Trang thông tin điện tử

CÔNG AN THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

Hết mình với công tác phòng cháy, chữa cháy

Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, không ngại khó khăn gian khổ, thời gian qua, Thượng úy Lê Văn Kỳ công tác ở Đội Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, thuộc Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã cùng đồng đội cứu được nhiều người thoát khỏi những vụ hỏa hoạn, tai nạn được chính quyền và nhân dân hết lời khen ngợi…

Thượng úy Lê Văn Kỳ về công tác trong lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên - Huế) từ năm 2006. Từ đó đến nay, anh đã cùng đồng đội tham gia chữa cháy hàng trăm vụ, cứu được nhiều người thoát nạn khi bị kẹt trong hầm khí, nhà cháy, cống thoát nước, xe ôtô bị TNGT…

Mới đây, vào ngày lễ Quốc khánh 2-9, tại ký túc xá Trường Bia, Đại học Huế xảy ra hỏa hoạn, anh Kỳ và đồng đội được chỉ huy đơn vị phân công đến hiện trường chữa cháy.

“Lúc ấy đám cháy xuất phát từ phòng A2.107 của ký túc xá, nếu không dập lửa ngay thì sẽ lan nhanh sang các phòng khác, bởi đây là những phòng của sinh viên, có nhiều sách vở dễ bén lửa. Sau khoảng 30 phút, chúng tôi đã khống chế được đám cháy, hạn chế thiệt hại về tài sản cho nhà trường và sinh viên”, Thượng úy Kỳ bày tỏ.

Thượng úy Lê Văn Kỳ (góc phải) đang cùng đồng đội chữa cháy tại ký túc xá Trường Bia, Đại họcHuế.

Trước đó, sáng 27-6-2016, nhận tin báo của người dân có một người đàn ông tên Phan Văn Vũ (47 tuổi, trú phường Xuân Phú) đang gặp nguy hiểm đến tính mạng do bị mắc kẹt tại khu vực cống nước giữa 2 căn nhà kiệt 47 đường Lê Quý Đôn, TP Huế, Cảnh sát PCCC tỉnh Thừa Thiên - Huế điều động 1 xe cứu hộ cùng 20 CBCS tiếp cận hiện trường.

Do đường dẫn vào khu vực cống nước quá hẹp, nạn nhân bị đuối sức vì bị mắc kẹt nhiều giờ nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi khoan cắt lớp bê tông tường nhà, Thượng úy Kỳ và đồng đội đã đưa được nạn nhân ra ngoài, chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu…

Thượng úy Kỳ cho biết, trong công tác cứu hộ cứu nạn đôi khi cũng gặp chuyện đau lòng, như vụ các công nhân bị sự cố ngạt khí tại hầm lọc của Công ty CP Vinh Phát sản xuất giấy đóng tại Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy vào tháng 4-2014.

Anh kể, khi nhận được thông tin có 6 công nhân bị ngạt khí mêtan bất tỉnh dưới hầm lọc bột giấy có độ sâu 3,5m, anh cùng tổ công tác nhanh chóng sử dụng mặt nạ phòng độc để vào hầm đưa các nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên, trên đường chuyển vào bệnh viện cấp cứu, có 2 công nhân, vì bị nhiễm khí độc nặng nên đã tử vong.

“Là một người lính trẻ còn chưa được đào tạo chuyên sâu công tác cứu hộ cứu nạn; đồng thời phương tiện kỹ thuật công tác chưa hiện đại, nhưng bản thân mình và đồng đội luôn nỗ lực hết mình trong công việc. Bởi trong các vụ hỏa hoạn hoặc tai nạn, chỉ chậm một vài phút thì tính mạng nạn nhân sẽ gặp nguy hiểm...”, Thượng úy Kỳ chia sẻ.

Ngoài hoàn thành nhiệm vụ được giao, Thượng úy Kỳ còn tích cực tham gia hoạt động phong trào Đoàn, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào tình nghĩa vì cộng đồng...

Với những thành tích xuất sắc, Thượng úy Kỳ đã được chính quyền địa phương, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng lãnh đạo đơn vị tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

CATP Hà Tĩnh