Hà Tĩnh: Tích cực phòng cháy và chữa cháy cho nhà liền kề
Trong thời gian qua, trên địa bàn toàn quốc, cũng như tại Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; hầu hết các vụ cháy xảy ra do vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy, không có phương tiện chữa cháy tại chỗ.
[caption id="attachment_16000" align="aligncenter" width="600"] Một vụ cháy xảy ra tại TP. Hà Tĩnh ngày 31/10/2016[/caption]
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an, trong 8 tháng đầu năm 2016 trên cả nước đã xảy ra 655 vụ cháy nhà dân làm chết 18 người, bị thương 74 người, thiệt hại về tài sản trên 100 tỷ đồng. Điển hình như: Tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 10/6/2016, cháy cửa hàng bếp từ Phú Gia, số 423, Lũy Bán Bích, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, làm 4 người chết; trước đó, tại tỉnh Đồng Nai, vụ cháy nhà dân khu phố 1, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa, vào ngày 27/6/2016 cũng làm chết 4 người; tại Cà Mau, ngày 31/7/2016, nhà bà Trần Thị Lê tại số 91 đường Phan Bội Châu, phường 7, thành phố Cà Mau bốc cháy, đã làm 6 người chết. Gần đây nhất là vụ cháy vào ngày 04/10/2016, tại nhà dân kinh doanh dịch vụ cưới hỏi tại địa chỉ 1/117, Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP. Hồ Chí Minh làm 3 người chết…
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh, cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân gây thiệt hại nghiêm trọng, điển hình như: Vào lúc 9h30’ ngày 15/2/2016, xảy ra cháy tại nhà anh Đào Quang Ánh, ở ngõ 336 tổ 3 phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh làm thiêu rụi nhiều đồ đạc, ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vừa qua, ngày 31/10/2016, ngọn lửa bốc cháy vào giữa đêm tại các nhà liền kề gồm: Cơ sở kinh doanh Caffe Cây Đào của chị Nguyễn Thị Cẩm, số 65 đường Nguyễn Công Trứ, TP. Hà Tĩnh, cửa hàng tạp hóa chị Lê Thị Phượng và các ki ốt kinh doanh điện thoại liền kề của anh Đặng Quang Chung, anh Nguyễn Viết Bách và anh Nguyễn Đình Thụ, đám cháy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 2 tỷ đồng…
Hầu hết các vụ cháy trên đều xảy ra tại các nhà liền kề, các nhà này thường có diện tích nhỏ, ba mặt bị bịt kín bởi các nhà xung quanh và chỉ có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính của ngôi nhà. Trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là trên các tuyến phố chính của thành phố Hà Tĩnh, các thị trấn của các huyện, trung tâm các thị xã nhiều ngôi nhà liền kề được kết hợp để ở và kinh doanh các dịch vụ; trong đó có những ngôi nhà nhiều tầng, chứa các mặt hàng dễ cháy, như: Vải, đệm mút, đồ nhựa, đồ gỗ, hàng tạp hoá …; việc sử dụng nguồn điện, lửa trần, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt… không an toàn có thể dẫn đến cháy, gây hậu quả nặng nề. Để đảm bảo an toàn PCCC trong khu vực dân cư, tại các nhà liền kề, chủ hộ gia đình, nhất là các hộ kinh doanh cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Chủ động học tập, nghiên cứu, nắm vững các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, cách sử dụng các phương tiện PCCC tại chỗ, cách thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Thường xuyên tự kiểm tra các điều kiện về an toàn PCCC và tổ chức khắc phục kịp thời các sở hở, thiếu sót; nhất là việc sắp xếp vật tư, hàng hoá dễ cháy phải cách xa hệ thống điện, các thiết bị, sinh lửa, sinh nhiệt, ngọn lửa trần… Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chữa cháy, như bình chữa cháy xách tay; nguồn nước, chăn chiên…
- Các hộ gia đình kết hợp kinh doanh cần phải trang bị phương tiện PCCC phù hợp với tính chất hoạt động, mức độ nguy hiểm cháy, nổ của ngôi nhà (định mức trang bị tối thiểu 01 bình/50m2 diện tích mặt sàn); bình chữa cháy phải để nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng; bố trí bình phân tán để kịp thời xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra. Các khu vực có nguy hiểm cháy, nổ cao nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm.
- Phải có dự tính lối thoát nạn khi cần thiết, như: Lối lên mái, sang nhà hàng xóm… Nơi đun nấu, thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện phải đảm bảo an toàn về PCCC, các chất dễ cháy, nổ; các phương tiện ô tô, xe máy để trong nhà phải cách xa các loại nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Hệ thống điện phải được thiết kế đảm bảo an toàn PCCC, cần sử dụng các thiết bị bảo vệ điện như: Áptomat, cầu dao, cầu chì…; khi lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện phải được tính toán để không để gây quá tải; chú ý ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
- Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng hô hoán, báo động cho tất cả mọi người biết và tìm mọi cách báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số114 để được ứng cứu; đồng thời tổ chức việc thoát nạn, cứu người và sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy ngay từ đầu./.
Hậu Sơn - Quốc Thái (PC66)
CATP Hà Tĩnh