Xây dựng phương án cụ thể các vấn đề sau sáp nhập xã tại Hà Tĩnh
Tiếp tục nội dung bàn về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, chiều 8/5, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nghe phương án của các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê và TX Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành, địa phương cùng tham gia.
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân trình bày sơ bộ phương án sáp nhập xã ở Thạch Hà.
Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, BTV Tỉnh ủy đã triển khai nghiêm túc, cụ thể hóa các nội dung liên quan. Trên cơ sở văn bản số 1445-CV/TU ngày 27/3/2019 của BTV Tỉnh ủy về việc chỉ đạo thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1780/UBND-NC ngày 29/3/2019 về việc sáp nhập ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, trong đó giao UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp xã theo tinh thần chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy.
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Đặng Quốc Cương trình bày phương án sáp nhập tại địa phương.
UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác 853 (theo Quyết định số 853/QĐ-UBND tỉnh, ngày 22/3/2019 của UBND tỉnh) phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tổng hợp, thẩm định sơ bộ phương án tổng thể của các địa phương, tham mưu báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tổ công tác 853 đã tổ chức kiểm tra, rà soát và có các buổi làm việc với các địa phương về nội dung liên quan đến phương án sáp nhập.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Cần chấp nhận sẽ có dôi dư cán bộ, nhưng đi cùng với đó tỉnh nên có giải pháp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ để nâng cao năng lực công tác, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; chuyển đổi vị trí công tác những đồng chí có năng lực thực sự.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Thế Dũng: Cần kiến nghị trung ương có hướng dẫn cụ thể, khung chính sách dành cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương, Tổ công tác 853 đã trình bày sơ bộ phương án sáp nhập và giải trình các thông tin liên quan đến việc xây dựng phương án. Theo đó, hiện nay, các địa phương đã tiến hành xây dựng sơ bộ phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đang đặt ra không ít khó khăn, vướng mắc trong việc gọi tên xã mới sau sáp nhập, nơi đặt trung tâm hành chính, việc giải quyết nợ đọng, tình trạng dôi dư cán bộ, định hướng phát triển sau sáp nhập... Các đại biểu dự họp cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương có các hướng dẫn cụ thể, đặc biệt trong công tác giải quyết số lượng cán bộ dôi dư.
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái: Việc sáp nhập xã nên thực hiện xuyên suốt, đảm bảo hoàn thành trước năm 2021, không nên kéo dài đến sau năm 2021.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn biểu dương các địa phương đã triển khai bài bản, trách nhiệm và hiệu quả trong việc xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đặc biệt là các huyện Đức Thọ và Thạch Hà.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sắp xếp đơn vị hành chính xã là nội dung quy mô, có những thách thức rất lớn. Vì vậy, các địa phương phải tính toán căn cơ, có phương án cụ thể trong xử lý các vấn đề sau sáp nhập; tuyệt đối không chủ quan, nóng vội; đồng thời tiếp tục phát huy trách nhiệm, quyết tâm cao nhất trong triển khai trên cơ sở đảm bảo hợp lòng dân và đạt mục tiêu của Nghị quyết.
CATP Hà Tĩnh