Hà Tĩnh với cách mạng công nghiệp 4.0
“Nếu không muốn tụt hậu, Hà Tĩnh phải nhanh chóng tận dụng triệt để sức mạnh lan tỏa của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển doanh nghiệp và phát triển KT-XH một cách nhanh, bền vững”.
Điều khiển tự động hóa sản xuất gang thép tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Hà Tĩnh chưa hình thành nền công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), tiếp cận CMCN 4.0, mức độ tham gia của công nghệ cao nói chung vào SXKD còn hạn chế. Đó là đánh giá hết sức thẳng thắn, khách quan của Ban chỉ đạo CNTT tỉnh Hà Tĩnh về nền CNTT tỉnh nhà trong thời điểm hiện nay, để từ đó có những định hướng chiến lược nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.
Mặc dù còn “non trẻ” nhưng CMCN 4.0 ở nước ta đã trở thành các yếu tố then chốt, quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia cũng như địa phương và doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, ngoài một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Formosa, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu… đã ứng dụng 4.0, còn lại, hầu hết các doanh nghiệp chưa đạt đến tầm sử dụng 4.0.
Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa triển khai thành công các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng I-ốt phóng xạ l-131.
“Nếu không muốn tụt hậu, Hà Tĩnh phải nhanh chóng tận dụng triệt để sức mạnh lan tỏa của CMCN 4.0 trong xây dựng chính quyền điện tử, phát triển doanh nghiệp và phát triển KT-XH nhanh, bền vững” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CNTT tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh, khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Huy Trọng, nhận thức được tầm quan trọng của cuộc CMCN 4.0, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở KH&CN đã tham mưu ban hành các chính sách như: Hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp; quản lý và phát triển tài sản trí tuệ… Mặc dù mới triển khai nhưng những chính sách đó đã tác động rất tích cực đến nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh về sở hữu trí tuệ.
Rô bốt sắp xếp gạch tự động tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trần Châu (CCN Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên)
Đến nay, có gần 3.000 lượt tổ chức, doanh nghiệp được đào tạo kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ; gần 1.000 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được cấp cho các sản phẩm, dịch vụ trên toàn tỉnh. Các sản phẩm đặc sản của địa phương đang được triển khai đăng ký bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Xác định thị trường KH&CN và doanh nghiệp KH&CN có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, ứng dụng nghiên cứu khoa học vào cuộc sống, Hà Tĩnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ như: Thực hiện hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ thiết bị, các sáng chế, giải pháp hữu ích…; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chợ công nghệ thiết bị, thành lập doanh nghiệp KH&CN…
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I là một trong những đơn vị đi đầu trong CMCN 4.0 trên địa bàn Hà Tĩnh
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp KH&CN hoạt động trên các lĩnh vực CNTT, nông nghiệp, dược phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng. Một số doanh nghiệp đã tiếp cận chuyển giao những công nghệ tiên tiến, mức độ tự động hóa cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CNTT tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, CMCN 4.0 thực sự là cơ hội và cũng là thách thức cho Hà Tĩnh. Vì vậy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về cuộc CMCN 4.0; các doanh nghiệp, tổ chức tăng cường các đề tài, dự án thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường.
CATP Hà Tĩnh