Với phương châm lấy phòng ngừa là chính; trong công tác PCCC trước hết phải được giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Đảng ủy, Lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm và bám sát chỉ đạo đến công tác phòng cháy, trong đó đặc biệt coi trọng và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa chiến lược đó là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, huấn luyện, xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Tăng cường huấn luyện cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và hướng dẫn cho nhân dân những kiến thức pháp luật cần thiết về PCCC, những kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy bằng phương pháp tuyên truyền miệng, với phương châm thêm một người hiểu biết về PCCC&CNCH thì bớt đi thảm họa và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố tai nạn gây ra. Kết quả trong việc triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân về PCCC đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong công tác PCCC.
|
|
Huấn luyện PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở |
Để có được sự chuyển biến tích cực đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục những khó khăn (như đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí, phương tiện phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế …) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; thực hiện Luật PCCC, trong 16 năm qua (2001-2017) đã phối hợp tổ chức 706 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ cở, chuyên ngành với hơn 46.117 lượt đội viên tham gia; phối hợp xây dựng 160 phóng sự, viết, đăng, phát 1.108 tin, bài tuyên truyền về công tác PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền trực tiếp 288 lượt, với hàng chục ngàn người tham gia; hàng ngìn lượt cơ sở treo băng rôn, khẩu hiệu, hơn 200 Pano, ảnh cổ động về PCCC. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 62 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC với 3.949 lượt người tham gia và 18 buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC cho 5.781 người nghe; xây dựng 06 phóng sự, đăng phát 87 tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, tập trung vào những biện pháp, giải pháp như sau:
|
|
|
Một là, đổi mới về nội dung tuyên truyền về PCCC: Đội ngũ tuyên truyền viên được lựa chọn từ những đồng chí có kinh nghiệm làm công tác PCCC, có chuyên môn tốt, có khả năng tuyên truyền từ các Đội công tác thuộc Phòng, chịu trách nhiệm biên soạn các nội dung tuyên truyền về PCCC với yêu cầu nội dung tuyên truyền phải đảm bảo phong phú, đa dạng phù hợp với từng loại, đối tượng cụ thể. Trong đó, không chỉ tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC, mà còn phải chỉ rõ được thực trạng công tác PCCC, những vụ cháy điển hình, nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dễ dẫn đến cháy, nổ và các biện pháp phòng cháy, kỹ năng thoát nạn và xử lý các tình huống khi có cháy, nổ, sự cố tai nạn xảy ra...
|
|
Thực hành phương thức dập tắt đám cháy ban đầu |
Hai là, đổi mới về hình thức tổ chức tuyên truyền: Nếu trước đây, hình thức tuyên truyền chủ yếu được thực hiện theo từng đợt, theo mùa vụ, được thực hiện thông qua các buổi tuyên truyền miệng tại các cơ quan, tổ chức; thông qua các khẩu hiệu hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN; Tháng an toàn về PCCC, hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC 4-10, tổ chức hội thi kiến thức pháp luật về PCCC, hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ... thì hiện nay, ngoài việc duy trì các hình thức trên, công tác tuyên truyền đã được đổi mới với nhiều hình thức mới như: Phối hợp với các biên tập viên, phóng viên các cơ quan Báo, Đài xây dựng các tin, bài, phóng sự, khuyến cáo, cảnh báo về PCCC, biểu dương các việc làm tốt có ý nghĩa trong PCCC được đăng tải trên báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình, cổng thông tin điện tử, chia sẽ trên mạng xã hội để cho mọi người cùng biết về tin tức những vụ cháy, sự cố tai nạn điển hình, những biện pháp phòng cháy và chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm ... v.v.
|
|
|
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC theo Luật PCCC đã quy định.
Sau nhiều năm thực hiện, những kiến thức cơ bản về PCCC, những kỹ năng thoát nạn, xử lý vụ cháy, nổ ban đầu, các biện pháp cơ bản để phòng cháy… đã được tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân thông qua nhiều hình thức, tuy nhiên cần tập trung và tiếp tục quan tâm công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp; thông qua các buổi khai giảng năm học mới, chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa của các trường học, cơ sở giáo dục; thông qua hệ thống loa phát thanh tại các thôn, xóm, tổ dân phố, tuyên truyền di động trên các tuyến phố, hoặc qua tổ thu phí tiền điện, nước, cước điện thoại để phát tờ rơi… v.v. Đây thực sự là một trong những đổi mới mang tính đột phá trong công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân về PCCC nhằm cập nhật và chuyển tải đến gần người dân hơn, tiến tới mục tiêu xã hội hóa công tác PCCC.
Bốn là, trong công tác xây dựng phong trào toàn dân về PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động và nhân dân tham gia Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành tại địa phương nơi cư trú và tại trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, hình thành thế trận toàn dân PCCC. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở từng bước được nâng cao, qua đó đã chủ động, kịp thời phát hiện và dập tắt hàng trăm sự cố cháy, nổ có nguy cơ phát sinh thành các vụ cháy, nổ lớn nếu không được xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu, từ những “giây, phút vàng” để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, sự cố tai nạn gây ra.
|
|
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC |
Để tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác PCCC; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Chương trình hành động số 1799-CT/TU ngày 22/7/2015 của Tỉnh ủy Hà Tỉnh và Kế hoạch số 538/KH-UBND ngày 21/10/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó có việc chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân về PCCC. Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xây dựng và thực hiện các quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền PCCC, không ngừng nỗ lực phấn đấu, thường xuyên bồi dưỡng, trau dồi, học hỏi nâng cao kiến thức, nghiệp vụ công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCCC nói chung và cán bộ làm công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC nói riêng đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.