Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hành vi tiểu tiện nơi công công: Bị ghi hình, xử phạt

Tất cả những trường hợp bị xử phạt do tiểu tiện, vứt rác bừa bãi nơi công cộng đều bị ghi hình lại để làm bằng chứng. Đa phần những trường hợp vi phạm đều làm các nghề như chạy xe ôm, đánh giày, bán vé số, tài xế xe taxi, xe tải…

Tiểu tiện nơi công công gây ra hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan và tạo ra môi trường không được trong sạch là vấn đề gây nhức nhối trong thời gian qua. Những hình ảnh phản cảm trên không chỉ gây khó chịu cho người đi đường mà còn là hình ảnh không mấy thiện cảm trong mắt những du khách nước ngoài đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 10-2, lực lượng quản lý trật tự đô thị (TTĐT) quận 1 tiếp tục chia làm nhiều tổ tiến hành xử phạt tiểu tiện, vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Chỉ trong vòng buổi sáng, hàng chục trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản xử lý và bắt phải khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra. Một cán bộ trong đoàn công tác xử lý vi phạm tại các khu công cộng cho hay, nhiều trường hợp không chấp nhận bị xử phạt đã kháng cự lại gây mất nhiều thời gian làm việc của tổ công tác. Bởi vậy, tất cả những trường hợp bị phát hiện đều phải ghi hình lại để làm bằng chứng. Đa phần những trường hợp vi phạm đều làm các nghề như chạy xe ôm, đánh giày, bán vé số, tài xế xe taxi, xe tải…

Đội quản lý TTĐT quận 1 xử phạt người dân tiểu tiện nơi công cộng.
Ông Phạm Nhất Trí, Đội phó Đội Quản lý TTĐT quận 1 cho biết, Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-2, trong đó quy định cụ thể mức phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiểu bậy, phóng uế, vứt rác với mức phạt rất cao từ 1-3 triệu đồng. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa nắm được Nghị định này, nhất là những người chạy xe ôm, người bán hàng rong hay cánh tài xế xe taxi, xe tải… Nhiều người biện minh cho việc phóng uế, tiểu tiện nơi công cộng là do… khó tìm nhà vệ sinh. Một số nhà vệ sinh được xây dựng khang trang với số tiền lên đến cả tỷ đồng nhưng “đến tối là đóng cửa”. Anh T.H (nhà ở quận 5) cho biết. Theo Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có khoảng 300 nhà vệ sinh công cộng nhưng đa phần được lắp đặt ở nội thành, còn ở ngoại thành thì dường như không có. Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đang thống kê nhu cầu thực tế của từng quận, huyện, xác định vị trí lắp đặt nhà vệ sinh công cộng phù hợp. Trong năm 2017, thành phố sẽ phủ nhà vệ sinh với tiêu chuẩn hiện đại, tự vận hành để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

CATP Hà Tĩnh