Hai nam sinh Hà Tĩnh chế tạo thành công cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói
Lấy ý tưởng từ nhu cầu thực tiễn đời sống, đôi bạn thân Hoàng Minh Phúc và Nguyễn Trung Kiên - học sinh lớp 12A4, Trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đã mày mò, chế tạo ra cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói, có tính ứng dụng cao vào thực tiễn.
Quá trình sáng tạo cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói của 2 cậu học trò, có sự giúp đỡ của thầy Nguyễn Xuân Tùng – giáo viên môn Vật lý
Ý tưởng nảy sinh từ mong muốn giúp đỡ người khuyết tật
Theo Hoàng Minh Phúc, ý tưởng của em xuất phát từ việc chứng kiến một người cựu binh, cũng là láng giềng nhà mình bị khuyết tật về tay. Quá trình lao động, sinh hoạt hàng ngày của người cựu binh này gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật có giá thành rất cao, những người có thu nhập thấp rất khó tiếp cận được sản phẩm.
Ý tưởng đã có, nhưng để chế tạo được cánh tay robot như mình mong muốn không phải điều dễ dàng. Thế nên, trong lần phát động sáng tạo KHKT của trường, Phúc đã mạnh dạn nêu lên ý tưởng, rất may đã được nhà trường chấp nhận đầu tư để sáng tạo.
Tháng 6/2018, để đẩy nhanh tiến độ và có được sản phẩm như ý muốn, Hoàng Minh Phúc đã cùng người bạn thân cùng lớp của mình là Nguyễn Trung Kiên bắt tay vào việc chế tạo cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói.
Sáng tạo bằng niềm đam mê
Hai nam sinh với những kiến thức ít ỏi, lòng nhiệt huyết của mình, đã gặp muôn vàn khó khăn như: Việc đặt mua các thiết bị linh kiện điện tử, các vật liệu sáng chế, những kiến thức về nguyên lý hoạt động các mô tơ và con chíp...
Đến tháng 12/2018, qua nhiều lần lắp ráp thất bại, 2 cậu học trò cùng với sự giúp sức của thầy Nguyễn Xuân Tùng – giáo viên môn Vật lý, đã cho ra lò sản phẩm “cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói”. Sản phẩm gồm: Thân, bàn tay, cổ tay, cánh tay và ngón tay, tất cả được làm bằng nhựa PLA; nguồn điện bằng pin, động cơ Servo 3003, bộ điều khiển trung tâm gồm các mạch và modul.
Bộ xử lý với các mô đun nhận lệnh từ giọng nói, sau đó đưa lệnh đến bộ xử lý tiếp theo ở các sever, làm xoay chuyển các ngón tay hoặc cổ tay, tùy ý người điều khiển.
Sau 6 tháng mày mò, sản phẩm "cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói" đã được hoàn thành, mang đi dự thi ở các cuộc thi sáng tạo KHKT.
Nam sinh Nguyễn Trung Kiên cho biết: "Với cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói, chỉ cần đọc lệnh thì ngay lập tức bàn tay thực hiện cầm nắm, co duỗi như ý muốn. Nhờ bàn tay robot này, mọi sinh hoạt, vận động hàng ngày đối với người khuyết tật sẽ trở nên dễ dàng hơn mà không đòi hỏi phải mất nhiều chi phí."
Được biết, để sản xuất một sản phẩm “cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói” chỉ mất chi phí gần 3 triệu đồng - số tiền quá ít so với những loại cánh tay giả đang bán trên thị trường. Thế nhưng, để áp dụng rộng rãi sản phẩm này đang còn phải có một sự đầu tư lớn về tiền bạc và thời gian.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Tùng chia sẻ: “Sản phẩm có tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao, nên thầy trò chúng tôi đang rất muốn nhân rộng. Thế nhưng, để hiện thực hóa mong muốn này, rất cần phải có sự hỗ trợ của một tập đoàn hay công ty lớn...”.
Sản phẩm đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo KHKT toàn quốc dành cho khối trung học.
Với tính độc đáo, hiện đại và nhân văn, “cánh tay robot điều khiển bằng giọng nói” của 2 nam sinh Hà Tĩnh đã vượt qua 144 mô hình sáng tạo và giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh; vượt qua hơn 200 sản phẩm để giành giải ba Cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2018 -2019.
CATP Hà Tĩnh