khoản tiền nào, vì vậy việc đổ lỗi cho khó khăn không hẳn là lý do. Thậm chí nhiều gia đình đã mua đầy đủ sách vở, bút, cặp đầy đủ nhưng vẫn không cho đi học.
“Khi xuống phụ huynh cũng không nói gì nặng lời, có người nói thầy cô đừng xuống nữa mà tội thầy cô, khi nào làng cho đi chúng tôi mới cho các cháu đi học. Có nhiều gia đình chúng tôi xuống thì họ hứa ngày mai sẽ cho các con đi, nhưng rồi cũng không thấy em nào cả”, cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên dạy văn lớp 9 cho biết.
Thầy Nguyễn Minh Đạo, hiệu trưởng trường THCS Hà Hải cho biết: Nguyên nhân bắt đầu từ thảm họa môi trường biển. Từ cuối năm học 2015-2016, nhiều phụ huynh đã bức xúc sau khi thảm họa xảy ra. Phụ huynh yêu cầu phải miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp của học sinh thì mới cho các em đến trường.
“Tôi cũng trực tiếp xuống vận động học sinh đi học. Xuống mới thấy thực sự cũng rất cảm thông cho người dân. Có những gia đình có 7-8 đứa con đi học, hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, cách làm của người dân như vậy tôi không đồng tình”, thầy chia sẻ.
Thầy Đạo cho biết thêm, thời gian qua cán bộ, giáo viên trường đã tổ chức quyên góp được 7,8 triệu đồng, từ đó hỗ trợ mỗi em 3 quyển vở để động viên các em vào đầu năm học mới, hiện mới chỉ có 91 em nhận. Hiện tâm lý của các giáo viên trong trường cũng buồn, nhưng tất cả đều đồng nhất quan điểm chỉ đạo của cấp trên.
|
|
|
|
Thầy Nguyễn Minh Đạo, hiệu trưởng trường THCS Hà Hải: Hiện tình hình đang rất khó khăn |
|
Vào sáng 27.8, trong cuộc họp phụ huynh của trường chỉ có 196 phụ huynh tham gia dự họp. Nhà trường đã họp bàn kỹ với địa phương và ngành giáo dục về quan điểm chỉ đạo các khoản thu. Các khoản tiền năm trước có thu thì năm nay, nhà trường đặt vấn đề với xã là không khu bất kỳ khoản nào.
Riêng khoản tiền xây dựng, xã đã quyết định giảm 1/3 số tiền, nhà trường cũng tiếp tục đề xuất giảm đến mức tối đa, tiếp tục huy động các nguồn khác bổ sung. Tuy nhiên phụ huynh yêu cầu phải miễn hết.
Theo thầy Đạo, quá trình vận động phụ huynh không ít khó khăn. Vì có một số phụ huynh dù đã được nhà trường cho biết là miễn giảm các khoản thu thì lại lấy lý do là cuộc sống quá khó khăn không thể cho con đi học, trong khi đó lại không hợp tác, không chịu kê khai để được bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra.
“Nhà trường đang tuyên truyền phụ huynh cứ đem học sinh đi học đã. Về tiền xây dựng cơ sở vật chất, trường tham mưu xã giảm tối đa các khoản thu. Mục đích cuối cùng là đem học sinh đến trường, không để 1 học sinh nào phải nghỉ học”, thầy Đạo chia sẻ.
Trước tình trạng học sinh đi học quá ít như hiện nay, thầy Đạo đang đề xuất gộp các em đi học (cùng khối – PV) lại 1 lớp để thuận lợi cho giảng dạy, mong các cấp chính quyền có các biện pháp giải quyết sự việc. “Không thu thì mọi hoạt động của nhà trường tê liệt, việc vận động cũng khó khăn, vì vậy tha thiết đề nghị cấp trên có sự hỗ trơ cho các hoạt động của nhà trường”, thầy Đạo nói.
Không cho con đi học vì quá khó khăn (?)
|
|
|
|
Học sinh Tiểu học Kỳ Hà ở nhà chơi vì bố mẹ không cho đến trường. |
|
Đến thôn Bắc Hà vào những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều trẻ em đến tuổi tới trường nhưng ở nhà xúm nhau lại chơi. Thấy PV tới tìm hiểu, một số phụ huynh tìm cách lảng tránh, không tiếp chuyện.
Gia đình chị Mai Thị Tin (thôn Bắc Hà, chồng theo nghề biển, vợ buôn bán tạp hóa) có bốn người con học ở cả hai trường tiểu học và THCS đều bị cấm đi học.
Khi được hỏi lý do, ban đầu chị Tin cho biết: “Vì khó khăn quá, không có tiền nên không cho con đi học. Khi nào trường miễn giảm hết tiền học mới cho đi”.
Chị Tin cho biết, hầu hết người dân ở đây đều làm nghề đi biển và làm muối. Kể từ khi sự cố ô nhiễm môi trường biển, hoàn cảnh của người dân rất khó khăn vì không còn biết làm gì để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhất là những gia đình đông con đều trong độ tuổi đi học.
Tuy nhiên, sau đó chị cũng cho biết thực ra việc không cho con đi học không hẳn chỉ do quá khó khăn vì sự cố môi trường. Chị cũng muốn cho con đi học nhưng…”sợ”.
“Khi nào làng cho đi thì chúng tôi mới cho con đi học”, chị Tin nói.
|
|
|
|
Chị Tin và con trai bên quầy hàng tạp hóa |
|
Khi được hỏi tại sao phụ huynh ở đây chỉ bắt học sinh các bậc mầm non, tiểu học và THCS nghỉ học còn các em học THPT thì vẫn đến trường bình thường?, chị Tin trả “là do làng bắt phải như thế”.
Còn bà Trần Thị Doãn (thôn Bắc Hà), người có nhiều cháu nhỏ đang tuổi đến trường cho biết cũng vì không có tiền, quá khó khăn nên mới không cho các cháu đi học. Bà mong nhà trường và các cơ quan chức năng miễn giảm các khoản thu đầu năm học cho học sinh, khi đó mới cho các cháu đến trường.
Nhiều phần tử cực đoan xúi dục, kích động
|
|
|
|
Có những lớp học chỉ có vài ba em. |
|
Hiện Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh đã có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường tham mưu với chủ tịch UBND xã Kỳ Hà thành lập Ban chỉ đạo nhằm tăng cường tuyên truyền, huy động học sinh đến trường.
Trao đổi với chúng tôi ông Phan Duy Vĩnh – Phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh xác định có một số bộ phận cực đoan xúi giục, kích động, gây sức ép người dân để ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường nhằm tạo sức ép lên chính quyền trong việc đòi các yêu sách, lợi dụng khó khăn đời sống nhân dân do sự cố môi trường để kích động biểu tình, hòng làm rối tình hình cơ sở, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
“Hiện thị xã tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền vận động người dân, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo công an tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiệm những kẻ cầm đầu xúi giục kích động người dân, gây rối ANTT và ngăn cản, cấm đoán học sinh đến trường trong năm học mới” ông Vĩnh nói.
CATP Hà Tĩnh